Lòng tự trọng... và xe công trẩy hội

06:50 | 14/02/2014

3,199 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu cán bộ, công chức chấp hành nghiêm việc không sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội. Thế nhưng, nhiều quan chức vẫn dùng xe công để... tung tẩy đi trẩy hội...

>> Phớt lờ chỉ thị của Thủ tướng, xe công vô tư trẩy hội Lim

>> Bạn đọc hãy cùng PetroTimes “lên danh sách” xe công đi lễ hội, đi chùa

Sao công an không xử phạt?

Tránh tình trạng sử dụng xe công làm việc riêng hoặc cán bộ, công chức tổ chức đi lễ hội, đền chùa trong giờ hành chính những ngày đầu năm gây trì trệ đến công việc, Thủ tướng đã ra văn bản nghiêm cấm và kiên quyết xử lý việc sử dụng xe công đi lễ hội. Một số địa phương cũng đã “tuyên chiến” với vấn nạn này. Thậm chí, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa còn lập hẳn một đường dây nóng “tố”, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra ở nhiều lễ hội.

Chiều ngày 12/2, có mặt tại đền Bà Chúa Kho trước ngày khai hội một ngày, bãi gửi xe thấp thoáng những chiếc xe công “ẩn náu” trong hàng trăm chiếc xe biển trắng. Đó là chiếc xe mang biển kiểm soát 24M-000.18 của tỉnh Lào Cai và chiếc xe của tỉnh Nam Định 18B-1655… Ngoài ra, để “né” hành vi của mình, sau khi “trả khách”, tài xế liền quay đầu đi nơi khác, hoặc cho “sếp” đi bộ từ rất xa.

Không hiểu vị “quan” ở Lào Cai cưỡi xe biển “oách” -000.18 là cấp gì? Và chi phí cho vị này từ Lào Cai về “vay” tiền Bà Chúa Kho là bao nhiêu?

Chiếc xe công của tỉnh Lào Cai nghênh ngang đỗ tại đền Bà Chúa Kho chiều 12/2.

Tại hội Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) vào ngày 12/2, hàng loạt chiếc xe biển xanh đến từ Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương… thản nhiên nằm tại bãi đỗ xe và vỉa hè. Không ít xe công vụ nghênh ngang án ngữ dưới lòng đường khiến lối đi bị thu hẹp. Hiện tượng trên khiến nhiều du khách tham dự lễ hội không khỏi bất bình. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Lễ khai ấn đền Trần. Chiều ngày 13/2, xe biển xanh đến từ nhiều địa phương như Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nội, Thái Nguyên... cũng đua nhau kéo về Nam Định dự lễ.

Năm nào cũng vậy, lãnh đạo các cấp, “rát cổ, bỏng họng” chỉ đạo không sử dụng xe công vào mục đích riêng, nhưng nhiều quan chức vẫn phớt lờ như thách thức. Phải chăng, công tác quản lý tài sản Nhà nước tại các tỉnh có xe công đi lễ hội đang có vấn đề, nên mới xảy ra tình trạng như vậy (?). Hay chăng “phép vua thua lệ làng”? Cấm thì cứ cấm, còn đi thì cứ đi. Và nếu như, những người ngồi trên chiếc xe công để đi lễ hội không có tính tự giác, lòng tự trọng thì những người thực thi công vụ ở lễ hội, đền chùa phải có tính nghiêm minh, chứ sao để diễn ra như vậy được. Chỉ cần một ô tô biển xanh đỗ trước các hội hè, đình đám là lực lượng công an hoàn toàn có thể căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng để kiểm tra, xử lý. Một việc dễ như thế mà tại sao họ không làm được?

Thiết nghĩ, ngoài chuyện lãng phí tiền bạc, thời gian của bộ phận không nhỏ quan chức, công chức cùng với những chiếc xe công đi lễ chùa, nó còn gây ảnh hưởng và mất lòng tin của người dân vào các quy định của luật pháp, và chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước.

Phạt đến 10 triệu đồng

Liên quan đến vấn đề xe công đi lễ hội, trả lời trên báo chí, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, chế độ quản lý, sử dụng xe công đã được quy định rõ tại Quy chế sử dụng xe công của Thủ tướng Chính phủ và Luật Quản lý tài sản nhà nước. Xe công sử dụng vào mục đích cá nhân, sử dụng sai mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Biển xanh nườm nượp tại hội Lim.

Thông tư số 14/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 66/2012 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, việc sử dụng xe công đi lễ là sai mục đích, có thể bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng đối với người ra quyết định điều xe hoặc cho phép sử dụng xe.

Tuy nhiên, có lẽ chưa ai bị xử phạt theo quy định này. Và thực tế thì các Thông tư, quy định nếu trên, cũng là “có cho vui”, cho có vẻ “nghiêm minh”, chứ thực tế, rất ít quan chức chấp hành - đặc biệt là lãnh đạo cấp quận, huyện, Cục, Vụ, Viện, Sở, Phòng, Ban…

Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước hiện có hơn 34.500 xe công với tổng nguyên giá 18.251 tỉ đồng. Trung bình mỗi năm, cả nước có từ 500-700 xe công được mua để bổ sung cho các chức danh mới bổ nhiệm hoặc thay thế xe cũ không đủ tiêu chuẩn. Chỉ riêng tiền khấu hao, chi phí xăng dầu, bảo trì bảo dưỡng, trả lương lái xe mỗi năm cũng lên tới khoảng 100 triệu đồng/xe.

Thiên Minh