Mua hàng qua mạng: Cảnh giác mà vẫn bị lừa

06:44 | 20/05/2013

3,493 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với những quảng cáo hấp dẫn như: giá gốc, giá rẻ chưa từng có, giảm giá đến 90%... Những trang web bán hàng qua mạng rất đắt khách. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm mà khách hàng nhận được có đúng với số tiền mà họ phải trả hay không thì còn tùy thuộc vào... sự may mắn của người mua. Bên cạnh đó còn là chuyện tiền đã chuyển khoản nhưng hàng có đến tay người mua hay không thì... cũng là “hên xui”.

Của rẻ là của ôi

Nếu như ở nước ngoài, mua hàng qua mạng là một hình thức mua bán thuận tiện và an toàn, thì mua hàng qua mạng ở Việt Nam lại giống một kiểu “đánh bạc”. May mắn thì người mua nhận được hàng ưng ý và đúng theo chất lượng chào hàng của người bán. Còn nếu không may mắn gặp phải người bán lừa đảo thì khách hàng sẽ “mất tiền như chơi”, có khi còn “tiền mất tật mang”.

Muôn vàn sản phẩm được rao bán trên website (ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thu Trang ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Thấy có quảng cáo trên trang web lamchame.com là túi xách mang nhãn hiệu Tignanello có giá chỉ 2.000.000 đồng trong khi giá thật của chiếc túi này trên trang Macy.com là gần 200USD (khoảng 4.500.000 đồng) nên tôi gọi điện liên hệ ngay để mua được chiếc túi này. Cô bán hàng hứa hẹn với tôi: “Chị yên tâm, chị nhìn thấy ảnh thật chiếc túi em chụp trên mạng rồi đấy. Em mà làm ăn không uy tín thì làm gì được nhiều thành viên trên web mua như thế”. Tôi hẹn được qua nhà để xem mặt hàng thì cô ấy nói tôi phải chuyển trước 70%  tổng giá trị tiền thì cô ấy mới đặt hàng trên web nước ngoài mang về chứ hàng bây giờ cô ấy bán hết rồi. Tin lời, tôi chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản ngân hàng của cô ấy.

Một tuần sau có người đến địa chỉ của tôi để giao chiếc túi và nhận nốt 30% số tiền còn lại. Thoạt nhìn thì chiếc túi trông đúng như hình trên mạng. Tuy nhiên, tôi dùng được 1 tuần thì viền khóa nam châm trong túi sứt ra và da bắt đầu nứt nẻ. Đến lúc đó tôi mới biết đó là túi giả da. Tôi liền gọi điện ngay cho cô kia nhưng cô ấy tỉnh bơ bảo: “Chị mua phải hàng đểu ở đâu sao lại đổ cho nhà em. Nhà em bán hàng đảm bảo, ai cũng biết rồi”. Nghe đến đấy là tôi biết mình bị lừa, nhưng cũng vì mình ham rẻ nên mới mua phải hàng kém chất lượng. Vả lại lúc mua hàng cũng chỉ đơn thuần là trao đổi, thỏa thuận qua điện thoại, trả tiền thì trả tiền mặt, có hóa đơn giấy tờ gì để mà chứng minh là cô ta đã bán hàng cho tôi đâu”.

Rất nhiều người có chung một tâm lý: Khá nghi ngại khi mua hàng qua mạng, nhưng lại bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ bất ngờ và hình ảnh hàng hóa đẹp mắt, đầy hứa hẹn. Nhưng chẳng mấy ai ham rẻ mà lại tỉnh táo để nhớ ra rằng “của rẻ là của ôi”.

Mua thú nuôi qua mạng: chó bệnh, mèo ốm

Không chỉ đối với những sản phẩm tiêu dùng, việc buôn bán qua mạng còn sôi nổi với những mặt hàng “sống” là các loại thú nuôi như: chó cảnh, cá cảnh, chim cảnh… Rẻ thì vài trăm nghìn, đắt thì cả chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Anh Dũng ở TP HCM là một nạn nhân khi mua thú nuôi qua mạng. Với lời quảng cáo của bà chủ tiệm bán chó cảnh ở phố Hồng Mai, Hà Nội rằng cửa hàng chuyên bán chó có nguồn gốc (cụ thể là chó bố, chó mẹ được nuôi tại Việt Nam nên chó con thích nghi với môi trường sống ở Việt Nam dễ dàng), chó thuần chủng, được tiêm phòng đầy đủ nên anh quyết định chuyển hơn 15 triệu đồng để mua con chó Alaska 2 tháng tuổi về nuôi. Lúc nhận hàng anh rất vui mừng vì con chó rất khỏe mạnh, hiếu động. Đến ngày hôm sau thì con chó có hiện tượng nôn mửa. Ngày thứ ba thì bị tiêu chảy, khó thở, bỏ ăn và sốt nên anh quyết định mang con chó đến gặp bác sĩ thú y để tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ cho biết chó của anh có xuất xứ từ Trung Quốc và đa số chó có nguồn gốc Trung Quốc đều là chó bệnh mang trong mình rất nhiều loại bệnh như viêm phổi, care, sán… và 80-90% chó nhập Trung Quốc sẽ chết hoặc chỉ sống được một, hai tháng.

Theo bác sĩ, các chủ buôn thú nuôi chọn nhập thú nuôi từ Trung Quốc với giá rẻ như bèo nên sẽ thu được một nguồn lãi lớn còn người mua hàng thì không thể thẩm định được chất lượng thú nuôi nên cứ nhắm mắt mà mua. Không ngoại lệ, con chó của anh Dũng bị viêm phổi và chết sau 10 ngày được bác sĩ cứu chữa. Bác sĩ còn cho biết, nuôi chó nhập từ Trung Quốc cũng rất nguy hiểm nếu nhà có trẻ con vì làm cho trẻ nhiễm nhiều bệnh từ chó bệnh. Anh Dũng bực bội gọi cho bà chủ cửa hàng. Anh chỉ vừa mới nói: “Con chó tôi mua chết rồi” thì chị chủ cửa hàng nhanh nhẩu: “Anh lấy con khác nhé, chuyển tiền ra cho em, em gửi vào cho anh”. Anh Dũng chết điếng vì thái độ vô cảm của bà chủ cửa hàng.

Nhưng đó không phải trường hợp hiếm hoi, nhiều bạn trẻ thích nuôi thú cưng nên đã đặt mua qua mạng những giống chó, mèo, chuột lang… của nước ngoài. Tuy nhiên, tiền chuyển khoản không phải là ít, nhưng khi đón về chỉ là “em thú cưng” ốm yếu, bệnh tật và nhanh chóng “qua đời” chỉ sau một thời gian rất ngắn.

Khiếp vía với kem trắng của Hotgirl

Gần đây nhất, vụ hotgirl tên T.K lừa đảo hàng loạt khách hàng nhẹ dạ khi bán kem trộn làm trắng da có giá bán chỉ vài chục nghìn đồng nhưng được “nâng cấp” giá mỗi hộp lên đến 750.000 đồng cho đến cả triệu đồng đã làm cho giới trẻ được phen hoảng sợ. Không chỉ mất tiền, người dùng còn “mang tật” vì hậu quả của loại kem lột trắng da không có nhãn mác này. Nhiều khách hàng sau khi dùng kem lột trắng da của hotgirl đã bị bỏng hoặc nổi mụn chi chít. Những hũ kem không có nhãn mác và thành phần này được chủ hàng chào bán với lời khẳng định: “Kem được chiết xuất từ thành phần thiên nhiên và các loại thảo dược nên không gây hại cho da”.

Da bị mẩn ngứa, bong tróc sau khi dùng kem lột trắng da siêu tốc không nhãn mác

Nhưng thực chất các loại kem này là hỗn hợp các hóa chất độc hại, dùng lâu ngày sẽ làm tổn hại cho da, thậm chí còn gây nhiều tác hại nguy hiểm khác. Chất corticoid được sử dụng trong các loại kem trộn này ban đầu sẽ có tác dụng làm mịn da nhưng lạm dụng sẽ dẫn tới hiện tượng teo da, tiêu lớp sừng ở biểu bì nên để lộ lớp da non trắng sáng bên trong nên người dùng sẽ tưởng đó là da trắng lên. Vậy nên da rất dễ bị bắt nắng, mẩn ngứa, mụn nhọt. Nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện những triệu chứng như: tức ngực, buồn nôn, suy gan, suy thận và có nguy cơ ung thư da.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Thực chất, nhiều mặt hàng rao bán trên mạng ở Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc nên rất khó nhận biết về hình dáng, chất liệu. Chỉ đến khi dùng một thời gian mới biết. Đối với những khách hàng tinh ý thì may ra họ mới nhận diện ra được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì hàng Trung Quốc rẻ và mẫu mã đẹp, giống y như hàng thật nên nhiều “con buôn” nhập hàng từ Quảng Châu về bán cho khách với giá rẻ hơn, thậm chí vẫn bán bằng giá gốc của hàng thật. Họ còn “trá hình” bằng cách mua một vài mẫu sản phẩm “xịn” chỉ để chụp ảnh đăng lên mạng quảng cáo, lấy lòng tin của khách hàng.

Ở nước ngoài, hình thức mua hàng qua mạng đã xuất hiện từ rất lâu và rất được ưa chuộng bởi sự tiện lợi. Thực tế cũng cho thấy khách hàng có thể đặt mua mỹ phẩm, quần áo thời trang, sản phẩm công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam bằng một cách hết sức đơn giản chứ không cần qua khâu trung gian nào. Chỉ cần tạo một tài khoản trên trang web để đăng nhập, chọn sản phẩm, thanh toán bằng thẻ visa, paypal… Khách hàng sẽ phải chờ khoảng 1 đến 2 tuần, tùy vào thời gian vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng là có thể sử dụng được. 

Đương nhiên là các sản phẩm khách hàng nhận được đều là sản phẩm có chất lượng tốt, bởi có sự giúp đỡ của hệ thống thanh toán Paypal. Dịch vụ này cho phép các thành viên có thể chuyển tiền mà không cần chia sẻ thông tin tài chính, với sự linh hoạt trong thanh toán sử dụng số dư tài khoản, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, đặc biệt hữu ích cho các giao dịch bán hàng xuyên biên giới. Đây là dịch vụ thanh toán có tính bảo mật cao, hỗ trợ an toàn cả người bán và người mua mà không bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng.

Còn tại Việt Nam, hầu hết việc buôn bán qua mạng không có bất cứ một sự đảm bảo nào bởi thỏa thuận giữa người bán và người mua hầu như chỉ qua điện thoại hoặc chat yahoo, thanh toán thông qua chuyển khoản, gửi tiền qua bưu điện mà không có một sự ràng buộc nào. Có nhiều trường hợp khách hàng không nắm được bất cứ thông tin gì của người bán, nhưng đã trả tiền đặt cọc trước để rồi bị lừa.

Nhiều website bán hàng online là diễn đàn hoặc forum, nơi mà các thành viên có thể tự đăng ký tên đăng nhập và quảng cáo sản phẩm của mình một cách dễ dàng còn các admin (người quản lý trang web) thì không thể kiểm chứng chất lượng hàng hóa rao bán trên trang web của mình. Đặc biệt, khách hàng cần tránh tiết lộ thông tin tài khoản cá nhân để tránh các trường hợp bị “ăn cắp” tiền trong tài khoản ngân hàng. Nhiều trường hợp khách hàng bị tự động trừ tiền hàng tháng dù không có bất cứ một giao dịch nào trên mạng do bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng.

Thực tế, việc buôn bán qua mạng ở Việt Nam còn rất nhiều kẽ hở chưa được các cơ quan chức năng xử lý. Người mua mù mờ, thậm chí chẳng có thông tin gì về người bán nên đến khi bị lừa sẽ rất khó hoặc không thể đi tố cáo các hành vi lừa đảo đó. Nhiều người vì ngại hoặc có suy nghĩ: “Thôi có vài trăm nghìn đi tố cáo kiện tụng làm gì cho phức tạp, mất thời gian” nên đành “ngậm đắng nuốt cay” cho qua. Trong khi đó tâm lý ham rẻ của người mua vẫn luôn là yếu tố tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo lộng hành với những chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.

Lý Nhung

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc