Huyện Lương Sơn, Hòa Bình: “Bão đá” trên đầu dân

06:43 | 22/08/2013

1,984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đều đặn mỗi ngày hai bận trưa và tối, nhà anh Bùi Văn Thanh ở xóm Bến Cuối, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình phải hứng chịu hai trận “động đất”. Sau tiếng nổ long trời, đá mẹ đá con vèo vèo phi xuống mái nhà, chuồng lợn, vườn tược… khiến vách tường nhà anh loang lổ, mái nhà thủng lỗ chỗ. Tất cả chỉ vì mấy công ty khai thác đá hằng ngày nổ mìn phá đá, nghiền xi măng ngay vách nhà anh.

Một ngày hai lần chạy mìn

Xóm Bến Cuối, xã Trung Sơn là đất trung du, các nóc nhà dân bị chia lẻ ra bởi những cụm núi đá lừng lững. Khu nhà anh Bùi Văn Thanh cùng 5 nhà khác nữa gần như biệt lập trong một thung lũng với bốn bề núi đá. Dưới thung lũng, quanh nhà anh Thanh toàn là mỏ khai thác đá và lổn nhổn máy nghiền xi măng xình xịch chạy suốt đêm ngày.

Anh Thanh rót nước mời khách rồi ngửa mặt nhìn lên trần nhà, cười như mếu: “Các anh xem, đã bao nhiêu năm nay nhà tôi không lúc nào không dột. Cứ thay viên ngói này thì viên ngói kia lại thủng. Sống giữa thời bình mà như thời chiến tranh, trẻ con, người lớn không biết lúc nào thì bị đá găm vào đầu”.

Nhà anh Thanh cách chân mỏ đá gần nhất chỉ dăm bước chân. Đứng từ hiên nhà anh trông ra, máy ủi cùng xe tải các loại lớn bé cứ gầm gào chạy suốt ngày đêm. Ngày hai bận, sáng vào lúc 11 giờ, chiều lúc 17 giờ 30 là người ta nổ mìn phá đá. Sau tiếng nổ, cả một vùng mù mịt trong khói bụi, đá dăm ràn rạt rơi xuống mái nhà. Không biết bao nhiêu bận, có những hòn đá to bằng nắm tay xuyên thủng mái ngói rồi găm xuống bàn nước, có khi phi thẳng đúng mâm cơm. Nhà anh và mấy nhà hàng xóm nữa lại tá hỏa chạy loạn. Đã mười mấy năm rồi nhà anh luôn sống trong tình trạng báo động như vậy.

Anh Bùi Văn Thanh rất lo lắng về tình trạng nổ mìn phá đá cạnh nhà mình nhiều năm qua

Anh Thanh là người dân tộc Mường, chuyển đến đây sinh sống từ năm 1992. Anh kể: “Ngoài mỏ đá của Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn, hiện nay quanh khu vực gia đình tôi ở còn có mỏ đá của Công ty Vật liệu xây dựng 789 (Bộ Quốc phòng). Việc khai thác đá của các công ty này đã làm ảnh hưởng cả về vật chất lẫn tinh thần của gia đình tôi và một số hộ dân quanh khu vực. Điển hình vào lúc 10 giờ 40 ngày 17/5/2013, việc nổ mìn khai thác đá làm nhiều hòn đá to bằng nắm tay văng vào mái nhà của gia đình tôi”. Anh Thanh chỉ cho chúng tôi xem mấy viên đá vừa mới bắn xuống mái nhà anh lúc sáng. Viên đá xanh sắc lẹm to bằng cả bàn tay đã rơi xuống cạnh giường gần đúng vị trí con gái anh, cháu Bùi Thanh Thương, 4 tuổi đang ngồi chơi. Anh Thanh nhăn nhó: “Đá làm gì có mắt, nó bắn như đạn. Nói dại, đến lúc đá bắn vào đầu lũ trẻ thì vợ chồng tôi phải biết làm sao đây. Người lớn nhớ giờ mìn nổ mà tránh thì đi một nhẽ, đằng này trẻ con mải chơi, biết làm sao được”.

Để tránh nguy hiểm, đám trẻ con được bố mẹ chúng dặn rất kỹ phương pháp “tránh bom”. Cứ đến tầm 11 giờ, bất kể có bố mẹ ở nhà hay không, tất cả đều phải chui vào gầm ghế ngồi, khi nào nổ mìn xong thì mới được chui ra. Mấy đứa trẻ tuyệt đối không được lảng vảng ra sân chơi vào những khung giờ đó. Nhưng trẻ lớn thì nhớ lời bố mẹ dặn, còn mấy đứa quá nhỏ thì quả thật, mối nguy hiểm luôn luôn rình rập.

Đó là chưa kể, người trẻ còn gắng sức chịu đựng chứ người già thì đối diện với những cơn động đất hàng ngày như thế thì đúng là một cái họa. Ông Bùi Văn Nịnh, bố anh Thành năm nay đã ngoài 60 tuổi. Nhà ông bà nhỏ bé thôi nhưng vách tường cũng lỗ chỗ, nham nhở vết đá găm như bị đạn nã vào. Mỗi lần người ta nổ mìn phá đá, nhà ông cứ như thể bị nhấc bổng lên. Sau nhiều năm chịu đựng, cuối cùng ông bà không gắng gượng được nữa đành vào xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi để sống nhờ một người bà con.

Loay hoay tìm chốn an toàn

Trước việc nơi ở của mình bị xâm hại bởi tiếng ồn cùng những rủi ro treo lửng lơ treo trên đầu, anh Thanh và 4 hộ gia đình kia đã không ít lần làm đơn kiến nghị lên xã, lên huyện. “Sau mỗi lần bị đá văng vào nhà, tôi đã báo cáo sự việc lên UBND xã Trung Sơn để được giải quyết. Ngày 21/6, UBND xã đã triệu tập gia đình tôi và đại điện các nhà máy khai thác đá lên trụ sở Ủy ban làm việc, tuy nhiên không có kết quả gì”, anh Thanh nói.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Hiện - Trưởng Công an xã Trung Sơn đã xác nhận rằng, tình trạng một số mỏ khai thác đá khi nổ mìn gây bắn đá vào nhà người dân là có thật và UBND xã cũng đã nhận được đơn kiến nghị của các hộ gia đình này. Tuy nhiên, theo ông Hiện, chính quyền xã Trung Sơn cũng chỉ có thể tiến hành những cuộc tiếp xúc giữa người dân và đại diện các doanh nghiệp này để họ có thể tự giải quyết vụ việc với nhau. Việc xác định trách nhiệm cũng như mức độ thiệt hại tài sản, tinh thần của người dân tùy thuộc vào các cơ quan cấp cao hơn.

Để tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề và có cái nhìn thực sự khách quan vụ việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với Công ty Vật liệu xây dựng 789 - một trong những đơn vị đang tiến hành khai thác đá trên địa bàn xã Trung Sơn. Ông Mai Quốc Hội, đại diện Công ty 789 cho rằng, việc nổ mìn phá đá làm một số viên đá cỡ nhỏ bắn vào nhà người dân là có thật. Tuy nhiên, thiệt hại cũng không lớn và đá văng xuống chỉ làm thủng vỡ một vài viên ngói của mấy nhà dân xung quanh mà chưa gây ra bất cứ thương tích nào.

“Điều quan trọng nhất là, xung quanh khu vực này có một số công ty tham gia nổ mìn khai thác đá khác nữa. Không thể khẳng định ngay rằng, một số viên đá bắn vào nhà người dân là do công ty chúng tôi gây ra. Tuy nhiên, trước thực tế ấy, công ty chúng tôi cũng cử cán bộ xuống nhà dân, xác định thiệt hại và đã đền bù cho người dân, vỡ viên ngói nào chúng tôi lợp lại viên ngói ấy” - ông Hội cho biết.

Theo phản ánh của ông Hội, việc một số hộ dân làm đơn đòi phía Công ty Vật liệu xây dựng 789 đền bù số tiền lớn hơn thiệt hại tài sản thực là rất vô lý. Ông Hội khẳng định: “Chúng tôi là đơn vị bộ đội nên không muốn vụ việc này làm xấu đi hình ảnh của mình. Thế nhưng, mức đề nghị đền bù của người dân cũng phải hợp lý. Chúng tôi làm thiệt hại tài sản cho người dân đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó”.

Một số doanh nghiệp có tham gia khai thác đá tại địa bàn như Công ty Xi măng Vĩnh Sơn, khi phóng viên liên hệ làm việc thì họ trả lời: Bận họp, chưa thể tiếp.

Có vẻ như cuộc tranh luận kiểu “cò cưa” giữa người dân và doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Người dân thì khăng khăng cho rằng, doanh nghiệp mới chỉ đang vá víu tạm thời theo phương thức “vỡ viên ngói nào, đền viên ngói ấy”. Doanh nghiệp đâu có biết rằng, những nguy cơ tiềm ẩn từ mìn nổ cùng tình trạng ô nhiễm không gian sống mới là thiệt thòi thực sự của người dân. Đó mới là thứ cần phải đền bù. Trong khi đó, doanh nghiệp thì vẫn chưa thể dứt khoát trong các phương án của mình, một số khác thì luẩn quẩn tìm cách thoái thác trách nhiệm.

Những “người lớn” vẫn tiếp tục tranh cãi nhau, đơn qua đơn lại, còn đám trẻ con vẫn ngây thơ chơi quanh quẩn trước sân nhà, cạnh mỏ đá và không cảm nhận hết được những rủi ro đang rình rập trên đầu.

Minh Tiến - Thiên Minh