Lật tẩy “tiên dược” ở Sa Pa

14:44 | 01/05/2013

4,046 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không ít người bán thuốc mặc quần áo dân tộc, nói giọng lơ lớ nhưng lại là người Kinh chính hiệu. Họ đóng giả để đi bán hàng cho đắt khách. Mỗi ngày chỉ cần “chăn” được 2 khách là đủ sống.

Tôi gặp Thào Chí khi sương mù đang phủ kín lối đi lên bậc Khu du lịch Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai). Gã đàn ông gần 40 tuổi người Mông ngật ngưỡng, hơi thở phả đầy mùi rượu đứng trước hai gùi xếp đầy những thanh nhỏ trông như củi đun lò sưởi. Thoáng thấy bóng khách, gã choàng tỉnh, tuôn một tràng nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt: “Hế lô! Pờ lít mày mua thuốc đi, thuốc này khỏe lắm, mày uống mà con vợ mày ưng cái bụng đấy vớ”.  Đến lúc đó tôi mới biết gã đang rao bán cái gọi là “thuốc bí truyền của người Mông”...

Thuốc không tên

Thấy khách bắt đầu lục tục leo núi là lúc toán quân bán “kỳ hoa, dị thảo” bắt đầu xuất trận. Đối tượng chủ yếu của họ là khách người Việt bởi “Tây có biết gì về thuốc bí truyền đâu mà mua”. Tôi chỉ những khúc cây to bằng cổ tay, màu đen hỏi Thào Chí: “Cây gì đấy? Nó chữa được bệnh gì? Giá bao nhiêu?”. Gã ta thao thao trả lời như được lập trình sẵn: “Oh, cây gì thì tao không nói được đâu vớ. Bí mật đấy. Tao phải chặt về đốt vỏ đi để người khác không biết được cây thuốc đó. Nó mọc trên đỉnh núi, ăn sương đêm, uống khí trời, tao phải đi mất 1 tuần mới tìm thấy đó. Nó đắng lắm, chữa bệnh đau lưng, mỏi khớp, tê thấp, các bệnh về xương. Mày uống mày trẻ ra đấy. Rẻ thôi mà 200.000 đồng/bó. Mang về ngâm với rượu”.

Chẳng biết ai đã từng uống hay chưa nhưng với thứ thuốc “bí truyền” này tôi không dám đụng đến. Chỉ sợ chưa chữa được bệnh đã phải vào viện vì ngộ độc giống như một anh bạn của tôi cách đây không lâu khi mua thuốc bí truyền ở đây về dùng.  

Rất dễ tìm được những hàng thuốc bắc thế này ở Sa Pa

Vừa bỏ đi được vài bước, bỗng một đôi tay nhuộm chàm đen tóm lấy vạt áo tôi kéo lại thì thầm: “Cậu có lấy thuốc đặc biệt không?”. Một người phụ nữ mặc quần áo dân tộc kéo tôi vào mép đường, nhìn trước ngó sau rồi lôi dưới đáy gùi lên một gói kín bằng giấy dầu. Chị ta mở ra, phía trong là những hạt đen đen như hạt đậu.

Theo lời quảng cáo của người phụ nữ dân tộc này thì đây là bài thuốc độc nhất vô nhị được các ông cụ, bà cụ ở bản làm. Nó được làm từ xác của một loại côn trùng, loại côn trùng này có sức khỏe kỳ lạ, chúng “yêu nhau”  hàng tuần trời. Người ta rình đúng lúc chúng yêu nhau, giết chết rồi mang về chế với nhiều thứ cỏ cây khác mới làm ra loại này.

Còn công dụng của nó thì trác tuyệt, đàn ông yếu sinh lý uống vào thì còn hơn cả uống Viagra, uống từ 12 viên trở lên chắc chắn sinh con trai. Chỉ có điều giá nó không rẻ tí nào, những 250.000 đồng/viên bằng đầu đũa.

Tôi đem câu chuyện kể qua cho anh bạn thân, vốn là người gốc vùng này. Anh ta quả quyết: “Ngày nào chả có vài vị, đặc biệt là người miền Nam bị lừa. Sa Pa bây giờ như một kho thuốc khổng lồ. Mỗi cái thị trấn con con mà có hơn 100 cửa hàng bán thuốc bắc, thuốc nam”.

Chính anh bạn này cũng có thời gian đi bán thuốc kiểu này nên gã thạo lắm. Cái thứ cây bí truyền bán với giá cắt cổ đó chỉ là chạc cây khúc khắc mọc đầy trong rừng, người ta chặt về hãm uống như uống trà, nó chỉ có tác dụng giải nhiệt thôi. Còn thứ “biệt dược” thì thực ra được làm từ táo tàu khô trộn với xương rắn và mấy thứ thuốc bắc. Bỏ 100.000 đồng ra sẽ “bào chế” được cỡ... 200 viên.

Dạ dày nhím bán cân

Để chứng thực điều này, tôi tạt vào một cửa hàng thuốc ven đường và hỏi mua một thang có tác dụng cường dương cho đàn ông. Mở ra xem thì thấy thang thuốc là hỗn hợp của nhiều loại cây khác nhau, có thêm mấy con sao biển, cá ngựa, một con tắc kè cho đủ “trên rừng dưới biển”. Tịnh không có thành phần của các loại thuốc.

Thấy tôi tỏ vẻ không ưng ý lắm, chị chủ quán lại vào moi trong hộc tủ ra một cục khá to với lời giới thiệu: “Nấm linh chi mấy trăm năm tuổi đấy. Hôm nay chú may đấy chứ có mấy ông khách tìm mua loại 1kg trở lên mà không có đấy. “Ông” nấm này già đến nỗi sắp hóa đá rồi. Nếu chú lấy chị lấy rẻ 1.000.000 đồng/lạng”. Chẳng biết đó có phải là nấm linh chi thật hay không, có chữa bệnh hay không nhưng chắc có lẽ chỉ có đại gia mới dám mua cây nấm mấy chục triệu bạc thế này.

Dạ dày nhím nuôi được rao là nhím rừng

Vài giờ sau, trong góc chợ Sa Pa tôi tình cờ chứng kiến một cảnh mua bán dạ dày nhím bằng... cân. Có người đàn ông khoác túi thổ cẩm bước vào cửa hàng và rút trong túi ra một gói giấy bóng đổ ra mặt bàn những cục đen đen bằng nắm tay. Anh ta bảo với chủ quán: “Hôm nay chỉ được chừng đấy. Làm không kịp. Lứa này phải bắt nuôi gấp đôi”.

Hơn 1kg “dạ dày nhím” được bà chủ quán trả 150.000 đồng. Khi gã đàn ông chưa khuất, có một người khách đến hỏi mua dạ dày nhím, bà ta liền đưa ngay mấy cái lúc nãy, miệng leo lẻo: “Đây là dạ dày nhím rừng chính hiệu! Một lạng loại 1 này là 500 nghìn đấy bác ạ. Cái này chữa bệnh đau dạ dày, đại tràng thì cứ gọi là nhất quả đất”... Vậy là, nhím nuôi và nhím rừng đã bị tráo tên và nâng giá đến bất ngờ.

Đừng nghe dại

Chẳng phải tự nhiên mà Sa Pa trở thành “thủ phủ của thuốc dân tộc”. Thời kỳ bao cấp, nhận thấy đây là vùng núi có khí hậu mát mẻ, thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây thuốc nên Nhà nước đã cho thành lập các vườn dược thảo trồng thuốc. Những năm gần đây, du lịch Sa Pa phát triển, khách du lịch đến nghỉ mát cũng muốn mua các loại thuốc đem về. Khách mua nhiều, dân buôn thuốc cũng từ đấy mà ra và chất lượng thì chỉ trên giời mới biết.

Thôi thì vô vàn loại thuốc được bán bất cứ đâu: bên lề đường, trong quán ăn, trong hàng lưu niệm và ngay trong chợ Sa Pa. Anh Trần Thanh Luân, nhân viên điều hành du lịch của Công ty Tre Xanh cảnh báo: “Thuốc ở đây chủ yếu là thuốc Tàu nhập về. Nhiều loại bị trộn, làm giả, anh nên cẩn thận. Khách của em là người miền Nam bị lừa nhiều lắm. Có vị mua cả mấy triệu đồng rồi bảo người bán đóng gói gửi vào sau. Khi dùng chẳng những không có tác dụng mà bệnh còn nặng thêm đấy”.

Thực tế, không ít người bán thuốc mặc quần áo dân tộc, nói giọng lơ lớ nhưng lại là người Kinh chính hiệu. Họ đóng giả để đi bán hàng cho đắt khách. Mỗi ngày chỉ cần “chăn” được 2 khách là đủ sống.

Tối hôm đấy tôi cùng anh bạn thân đến một quán bar khá sang trọng ở trung tâm Sa Pa. Trong góc phòng, một người đàn ông ăn mặc khá mốt đang ngồi uống rượu tây với 2 cô gái khá trẻ. Tôi dụi mắt không tin vào mắt mình: đó chẳng phải là Thào Chí, tay bán rong thuốc dưới chân núi Hàm Rồng lúc sáng đấy ư? Tôi thở dài thầm nghĩ: “Giá như việc kinh doanh thuốc cổ truyền ở Sa Pa được quản lý chặt chẽ thì tốt biết mấy. Giá như mỗi người kinh doanh thuốc đều ý thức được rằng, đây không chỉ là việc họ thu lợi mà họ cũng đang tiếp thị hình ảnh cho Sa Pa thì hay biết mấy”.

Hữu Tuấn