Tư duy mới để có nền giáo dục mới

07:00 | 13/12/2013

2,097 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ xưa đến nay, tư duy học hành thi cử đã bám rễ vào nhận thức của người Việt. Cả xã hội quan niệm học để làm thầy, ít ai muốn làm thợ. Thực tế đã khẳng định, giáo dục ngày nay không giống như giáo dục thời kỳ trước. Bước vào thời kỳ đổi mới hội nhập, giáo dục đào tạo nước ta đã được chỉ ra là có sứ mạng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, giúp cho mọi người được phát huy tất cả tài năng và tất cả mọi tiềm lực sáng tạo.

Năng lượng Mới số 281

Bỏ "lối mòn" học vì bằng cấp

Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ham bằng cấp, chuộng hình thức trong giáo dục chính là căn nguyên của căn bệnh thành tích. Là nguyên nhân cốt lõi của những tệ nạn chạy trường, chạy điểm, gian lận thi cử, học không đi đôi với hành, học vẹt. Lối dạy, lối học và lối tư duy này, theo nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “hư học”, học để thi chứ không phải “học để biết, học để làm việc, học để khẳng định chính mình và học để hòa nhập”, theo định nghĩa của UNESCO.

Đồng tình với quan điểm này, GS Văn Như Cương cho rằng: “Chính vì tư tưởng học để có chứng chỉ, bằng cấp nên đã làm nảy sinh một hệ thống cơ chế quản lý giáo dục theo kiểu điều hành để đi thi, làm nảy sinh môn chính, môn phụ. Một nền giáo dục đáng lẽ ra phải học gì thi nấy lại biến thành thi gì học nấy”. GS lấy ví dụ, ngay từ lớp 10-11, nhiều học sinh chỉ tập trung vào những môn thi đại học hoặc thi tốt nghiệp mà bỏ bê các môn khác.

Cần đổi mới tư duy thực học, thực nghiệp trong giai đoạn mới để đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục, đào tạo nước nhà

Trong khi đó, giáo dục không chỉ có nhiệm vụ dạy người mà còn có nhiệm vụ quan trọng không kém là cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế quốc dân. Do vậy, một logic tất yếu là cuộc sống cần gì, chúng ta dạy nấy. Tuy nhiên, với tư duy học lấy bằng như hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam đang có gì dạy nấy mà không quan tâm tới nhu cầu nhân lực của xã hội, không quan tâm tới đầu ra cho sản phẩm của mình.

Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết, giáo dục của chúng ta hiện nay đang tách học sinh xa rời thực tế xã hội, ít gắn với sản xuất, ít gắn với thị trường lao động. GS Phạm Minh Hạc cũng nhận xét: “Toàn xã hội ai cũng thích có bằng cấp, nhưng doanh nghiệp thì không quan tâm tới bằng cấp, mà họ quan tâm tới chất lượng, tri thức, kỹ năng của sinh viên đó”.

Điều này GS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận. Đó là lâu nay chúng ta đang giáo dục thế hệ trẻ theo kiểu sách vở, học vẹt, thi xong là quên hết chứ không sử dụng hay phát huy được vào thực tiễn. Chính với lối tư duy hư học như vậy, nền giáo dục Việt Nam đang "sản xuất" ra những "sản phẩm" làm xã hội thực sự lúng túng. Vì cái gì các em cũng biết (hệ quả của nền giáo dục toàn diện) nhưng không biết gì cả, khi bắt tay vào làm một việc cụ thể là phải đào tạo lại. Chừng nào còn giữ lối tư duy đó, giáo dục Việt Nam sẽ không thể vươn tới một nền giáo dục thực chất. Nơi mà chất lượng con người, kiến thức thu nạp được thực sự được vận dụng vào cuộc sống chứ không phải chỉ cung cấp những cái tên trên những tấm bằng.

Thay đổi quan niệm giáo dục

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, đổi mới lần này là sự thay đổi căn bản: “Cách thức, tư duy sẽ khác, vị trí của người thầy sẽ khác. Vai trò và nhiệm vụ của người học sẽ khác. Phương pháp học, kiểm tra, đánh giá sẽ khác. Như vậy, chúng ta phải từ bỏ cách nghĩ, cách làm vốn là “máu thịt” của nhiều thế hệ học sinh, thầy cô giáo sang cách làm mới. Chúng ta không có lựa chọn khác, vì đây là con đường, cách thức mà hầu hết các nước trong đó có nước phát triển cả về văn hóa, kinh tế, giáo dục đang đi”.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, nếu không thay đổi tư duy và phương pháp, tiếp tục cách làm chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ thì không thể biến chuyển căn bản, toàn diện nào cả.

“Trước hết muốn nêu được vấn đề để đổi mới giáo dục phải đánh giá được thực trạng đúng của giáo dục hiện nay, từ thực trạng đó nêu ra được yêu cầu, giải pháp. Giáo dục chúng ta vừa làm, vừa nói dạy chữ, dạy người, dạy nghề nhưng thực tế chưa được như thế, giáo dục trước hết phải dạy con người, con người ở đây tôi muốn nói là con người lương thiện”, nguyên Phó chủ tịch nước khẳng định.

Là một người hết lòng vì sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà, GS Hoàng Tụy cũng cho rằng: “Phải từ bỏ những quan niệm, tập quán, cách suy nghĩ về giáo dục đã quen thuộc một thời, can đảm tiến lên thực hiện một nền giáo dục khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay, dạy người nhằm rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng… Đó mới thật sự là dạy người theo nghĩa cao quý nhất và thật sự là sứ mạng của giáo dục tiên tiến thời nay”.

Trong công cuộc đổi mới, việc thay đổi quan niệm giáo dục có vai trò trọng yếu đối với toàn bộ công cuộc đổi mới đất nước; khắc phục cách đầu tư cho giáo dục như một thứ phúc lợi, có đến đâu hay đến đó. Nhất là phải đổi mới tính chất nhà trường, tức là đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp, chấn chỉnh và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý giáo dục.

Với nhà trường, cần hướng tới không chỉ dạy kiến thức phổ thông, mà phải sớm hướng nghiệp, kỹ thuật tổng hợp và dạy nghề; khắc phục cách dạy học đơn thuần hành chính hóa việc lên lớp, chỉ cốt truyền đạt cho xong bài giảng. Đặc biệt, đối với mỗi người làm công tác giáo dục, mỗi nhà giáo với tư cách là chủ thể, thì tư duy mới không những phải hợp với quy luật mà còn phải mang tính tích cực, cách mạng.

Đó là việc phải bám sát mục tiêu giáo dục, xác định rõ vai trò, vị trí của giáo dục trong công cuộc đổi mới, coi giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, thực hiện giáo dục toàn diện, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy. Một mặt cần phải nâng cao năng lực nội sinh, mặt khác phải chủ động tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới; thực hiện tốt việc dạy ra dạy, học ra học; phải chấn chỉnh những thiếu sót, lệch lạc, tiêu cực, loại bỏ cách dạy từ chương, sách vở, cốt đi thi, chạy theo mảnh bằng; thương mại hóa giáo dục và đào tạo; chạy theo số lượng, bệnh thành tích...

Đổi mới tư duy giáo dục, đào tạo là phải thay đổi những điều lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, với quy luật làm cản trở sự phát triển của đất nước, của dân tộc... và thay vào đó là cách suy nghĩ và cách làm khoa học, hợp với thực tiễn, nhằm thực hiện một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo nên sự chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới. Đồng thời, khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ, phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại, đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khánh An