Hè về, lại lo đuối nước ở trẻ em

06:49 | 21/05/2013

7,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Mặc dù Bộ GD-ĐT và nhiều cơ quan chức năng đã tổ chức khá nhiều đợt tập huấn về vấn đề phòng chống đuối nước cho trẻ, nhưng số trẻ em bị đuối nước vẫn tăng theo từng năm…

Những cái chết thương tâm

Trong những ngày gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn khiến trẻ đuối nước rất thương tâm. Những ngày qua dư luận cả nước không khỏi ngỡ ngàng và xót xa khi 4 học sinh trường THCS Hồ Tùng Mậu, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk chết đuối tại hồ thủy điện Sêrêpôk. Hay trước đó, ngày 18/4, 6 học sinh khối lớp 7 ở Phước Ninh, Ninh Thuận do được nghỉ học sớm rủ nhau ra sông tắm bị trượt chân xuống nước sâu và chết đuối.

Em Nguyễn Thị Tường Vi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Năm nào cũng vậy, hè về bao nhiêu vụ chết đuối thương tâm của trẻ em lại làm cho gia đình lo lắng, xã hội băn khoăn. Vào hè học sinh có khoảng thời gian "nghỉ xả hơi" kéo dài nên nhu cầu giải trí rất cao trong khi đó, học sinh ở nông thôn, miền núi và vùng sâu vùng xa lại thiếu hẳn sân chơi. Vì vậy, ý tưởng tìm đến sông, hồ để được tắm mát là hoàn toàn dễ hiểu. Song học sinh không biết rằng, nguy cơ chết đuối luôn luôn rình rập các em. 

Theo thống kê của Bộ Y tế và UNICEF, hằng năm Việt Nam có 7.000 trẻ tử vong trong đó có 3.500 em do đuối nước. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và là thứ hai ở người lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn nhân chết đuối cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước. Chết đuối do không biết bơi ở nước ta hiện nay không còn là điều hiếm. Thời điểm thường xuyên xảy ra tai nạn chết đuối chính là mùa mưa lũ hoặc kỳ nghỉ hè trong năm.

Và thống kê chưa đầy đủ cho thấy, chỉ trong vòng 1,5 tháng qua (từ ngày 30/3 đến 15/5), tại các địa phương như Yên Bái, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông và Ninh Thuận liên tiếp xảy ra 14 vụ đuối nước, làm 33 học sinh thiệt mạng. Hầu hết các vụ đuối nước đều xuất phát từ việc trẻ đi bắt ốc, móc cáy, hoặc đi chơi, chụp ảnh rồi tắm ở sông, suối nên sảy chân ngã và bị nước cuốn trôi. 

Vẫn khó phổ cập bơi

Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch thí điểm dạy bơi và triển khai công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh các trường tiểu học trên toàn quốc giai đoạn 2010-2015. Theo kế hoạch, từ năm 2010 - 2015, Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học, tập trung vào khối lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối 3 và 5. Chương trình này yêu cầu, bể bơi được đầu tư xây dựng tại trường học, hoặc cụm trường tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước…

Bên cạnh đó, kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2012 - 2015 đã được 9 Bộ, Ngành, đoàn thể ký và cam kết rất mạnh mẽ.

Cần đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục cơ bản.

Tuy nhiên, việc triển khai dù còn ở mức "thí điểm" nhưng vẫn đang "giậm chân tại chỗ" do khó khăn vì chưa có ngân sách để xây dựng hồ bơi, bể bơi, đào tạo giáo viên biết bơi lội để dạy cho học sinh. Riêng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2012 – 2015 cũng chỉ dừng lại ở việc ra những văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em

Bên cạnh đó nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của các địa phương trong việc hạn chế tai nạn thương đuối nước ở trẻ em, ngay từ đầu hè năm 2013 Bộ LĐTB&XH đã ra công văn gửi về các Sở LĐTB&XH… tuy nhiên tai nạn đuối nước vẫn tăng. Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, cả nước đã ghi nhận 200 trường hợp em nhỏ bị chết đuối. 

Bên cạnh đó, trong chương trình giáo dục phổ thông, từ tiểu học đến THCS, THPT đều có tiết thể dục, nhưng chương trình học chỉ có những bài tập thể dục đá cầu, nhảy xa, nhảy cao... Ngoài giờ, ở các thành phố lớn, phụ huynh lại phải đưa con đi học những dance sport, vẽ, múa... còn ở các vùng nông thôn, đây là “giấc mơ” khá xa xỉ.

Nếu như trước kia, trẻ em nông thôn có thể nhảy xuống các dòng kênh mương tắm mát, bơi đùa thỏa thích thì nay phần lớn sông hồ đều bị ô nhiễm nặng, không thể bơi lội đựơc. Muốn học bơi, các em chỉ còn cách đến các bể bơi nhưng thường mỗi huyện chỉ có một bể bơi duy nhất ở khu trung tâm, với mức phí cho mỗi giờ học bơi khoảng 10.000 đồng không phải em nào cũng có đủ điều kiện để đi học bơi. 

Nhu cầu cấp thiết là thế, nhưng việc dạy cho trẻ học bơi, phòng chống đuối nước lại bị “lơ là”, không đưa vào các môn dạy chính khóa và bắt buộc. Đây chính là một trong những lý do chính gây nên nhiều vụ đuối nước thương tâm ở trẻ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết: “Chết đuối ở trẻ em ở tất cả các tỉnh đều có xu hướng gia tăng. Qua các thông báo từ các tỉnh gửi về thì vấn đề trẻ em bị chết đuối do là thời tiết bắt đầu nóng, các em mặc dù đang đi học nhưng đã nghỉ học sớm và đi tắm, ra chơi. Không chỉ ở khu vực quanh nhà riêng mà kể cả cạnh nhà trường và các khu du lịch cũng đã có hiện tượng trẻ em bị chết đuối. Hàng năm vào dịp hè, Cục Bảo vệ trẻ em đã có những thông báo cho tất cả các Sở LĐTB&XH là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước của trẻ em ở các địa phương. Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức quốc tế sẽ tổ chức một lễ phát động phòng chống đuối nước ở trẻ em”.

Rất nhiều chiến dịch, phương án được đưa ra một cách rầm rộ và ồn ào, nhưng số lượng trẻ tử vong do đuối nước ngày một tăng cao, năm nay nhiều hơn năm trước. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng, đặc biệt là các nhà quản lý giáo dục cần nhìn nhận lại vấn đề này và tăng cường các giờ học bơi cho trẻ bằng cách dạy bơi một cách thiết thực trong nhà trường. 

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.