Loay hoay giải bài toán quá tải bệnh viện

06:35 | 21/04/2013

799 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong tháng 6, Bộ Y tế sẽ ra thông tư quy định bệnh viện tuyến Trung ương không được khám, chữa bệnh thông thường và chỉ chữa những bệnh có kỹ thuật tương đối cao. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là cách làm hiệu quả trong việc hạn chế bệnh nhân “vượt” tuyến, “nhảy” tuyến.

>> Giải trình xong, quá tải vẫn hoàn… quá tải

Bệnh viện TW không được chữa bệnh thông thường

Thông tin trên được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại buổi giải trình về vấn đề chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trong thời gian qua, ngành Y tế đang “đau đầu” vì số bệnh nhân vượt tuyến vẫn không giảm, thậm chí còn tăng lên. Năm 2010 có khoảng trên 3 triệu người, năm 2011 là 9,1 triệu và đến năm 2012 đã có 9,95 triệu bệnh nhân vượt tuyến.

Bao giờ bệnh viện tuyến trên hết quá tải?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thanh minh: “Thực tế có đến 60% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện (BV) tuyến trên chỉ mắc các loại bệnh nhẹ, đáng lẽ có thể khám chữa bệnh tại BV tuyến cơ sở. Chính điều này dẫn đến quá tải BV tuyến trên. Cụ thể như BV Ung bướu TP HCM tôi vừa đến thăm mới đây vào buổi tối đông như trại tị nạn”.

Có nhiều nguyên nhân như thân quen, có điều kiện kinh tế và quan trọng nhất là niềm tin của ngưởi bệnh đối với các tuyến dưới chưa cao.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế đã tổng kết Chỉ thị 06, sắp tới sẽ trình Đề án lên Bộ Chính trị, trong đó có việc xem xét vai trò của tuyến y tế cấp xã. Đối với bệnh viện tuyến huyện, Bộ Y tế sẽ trình đề án "Bệnh viện vệ tinh" đồng thời trong tháng 6, Bộ Y tế cũng sẽ ra Thông tư quy định BV tuyến trung ương chỉ chữa những bệnh có kỹ thuật tương đối cao. 

Nếu tuyến trên chữa những bệnh thông thường, bệnh nhẹ thì sẽ bị hạ bậc đồng thời bảo hiểm xã hội sẽ không ký hợp đồng, không thanh toán những chi phí chữa bệnh cho BV đó.

Về giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Luật Bảo hiểm Y tế sắp tới sẽ điều chỉnh, xem xét quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và đối với trường hợp trái tuyến thì phải tăng tỷ lệ chi trả. Bộ Y tế sẽ đề nghị với bảo hiểm xã hội phân bố thẻ bảo hiểm y tế tại một số cơ sở và quy định về chuyển tuyến một số bệnh mãn tính sẽ rõ hơn, dựa vào tiêu chí số giường bệnh, năng lực, số cán bộ.

Không khắc phục được, đổ tại… báo chí!

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, hàng năm, công suất sử dụng giường bệnh luôn tăng…chóng mặt. Chẳng hạn như tại bệnh viện K trung ương công suất sử dụng bệnh là trên 170%, BV Bạch Mai 168%, Chợ Rẫy 139%...

Thậm chí, tại nhiều khoa phòng chuyên khoa, tình trạng quá tải quá tải còn nặng nề hơn như: tại Khoa Phẫu thuật Tổng hợp, bệnh viện K trung ương công suất sử dụng giường lên tới 341%, Khoa Phẫu thuật vú là 326%, Khoa xạ (282%). Tại các BV đa khoa lớn như Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương… các khoa như tim mạch, hô hấp, ung bướu, nội tiết cũng luôn trong tình trạng quá tải khoảng 200%.

Bệnh viện quá tải, Bộ trưởng "đổ" tại báo chí.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo công suất sử dụng giường bệnh của BV không nên vượt quá 85%. Khi công suất sử dụng giường bệnh vượt quá mức trên, đặc biệt khi công suất lên quá cao, trên 95% sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng không đủ giường bệnh để tiếp nhận thêm người bệnh, đặc biệt là các trường hợp cấp cứu.

Mặc dù, khám chữa bệnh tại các BV tuyến trên ngoài viện phí đắt đỏ, vất vả, trở ngại đường xá nhưng hầu hết người bệnh đều “thích” BV tuyến trên. Đây là căn bệnh nan y của ngành Y tế xuất phát từ việc điều tiết, bố trí với sự chênh lệch quá lớn về cơ sở vật chất, và năng lực của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế. Trong khi, hầu hết các máy móc, thiết bị y tế ở BV tuyến dưới còn thiếu và lạc hậu. Thậm chí, nếu có được phân máy móc hiện đại thì năng lực nhân viên y tế lại yếu kém, không biết “xài” “hàng hiệu”, máy móc hiện đại. Cộng thêm, quan niệm của đại bộ phận sính chuộng “dịch vụ cao cấp”, luôn tâm niệm cứ Trung ương là tốt và an toàn. Vì vậy, các tuyến “trung ương” luôn trong tình trạng "tắc nghẽn", còn tuyến dưới lại “vắng như chùa Bà Đanh”.

Bức tranh y tế này không còn mới, song trong chuyến “vi hành” tới BV Ung bướu gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn giật mình khi được tận mắt thấy cảnh người chen chúc khám bệnh, trực chờ ngoài sân, hành lang và trong các phòng bệnh. Chắc Bộ trưởng sẽ còn giật mình nhiều hơn nữa nếu có nhiều chuyến thị sát thực tế hơn.

Mặt khác, việc “nhảy” tuyến, vượt tuyến, theo Bộ trưởng Bộ Y tế cũng do lỗi của báo chí “khi có vài ca tai biến là làm rùm beng dẫn đến người dân mất niềm tin vào y tế tuyến cơ sở là không đáng”. Có lẽ lý do chính của việc người dân “ưa” bệnh viện tuyến TW là gì, Bộ trưởng không phải không biết để rồi đổ lỗi cho báo chí. Chính sự chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh yếu kém và cơ sở vật chất cùng trang thiết bị lạc hậu là lý do “đẩy” người bệnh lên tuyến trên, tạo nên thực trạng quá tải không thể xử lý ở các bệnh viện TW hiện nay.

Vì thế, thay vì đổ lỗi loanh quanh và hứa hẹn hay hô khẩu hiệu suông, có lẽ Bộ trưởng nên bắt tay vào giải quyết dứt điểm từng thiếu sót, tồn tại của ngành mình để người dân không còn “vượt” tuyến, “nhảy” tuyến như hiện nay. Muốn vậy, việc nâng cao tay nghề cho các bác sỹ và đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ trong khám và chữa bệnh tại các BV tuyến cơ sở phải là ưu tiên hàng đầu.

Nhã Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc