"Masanari yêu Việt Nam, chết cũng phải ở Việt Nam"

10:55 | 13/06/2013

718 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo tin từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TS Nishimura Masanari sẽ được an táng hôm nay (13/6) tại xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) - nơi mà người dân luôn nhớ tới ông qua việc đóng góp không nhỏ để xây dựng một bảo tàng gốm sứ cấp xã ở Việt Nam.

>> Vĩnh biệt nhà khảo cổ Nhật – người bạn của Việt Nam

>> Tiến sĩ khảo cổ Nhật Bản với 'bảo tàng cấp xã' đầu tiên ở Việt Nam

TS khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari 

“Người nhà nói rằng Masanari yêu Việt Nam, làm việc tại Việt Nam và chết cũng phải ở Việt Nam. Do vậy, ông ấy hẳn sẽ được an ủi nếu biết điều này", PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết.

Theo tin từ Viện Khảo cổ, gia đình Masarani có nguyện vọng tổ chức đám tang cho ông theo nghi thức Việt truyền thống. Lễ viếng nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura Masannari sẽ diễn ra từ 12h trưa hôm nay tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội). Tiếp sau là lễ truy điệu lúc 13h15, nhà khoa học Nhật Bản này sẽ được đưa về an táng tại nghĩa trang xã Kim Lan.

Trước đó, vào sáng 9/6, giới khảo cổ Việt Nam bàng hoàng khi nghe tin Masanari qua đời vì tai nạn giao thông tại Gia Lâm (Hà Nội) trên đường đi công tác Bắc Ninh.

Tới Việt Nam lần đầu năm 1990, nhà khoa học Nhật Bản này đã có 23 năm gắn bó với Việt Nam, trên tư cách một chuyên gia thuộc chương trình phối hợp nghiên cứu khảo cổ giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Nishimura Masannari còn có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ. Ông nói thạo tiếng Việt, am hiểu về văn hóa, lịch sử con người Việt Nam và được đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phân tích địa tầng trong ngành khảo cổ học.

“Nishimura là một nhà khoa học hết sức đặc biệt, niềm say mê Việt Nam đến mức độ kỳ lạ. Ông ấy đã lùng sục khắp nơi ở Việt Nam, nơi nào có di chỉ khảo cổ là ông lại tìm đến từ Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Chu Đậu (Hải Dương), Hội An, Trà Kiệu (Quảng Nam), thành nhà Mạc (Tuyên Quang)... hay gần nhất là khu di tích Tràng An (Ninh Bình) trong năm 2012 khi làm hồ sơ xin UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới.

Tháng 11/1998, khi cùng làm việc với các đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam trên vùng đất Luy Lâu xưa (thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày nay), Nishi đã phát hiện được một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ I - III sau Công nguyên. Cho đến nay, đây là mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất đã phát hiện ở Việt Nam và là một tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu trống đồng.

Mảnh khuôn đúc trống đồng mà TS Nishimura phát hiện được có giá trị rất lớn để khẳng định rằng trống đồng của người Việt xưa đã được sản xuất tại chỗ.

Không những vậy, ông cùng các đồng nghiệp Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu. Điều này, chứng tỏ mũi tên có niên đại thời kỳ An Dương Vương được sản xuất tại chỗ.

Mảnh đất gốm Kim Lan sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà khảo cổ học Nhật Bản

Riêng với mảnh đất Kim Lan, bảo tàng trưng bày gốm sứ nơi được TS Khảo cổ học Nishimura Masanari đứng ra kêu gọi tài trợ và thành lập vào 3/2012. Đây là vùng đất có di chỉ Hàm Rồng từng được khai quật khảo cổ nhiều lần và cung cấp những dấu tích quan trọng về sự cư trú của cư dân Việt cổ.

Cùng với một số hiện vật từ những lần khai quật này, bảo tàng gốm sứ Kim Lan còn trưng bày khá nhiều mảnh gốm sứ cổ do nhân dân trong vùng hiến tặng từ những bộ sưu tập cá nhân, hoặc nhặt được sau những lần sông làm xói lở lớp đất phủ.

Những di tích, hiện vật là khối tài sản văn hóa phong phú, quý báu sẽ được lưu giữ và triển lãm trong Nhà trưng bày để đông đảo nhân dân biết tới. Nhân dân rất tự hào về Nhà trưng bày độc đáo của Kim Lan và khẳng định nó sẽ góp phần không nhỏ để giáo dục và nhân lên niềm tự hào về truyền thống quê hương cho con cháu.

TS khảo cổ học Nishimura Masanari đã mất đi là một tổn thất lớn đối với giới khảo cổ học, nghiên cứu bảo tồn lịch sử văn hóa Việt Nam. Một nhà khoa học tận tâm, một người con của đất nước Nhật Bản đã trọn đời gắn bó với văn hóa Việt Nam.

Với những đóng góp và tình cảm của ông dành cho mảnh đất và con người Việt Nam. Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã ký quyết định truy tặng "Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học Xã hội" cho TS khảo cổ học Nishimura Masanari.

Nguyễn Hoan