Hãy luôn nhớ đến đấng sinh thành!

06:39 | 18/08/2013

2,023 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mùa Vu Lan lại về, hàng nghìn người lại lên chùa để được gắn hoa hồng đỏ nếu ai còn cha mẹ và hoa hồng trắng nếu không may cha mẹ đã khuất núi để tưởng nhớ công sinh thành. Trái ngược với đó là cảnh rất nhiều đứa con tệ bạc, bất hiếu với cha mẹ trong xã hội ngày nay.

Hơn lúc nào hết, chữ hiếu được nói đến thường xuyên vì sự xuống cấp của những giá trị đạo đức truyền thống trong xã hội. Vì thế mà nước láng giềng Trung Quốc phải ra Luật Đạo hiếu, thứ nhất để nhắc nhở trách nhiệm làm tròn chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ, đồng thời pháp luật sẽ có những biện pháp chế tài mạnh đối với những đứa con bất hiếu.

Vì hiếu là một đức lớn chỉ xếp sau trung trong giá trị đạo đức của các nước chịu ảnh hưởng Nho giáo và nghiễm nhiên con cái thì phải có hiếu với cha mẹ. Thế nhưng, khi chuyển từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, hiện đại thì có nhiều giá trị đạo đức đã thay đổi, trong đó có đạo hiếu. Chưa kể, sự tác động của lối sống Tây phương, đề cao chủ nghĩa cá nhân vào không ít giới trẻ hiện nay đã làm ảnh hưởng đến nếp nghĩ, hành động của họ một cách lệch lạc.

Vu Lan báo hiếu ở chùa Hoằng Pháp (TP HCM)

Chưa kể trong một xã hội công nghệ thông tin, con người sống trong thế giới ảo nhiều quá, nhất là giới trẻ… Những cái điện thoại thông minh, máy tính bảng… sẽ trở thành vật bất ly thân đối với họ. Rồi mạng xã hội là nơi giúp mỗi cá nhân tự khoe mình, tôn vinh mình lên nhưng nó cũng chỉ là giá trị ảo. Có cảm giác rằng, con người ngày càng sống trong thế giới ảo thì càng trở nên ích kỷ, lạnh lùng. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân mà sự quan tâm thương yêu trong gia đình, có hiếu với cha mẹ cũng phần nào sút giảm.

Rồi một xã hội ít con, mỗi gia đình chỉ có một đến hai con. Tất cả tình yêu, từ vật chất đến tinh thần cha mẹ đều dành cho con. Cha mẹ cho đi, con chỉ biết nhận và đứa con nghiễm nhiên trở nên sống ích kỷ chỉ biết nhận, biết hưởng thụ, biết bản thân mình. Nên sau này, cha mẹ già đi, không thể cho đi được nữa và rất cần tình yêu và sự chăm sóc của con cái thì hỡi ôi phải đón cảnh con cái hờ hững, ghẻ lạnh, bỏ mặc ở nhà dưỡng lão, họa hoằn mới ghé thăm một lần.

Tôi từng biết nhiều câu chuyện con cái bất hiếu rất đau lòng. Một gia đình trí thức vì tranh giành tài sản mà bỏ mặc mẹ, không ai chịu nuôi. Đến nỗi người mẹ quá tủi hận phải uống thuốc độc tự vẫn. Không biết là sau khi mẹ mất đi những đứa con có ăn năn, hối hận hay cắn rứt lương tâm không. Nhưng ít nhất là họ nhận được sự khinh bỉ, cười chê của người đời.

Có cảnh gia đình có nhiều anh em, chia nhau nuôi cha mẹ hằng tháng, cứ thế xoay vòng. Vài năm qua đi, cha mẹ đang khỏe mạnh trở nên héo hắt, buồn tủi sinh bệnh rồi qua đời. Cứ tưởng cha mẹ qua đời rồi thì họ “rảnh nợ”. Nào ngờ, họ thấy trống vắng vô cùng nhưng hối hận thì đã muộn mằn.

Nhiều bạn trẻ đã ngộ ra mình trong các khóa tu mùa hè

Do đó để con hiểu và biết trân trọng đạo hiếu thì bên cạnh sự dưỡng dục của gia đình, bản thân cha mẹ phải là người có hiếu để làm gương và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy trẻ đức dục từ nhỏ.

Bên cạnh đó thì những hoạt động ngoại khóa như các khóa tu trong dịp hè giúp các bạn trẻ có cơ hội suy ngẫm, thấu hiểu về công ơn sinh thành của cha mẹ cũng rất quý. Là dịp để các “cậu ấm cô chiêu” vốn được nuông chiều, thiếu kỹ năng sống có cơ hội rèn luyện bản thân, biết sống vì người khác, biết cho đi chứ không chỉ quen nhận.

Dù nhìn dưới góc cạnh hay nguyên nhân gì đi nữa thì con cái bất hiếu với cha mẹ là điều không thể chấp nhận được. Vì ngay đấng sinh thành mà ta cũng coi thường, bỏ mặc thì liệu có đáng làm người không?

Vu Lan về, mỗi người con lại có dịp nhìn lại chính mình, nhìn lại những hành động, suy nghĩ và ứng xử của mình đối với cha mẹ. Sai thì sửa, chưa tròn thì làm tròn. Có trước – có sau, có trên – có dưới, có đạo đức, có hiếu thì đó là nền tảng giúp cho gia đình bền vững trước bao phong ba, vất vả của cuộc đời này.

Nguyệt Anh