Khó làm người tiêu dùng thông thái

07:00 | 04/11/2013

1,115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng... đó là đặc điểm chung của rất nhiều loại thực phẩm “ăn liền”: thịt bò khô, ruốc, xúc xích đang tràn lan trên thị trường. Mặc cho việc kiểm định chất lượng vẫn diễn ra, mặc cho các phương tiện truyền thông đại chúng đang kêu gọi “hãy là người tiêu dùng thông thái”. Những thực phẩm “3 không” vẫn ngang nhiên chiếm lĩnh và tràn ngập thị trường.

Năng lượng Mới số 270

Họa vì khoái khẩu

Không quá khó để mua các mặt hàng sẵn có như thịt bò khô, ruốc hay xúc xích, lạp xưởng. Dạo quanh một số chợ ở Hà Nội như: Dịch Vọng, Hàng Da, chợ Đồng Xuân... tại các điểm bán đồ khô sẽ dễ dàng nhận thấy các mặt hàng khô được đóng trong túi bóng lớn, không có tên nhà sản xuất, không hạn sử dụng, không nguồn gốc. Hỏi mua buôn thịt bò khô để về làm nộm được cho giá rất ưu đãi, chỉ 250.000-400.000 đồng/kg. Khi được hỏi hạn sử dụng, nhãn mác, hầu hết các chủ cửa hàng đều khẳng định có nhãn mác nhưng do số lượng nhiều nên đổ ra túi nilon bán cho tiện. Một số chủ cửa hàng khác thì cho biết, nhãn mác dính bên ngoài nên dễ bị bong ra nhưng khi được hỏi thịt bò thuộc cơ sở nào sản xuất thì hầu hết các chủ cửa hàng đều không biết!?

Theo mách nước của một chủ cửa hàng trong chợ Dịch Vọng, họ thường cất hàng thịt bò khô tại chợ Đồng Xuân, đầu mối bán buôn của hầu hết các mặt hàng thiết yếu như quần áo, giày dép, đồ ăn… Trong vai một người mua buôn, một chủ cửa hàng trong gian hàng đồ khô niềm nở hỏi tôi: “Em muốn lấy loại nào, chỗ chị có các loại 250.000-400.000 đồng/kg, muốn lấy bao nhiêu chỗ chị cũng đáp ứng được”.

Các thực phẩm không nhãn mác, không hạn sử dụng và không nguồn gốc vẫn được bày bán

Các mặt hàng khô, đặc biệt là thịt trâu, bò, thú rừng dù không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất vẫn đắt khách. Vào dịp cận tết, nhiều nơi còn “cháy” hàng.

Tại Hà Nội, mặt hàng bò khô, trâu khô, nai khô, đà điểu... ăn sẵn được bày bán nhiều và cũng khá đắt khách. Ở chợ Đồng Xuân, những mặt hàng này được bán tràn lan, với giá khá rẻ và đa dạng. Tại các ki-ốt, những loại bò khô nguyên miếng, bò khô dạng viên, dạng que hay xé sợi, nai khô đều dựng trong một túi nilon trắng tinh không có nhãn mác, bên ngoài chỉ ghi hai chữ “bò khô” để giới thiệu sản phẩm. Các loại thịt bò khô được bán với giá 250.000-450.000 đồng/kg, nai khô 400.000-550.000 đồng/kg, đà điểu khô 80.000-120.000 đồng/kg. Còn mặt hàng dăm bông được đóng thành từng túi to nhỏ khác nhau hoặc đựng trong các thùng nhựa. Có loại dăm bông với màu loang lổ, được chủ hàng giới thiệu là dăm bông thịt bò. Điều đáng nói là tất cả các sản phẩm trên đều không có nhãn mác.

Khi đã vào câu chuyện, chủ cửa hàng này cũng tiết lộ: “Những người buôn bán hàng khô như em thì thường lấy loại 200.000 đồng/kg. Loại này không được ngon, màu sắc cũng xấu, về bán lẻ thường với giá 25.000-30.000 đồng/lạng, nếu lấy nhiều còn được giảm giá ưu đãi”. Một người chuyên bán buôn, bán lẻ các loại thịt bò khô khác thì bật mí: Bằng cảm quan rất khó để phân biệt thịt bò nguyên chất hay thịt bò khô được phù phép từ thịt lợn khô, bởi chỉ cần tẩm các hương liệu là giống y như thật. Khi ăn, thịt bò có vị đằm và dai hơn thịt lợn khô.

Theo kinh nghiệm của chị Hường, người làm bò khô lâu năm theo đặt hàng của người quen thì để có được 1kg thịt bò khô phải mất 3kg thịt tươi. Với giá thành như hiện nay 1kg thịt bò khô ngon thì tiền mua thịt đã lên tới hơn 700.000 đồng/kg, đấy là chưa kể tiền công làm và các gia vị để nêm nếm khác. 

Dễ lừa người tiêu dùng

Lân la hỏi kinh nghiệm của một người quen tên là Hoa chuyên bán nộm tại chợ Cầu Giấy, chị cho biết: “Nếu buôn bán cỏn con mà dùng “thịt bò thật” thì chỉ có mà lỗ”. Để có thể làm được thịt bò khô, cần đặt mua được thịt lợn sề, đặc biệt là những chỗ như vai hoặc mông. Vì làm nộm nên thịt bò sẽ được cắt nhỏ. Thịt lợn sề dai, màu đậm nên chỉ cần ướp gia vị một cách khéo léo thì không ai có thể phân biệt được thịt lợn sề với thịt bò. Chị Hoa còn chia sẻ kinh nghiệm: “Cứ cho nhiều sả và các gia vị bò khô có sẵn, mua ở các cửa hàng khô hoặc lên Hàng Buồm sẽ ra được món thịt bò khô “xịn” mà người sành ăn cũng không thể phân biệt được. Còn để có thể làm thêm gân thì mua gân bò đổ đống giá rẻ ở một số chợ đầu mối với giá chưa đến 100.000 đồng/kg là có thể trộn thịt lợn với thịt bò. Với mỗi đĩa nộm thêm gân bò sẽ đắt hơn 5.000 đồng. Và để giữ được thịt bò khô lâu hỏng, chị cho thêm bột chống thiu vào, thế là mỗi năm chị cũng chỉ phải làm có 3-4 đợt thịt bò khô để bán cả năm”.

Không chỉ có thịt bò khô, ruốc - một món ăn khoái khẩu của những người hay ăn xôi, cơm nắm, bánh mỳ cũng đều được làm từ 1 phần thịt, 2 phần độn. Theo kinh nghiệm của một người bán đồ khô lâu năm: “Nếu muốn ăn ruốc ngon thì tự làm chứ đừng ra chợ mua. Đến chị còn chẳng bao giờ thử, cứ treo cả tháng chả hỏng và nhai thì như nhai rơm”. Giá thành loại ruốc độn này chỉ đắt hơn cân thịt lợn tươi một chút, khoảng 200.000-300.000 đồng/kg theo giá bán lẻ. Còn tại những chợ đầu mối của Hà Nội, giá ruốc loại hai được đổ buôn với giá khá “bèo”, chỉ 120.000-150.000 đồng/kg.

Theo bà Nguyễn Thị Lan chủ một cửa hàng ruốc tại Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội), mức giá này khiến người ta phải hồ nghi về chất lượng của ruốc. Bởi 3kg thịt mới làm được 1kg ruốc, chưa kể công chế biến, nên giá thành phẩm phải trên dưới 400.000 đồng/kg. Bà Lan cho biết, ngoài việc dùng nguyên liệu rẻ tiền, không tươi ngon, một lượng lớn ruốc bán trên thị trường hiện nay còn được làm từ bã sắn dây. Bã sắn dây sau khi sấy khô sẽ được xé tơi thành sợi như ruốc. Để có hương vị đậm đà, bã sắn dây được tẩm ướp thêm gia vị, bột hương thịt heo, phẩm màu… để đánh lừa vị giác người tiêu dùng.

Theo bà Lan, để phân biệt ruốc thịt và ruốc làm từ bã sắn dây, chỉ cần ngâm ruốc vào nước một thời gian ngắn, nếu sợi ruốc trương lên và sờ vào thấy mềm nhũn, dần chuyển từ màu vàng sang màu trắng bợt thì đó là sản phẩm làm từ sắn dây. Ruốc thật khi cho vào nước sẽ rời ra, nhưng vẫn giữ sắc vàng.

GS.TS Bùi Minh Đức - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, bã sắn dây là thứ thải loại, không còn chất dinh dưỡng. Bản thân bã sắn dây không độc hại nhưng qua quá trình tẩm ướp, chế biến, đặc biệt là sử dụng các loại phẩm màu không đảm bảo vệ sinh có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm ruốc trên thị trường. Theo đó, hơn 50% số mẫu kiểm tra không đạt về hàm lượng chất tạo ngọt hóa học, chất bảo quản và nhiễm E.coli.

Có lẽ, người tiêu dùng Việt Nam cũng nên học tập người tiêu dùng một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Philippines, họ tự tẩy chay thực phẩm bẩn của nước mình, còn thực phẩm của các nước khác nhập khẩu đều được tìm hiểu kỹ. Sự mất niềm tin của người tiêu dùng đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn ở những nước này sập tiệm. Người tiêu dùng Việt Nam đang nuôi dưỡng tâm lý “nhắm mắt đưa chân”, “sống chết tại số”, cho nên nạn thực phẩm bẩn vẫn ngày càng phát triển. Có cung mới có cầu, nếu người tiêu dùng thực sự “thông minh” thì thực phẩm bẩn không thể tồn tại.

Phan Linh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc