Tuyển sinh riêng: Vẫn khó ở nhiều khâu!

19:00 | 24/12/2013

702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo tuyển sinh riêng cho các trường ĐH, CĐ từ năm 2014 với nhiều quy định buộc các trường "muốn tự chủ" phải tuân theo. Đã có không ít băn khoăn cho rằng, việc tuyển sinh riêng của các trường để có ngưỡng an toàn cho người học và xã hội thì cần có một lộ trình hợp lý.

Đến thời điểm này, Dự thảo được công bố, nhiều trường vẫn khẳng định sẽ tuyển sinh theo “3 chung”, ngay cả trường đại học nằm trong số 17 trường đề xuất tuyển sinh riêng thì cũng phân vân trong việc lựa chọn thi riêng hay vẫn theo “3 chung”.

Vẫn khó khâu ra đề

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường muốn thi riêng ngoài việc đảm bảo các yêu cầu do Bộ đề ra còn phải tự chủ khâu ra đề thi và không được phép lấy kết quả từ kỳ thi "3 chung" của Bộ làm căn cứ xét tuyển.

Trong khi tại Dự thảo tuyển sinh riêng cho các trường ĐH, CĐ từ năm 2014, Bộ GD-ĐT dự kiến cho phép các trường thi riêng có 3 phương thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, quy định này phù hợp với Luật Giáo dục đại học mới được ban hành.

Các trường cần chú ý khâu ra đề khi đã được tuyển sinh riêng.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH đều đồng nhất quan điểm cho rằng, khi đã giao cho các trường tự chủ tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT hãy để các trường chọn cách tuyển sinh nào mà họ thấy phù hợp. Mặc dù tổ chức thi riêng nhưng vẫn có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi “ba chung” để xét tuyển. Nếu cho rằng chuẩn của hai kỳ thi này không giống nhau mà không cho xét thí sinh từ kỳ thi “ba chung” thì rất khó cho các trường.

Nhiều ý kiến cũng đang lo ngại rằng, khi cho các trường thi riêng tình trạng luyện thi tràn lan tại các lò luyện thi gây bức xúc dư luận lại quay trở lại. Ông Bùi Ngọc Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương lo ngại: Việc đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ bằng cách cho phép các trường tổ chức thi riêng được đặt ra trong điều kiện hiện nay khiến tôi e ngại về tình trạng luyện thi tràn lan, tiêu cực trong thi cử. Vấn đề đặt ra tại sao Bộ GD-ĐT không mở rộng số kỳ thi ĐH trong năm? Chẳng hạn mỗi năm sẽ có hai kỳ thi ĐH và mỗi kỳ vẫn có 2-3 đợt, cách nhau 5-7 ngày/đợt. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) sẽ là nơi cung cấp đề thi cho các trường. Trong cùng đợt thi, các trường cùng thi khối A sẽ thi chung đề khối A, khối B, C... cũng như vậy.

Luồng dư luận khác lại đang lo lắng việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tự ra đề thi riêng vì điều này là làm khó cho trường, nảy sinh tình trạng lộn xộn, mập mờ trong tuyển sinh. Ông Sơn phân tích: "Trong Dự thảo lần này, Bộ GD-ĐT đề xuất cho các trường tổ chức thi riêng và việc ra đề phải do các trường tự làm. Điều này không những làm khó cho các trường (vì để làm bộ đề thi chuẩn không phải là chuyện dễ), bên cạnh đó còn ẩn chứa những tiêu cực tất yếu về sự không minh bạch, mua bán đề thi".

Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng: Trường đã tổ chức thi riêng thì không thể lấy nguồn tuyển là những thí sinh thi theo đề thi “3 chung” của Bộ vì sẽ không cùng một chuẩn. Tuy nhiên, quy định của Bộ cũng đã "mở" khi để các trường có thể dùng chung kết quả của nhau nếu thực hiện chung một phương án thi. Khi đó thí sinh có thể sử dụng kết quả thi ở những trường tổ chức thi riêng để xét tuyển vào những trường cùng chung đề án.

Về việc tự ra đề thi, ông Nghĩa khẳng định: "Khi các trường đã tuyển sinh riêng thì phải tự ra đề thi và chịu trách nhiệm. Lúc đó Bộ không hỗ trợ việc ra đề thi nữa”.

Lo ngại tiêu cực

Cho đến thời điểm này, tất cả các trường ĐH-CĐ trong cả nước đang thực hiện tuyển sinh “3 chung”. Với việc “bật đèn xanh” cho tuyển sinh riêng, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, tuyển sinh riêng ở thời điểm chưa “chín muồi” sẽ làm tiêu cực thi cử nảy sinh khó kiểm soát.

Phương án tuyển sinh thế nào, chung hay riêng hiện đang có rất nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia giáo dục. GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng: “Giải thích về mặt khoa học, hàng năm có rất nhiều thí sinh thi khối A. Nếu thi vào trường sư phạm thì ra làm thầy dạy toán, lý, hoá thi vào Bách khoa thì ra lại làm kỹ sư, thi vào luật cũng khối A ra lại làm thẩm phán, luật sư… tính chất đào tạo và yêu cầu công việc là hoàn toàn khác nhau, vậy tại sao lại phải cùng làm chung 1 đề thi. Điều đó rất bất hợp lý”. Cũng theo GS, “3 chung” nên kết thúc để cho các trường tự chủ tuyển sinh đúng nhu cầu đào tạo trường cần.

Đồng ý bỏ thi “3 chung” nhưng GS Văn Như Cương vẫn kiến nghị: “Bộ GD-ĐT cần có một bộ “lọc” chuẩn để tuyển sinh riêng không làm tái diễn những tiêu cực trong thi cử đã có từ nhiều năm trước như: Chạy điểm, các lò luyện thi cạnh trường mọc lên vô tội vạ, một thí sinh có thể thi nhiều trường gây tốn kém…”.

10 trường nghệ thuật đã được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh riêng.

Nhìn từ góc độ trực tiếp tuyển sinh, PGS-TS Đinh Xuân Khoa lo ngại: “Nếu bỏ 3 chung, khâu kiểm soát việc ra đề thi sẽ rất phức tạp. Không thể 450 trường ĐH-CĐ có 450 ban ra đề thi, tính bảo mật sẽ khó đảm bảo được. Ngoài ra còn kinh phí để ra đề, tuyển sinh sẽ bị đội lên rất nhiều, các trường đề nghị tuyển sinh riêng không biết đã nghĩ đến điều đó?”.
GS Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, người chỉ đạo triển khai tuyển sinh ĐH-CĐ “3 chung” từ năm 2002 phân tích: “3 chung” ra đời đã bảo đảm được kỷ cương trong thi cử, điều mà trước “3 chung” đang vô cùng nhức nhối. Các phương án tuyển sinh riêng mà các trường trình Bộ GD-ĐT trong tháng 12 vừa rồi, về cơ bản đều muốn hướng tới cách tuyển sinh hiện đại, như phỏng vấn riêng kết hợp với thi viết.

Tuy nhiên, các trường chưa cân nhắc toàn diện, ví dụ tổ chức phỏng vấn thì với hàng vạn thí sinh, không có đủ thời gian để thực hiện. Đó là chưa kể đến những yếu tố vô cùng quan trọng là ai là người phỏng vấn, chuẩn mực để đánh giá khi phỏng vấn như thế nào, liệu có đảm bảo công bằng”. Theo GS Bành Tiến Long và nhiều chuyên gia giáo dục, nếu chưa làm rõ điều đó thì cần cân nhắc tuyển sinh riêng.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc cho phép các trường tuyển sinh riêng là sự “lặp lại” của tuyển sinh trước thi “3 chung”, có thể sẽ phát sinh tiêu cực khi mỗi trường thi một kiểu. Tuy nhiên GS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Hiện nay đã có 17 trường có đề án trình Bộ duyệt về phương án tự chủ tuyển sinh. Chắc là phải chờ sự xem xét của Bộ, vì đến thời điểm này vẫn chưa công bố xem trường nào sẽ được duyệt để tuyển sinh riêng.

Quan trọng của việc tuyển sinh riêng là: Tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo tuyển được người có trình độ nhất định, học hết THPT có thể vào học được ĐH. Thi chung có điểm sàn làm căn cứ, thi riêng phải có điểm chuẩn nhất định nào đó để đảm bảo đầu vào chứ không phải cứ làm vô điều kiện, tuyển thế nào thì tuyển.
Thế nhưng thi riêng không phải là sự quay lại của thời kỳ tuyển sinh trước. Đây là sự thay đổi cần thiết và phù hợp với phát triển. Mỗi thời có một yêu cầu riêng của nó. Mỗi cách tuyển sinh cũng sẽ có yêu cầu riêng của nó. Theo quy luật biện chứng, cái gì không phù hợp nữa thì cần phải thay đổi. Và sự thay đổi ấy không phải lặp lại, bản chất nó đã khác trước”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.