Hoa quả Trung Quốc "đội lốt" hoa quả Việt Nam

06:30 | 13/05/2013

2,009 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rất nhiều các loại hoa quả như cam, táo, xoài, dưa bày bán trên địa bàn Hà Nội được giới thiệu là “đặc sản” của Việt Nam để thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế chúng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không chỉ "đội lốt" hàng Việt Nam, các sản phẩm này còn mang mác "hàng nhập khẩu" từ Mỹ, Thái…

 

Một thùng cam Trung Quốc được tập kết ở chợ Long Biên. Từ đây, cam sẽ được đưa về các sạp dưới mác cam Hà Giang.

 

“Đội lốt” hàng Việt mới được giá

Tại các quầy bán hoa quả ở chợ hoặc vỉa hè, người tiêu dùng thường bị hấp dẫn bởi màu sắc của các loại hoa quả như quýt, cam.... Khi chúng tôi hỏi xuất xứ của các loại hoa quả, một người bán hàng tại chợ Phùng Khoang niềm nở trả lời: “Quýt này là hàng của Thái, còn cam là hàng Việt, lấy từ Hà Giang, Vinh”.

Không chỉ riêng cam quýt, các loại hoa quả như xoài, táo, dưa… cũng được giới thiệu lấy từ Bắc Giang, Hà Giang, hay hàng miền Nam chuyển ra… và các chủ cửa hàng nào cũng đều phủ nhận "làm gì có hàng từ Trung Quốc". Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại các điểm bán hàng trong chợ lại đầy rẫy các thùng xốp ghi chữ Trung Quốc, in hình, dán mác các loại hoa quả vừa được giới thiệu là... hàng Việt Nam.

Những thùng táo in mác, chữ Trung Quốc nhưng lại được "quảng cáo" là táo Mỹ.

 

Thắc mắc về việc các loại trái cây của Trung Quốc phải đội lốt hàng Việt Nam, một người bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở thẳng thắn cho biết: "Đây là hàng Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng bây giờ họ không chuộng các mặt hàng kém chất lượng nên mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá".

Lấy hàng rẻ, đóng mác hàng xịn bán giá cao

Đó là thực tế mà các chủ cửa hàng tại các chợ bán sang tay cho người tiêu dùng. Họ lấy hàng rẻ, nhưng vì được “gắn” mác Việt Nam, người tiêu dùng đã phải mua hàng với giá cao hơn gấp hai, ba lần.

Theo chỉ dẫn của một người bán hàng trong chợ Ngã Tư Sở, hiện các mặt hàng hoa quả bán tại các chợ Hà Nội chủ yếu lấy hàng tại chợ đầu mối Long Biên - nơi diễn ra việc trao đổi mua bán từ 10h đêm đến sáng.

Có mặt tại chợ Long Biên vào hơn 8h giờ sáng, lúc này các xe chở hoa quả đã ngừng hoạt động, chỉ còn một số các cửa hàng bán hoa quả. Sau một hồi tìm hiểu làm quen, bác Dung bán nước trong chợ Long Biên cho biết, cứ 10h đêm trở đi thì chợ tấp nập các loại xe tải chở hoa quả, khách buôn đến từ khắp nơi đứng chen lấn, xô đẩy nhau lấy hàng. Những mặt hàng này chủ yếu là từ Trung Quốc, đựng trong các thùng xốp trắng nặng từ 8kg - 10kg/thùng.

Ngay tại chợ Long Biên, phóng viên quan sát thấy các tiểu thương bóc hết nhãn mác Trung Quốc ghi trên các thùng xốp trước khi vận chuyển. Nhiều người thậm chí vẫn để nguyên, nhưng khi về đến sạp thì bỏ thùng xốp. Không chỉ có dân buôn hoa quả ở Hà Nội, một số tiểu thương từ một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… cũng đều đổ về đây nhập loại cam, táo, dưa Trung Quốc này.

Khi hoàn tất một quy trình từ chợ ra sạp bán cho người tiêu dùng, các chủ sạp đều “gắn mác” cho loại cam, táo, dưa Trung Quốc này thành những lạo hoa quả “đặc sản” Việt Nam mà người tiêu dùng không hề hay biết.

Trong vai một người buôn hoa quả rong, tôi tiếp cận với một chủ kiốt bán hoa quả trong chợ, người này cho biết: Cam loại thùng nhỏ (khoảng 7-8kg) là 140.000 đồng/thùng, loại thùng lớn khoảng 11 - 12kg có giá 180.000 đồng/thùng. Như vậy, giá nhập dao động từ 15.000 – 18.000 đồng/kg; dưa vàng có giá 320.000 đồng/thùng 10 kg; táo Fuji Trung Quốc có giá dao động trong khoảng 180 – 250 kg/thùng 8 kg.

Hoa quả Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam được bày bán tràn lan trong các chợ

 

Khi đã bày hàng bán ra thị trường, loại “cam Vinh” này sẽ có giá 35.000 – 40.000 đồng/kg. Vẫn loại dưa vàng có giá 320.000đồng/thùng 10kg (khoảng 32 nghìn/kg) mua tại chợ Long Biên nhưng người bày bán hàng này quảng cáo là dưa vàng nhập khẩu và hét giá từ 65.000 -70.000đồng/kg… Việc dân buôn lấy hàng rẻ, nhưng vì “đeo” mác Việt Nam, khách hàng đã mua hàng với giá cao hơn gấp hai, ba lần mà không hề hay biết.

Việc biến hóa hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam là vi phạm pháp luật, “đánh lừa” người tiêu dùng. Bản thân người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo khi mua hàng để tránh tình trạng mua hàng nhái, giá cao, không đảm bảo chất lượng.

 

Nguyễn Hoan