Hàng ngàn hộ dân khắc khoải mơ một... cây cầu

07:00 | 03/09/2013

825 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã nhiều năm qua, cây “cầu khỉ” làm bằng vài thanh sắt và những tấm gỗ mục, không có lan can, nằm vắt ngang nhánh của sông Nhuệ (thôn Phương Nhị, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cây cầu xập xệ bằng gỗ rộng chừng gần 1 mét này là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn, thậm chí đã có người tử vong nhưng người dân nơi đây vẫn phải nhắm mắt đi qua cầu.

Cây cầu "thần chết"

Men theo con đường đê nhỏ, gồ ghề đá sỏi dẫn đến thôn Phương Nhị, chúng tôi rợn người khi dắt xe qua cây cầu nghiêng ngả bằng gỗ này. Theo như lời ông Nguyễn Văn Bái (61 tuổi, người thôn Phương Nhị), có trang trại nuôi vịt sát chân cầu, thì: Lúc đầu cầu Phương Nhị được xây dựng, làm bằng những cây tre ghép lại sơ sài. Sau do nhu cầu đi lại giao lưu với các thôn lân cận nên người dân trong thôn đã tự góp tiền của, công sức dựng nên cây cầu này.

Hàng ngày, người dân, học sinh thôn Phương Nhị chỉ dám dắt xe qua cầu

Do không có nhiều kinh phí nên cây cầu chỉ được làm bằng những mảnh ván và được chằng chéo bằng những đoạn dây thép, hai bên không có lan can. Vì cách làm tạm bợ nên mỗi năm, khi mùa bão lũ đến, cây cầu thường xuyên bị gãy hỏng.

Hiện nay, ở đầu cầu phía thôn Phương Nhị vẫn có người thu lệ phí qua cầu, giá xe đạp là 1.000 đồng/lượt, xe máy 2.000 đồng/lượt. Bà Nguyễn Thị Cải (ở thôn Phương Nhị), người trông, thu lệ phí qua cầu cho biết: “Do cây cầu liên tục bị hư hỏng nên chúng tôi quyết định thu lệ phí qua cầu đối với những người từ nơi khác đến (trừ người dân trong làng) để tu bổ lại cầu. Từ ngày có các vụ tai nạn xảy ra không ai dám đi xe máy sang cầu mà thường dắt bộ qua. Nguy hiểm nhất là trẻ con từ hai xã vẫn chạy lên cầu chơi và nhảy từ trên cầu xuống để tắm”.

Bà Nguyễn Thị Cải, người trông, thu lệ phí qua cầu Phương Nhị

Hàng ngày, bà Cải chỉ trông cầu đến 7h tối là nghỉ về nhà. Buổi tối, cây cầu không có điện thắp nên người dân muốn đi qua, phải lấy đèn pin hoặc đèn xe máy chiếu mới thấy đường để đi.

Tính đến nay, mỗi năm có tới chục vụ tai nạn rơi, ngã cả người lẫn xe xuống cầu, thậm chí, đã có người tử vong. Bà Cải cho biết thêm: “Cách đây mấy năm, có một chị bán chuối khi dắt xe qua cầu không may bị bánh xe trượt ra ngoài ván gỗ, cả người và xe ngã xuống sông đập đầu vào tảng đá và chết. Trước đó, trong làng cũng đã có người chết đuối dưới sông mà không ai phát hiện ra”.

Mong mỏi một... cây cầu

Cuộc sống sinh hoạt của người dân thôn Phương Nhị phụ thuộc nhiều vào cây cầu. Nhiều năm qua, người già, trẻ nhỏ vẫn ngày ngày dò dẫm đi qua cây cầu khỉ chông chênh này. Trẻ thì sang sông đi học, vui chơi. Người lớn trong làng thì sang sông đi chợ, buôn bán, có những người phải đi chợ từ 1-2 giờ sáng cũng phải lưu thông qua cây cầu không ánh điện này.

Theo như lời ông Bái, thì hiện nay thôn Phương Nhị có trên 1.000 nhân khẩu. Thu nhập chính của người dân trong thôn là chẻ tăm hương thuê cho thôn Cầu Bầu (Ứng Hòa, Hà Nội). Cây cầu là phương tiện lưu thông chủ yếu để người dân hai thôn trao đổi hàng hóa. Nhiều vụ tai nạn xảy ra trên cầu khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Qua nhiều năm sử dụng nhiều tấm ván gỗ đã mọt, gãy...

Nhưng nếu muốn sang làng nghề bên cạnh thuộc địa phận huyện Phú Xuyên hay đi ra phố Tía (huyện Thường Tín, Hà Nội) mà đi con đường chính qua quốc lộ 21B thì sẽ xa gấp 3 lần. Vì thế, người dân thường chọn cách mạo hiểm đi qua cây cầu này để tiết kiệm thời gian.

Trải qua nhiều năm sử dụng, đến nay cầu gỗ Phương Nhị đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều tấm ván gỗ đã mọt, gãy, có đoạn khoảng cách giữa các tấm ván rộng 20-30cm khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Trụ và dầm cầu bị hoen gỉ, có nguy cơ gãy, đổ bất cứ lúc nào. Một số mối hàn đã bị bong, mặc dù đã được hàn, chằng buộc nhưng vẫn rất nguy hiểm.

Cầu chông chênh ẩn chứa nhiều nguy hiểm khó lường

Ước mong lớn lao của hàng nghìn hộ dân nơi đây là có được là một cây cầu chắc chắn để qua sông. Bà Cải cho biết: “Nếu xây được một cây cầu bắc qua sông thì người dân chúng tôi sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Ví như, các xe chở nứa, hay các nguyên vật liệu làm nghề có thể lưu thông qua cầu, đưa nguyên vật liệu đến tận đầu làng, người làng đỡ vất vả ngày dăm bảy lượt đi qua cây cầu chông chênh để trả và lấy hàng hay đi chợ mua sắm.

Khi nghe tin có dự án xây cầu, làm đường, bà con mừng lắm. Thấy có người về khoan thăm dò, chúng tôi mừng tưởng là sắp có một cây cầu chắc chắn như mong đợi bây lâu. Nhưng không hiểu sao chờ, đợi mãi mà không thấy đường đắp, cầu xây...”.

 

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc