Đưa Ngọc Trinh, bà Tưng vào đề thi Văn:

Tính giáo dục ở đâu?

11:41 | 15/10/2013

986 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc đưa Ngọc Trinh và “Bà Tưng” vào đề thi học sinh giỏi văn lớp 12 của Sở GD-ĐT TP Hải Phòng đã gây nên nhiều tranh cãi về sự phản cảm mà đề thi này mang lại. Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT Hải Phòng lại cho rằng đề thi đã “định hướng lối sống cho học sinh”?!

>> ĐƯA NGỌC TRINH, “BÀ TƯNG” VÀO ĐỀ THI VĂN Ở HẢI PHÒNG: Giáo dục hay phản giáo dục?!

>> Nhà giáo, nhà văn bức xúc về đề thi văn phản giáo dục!

Chuyên gia bất bình

Mới đây, hai câu phát ngôn gây sốc một thời của Ngọc Trinh và Bà Tưng đã được đưa vào đề thi chọn học sinh giỏi môn Văn của TP Hải Phòng.

Cụ thể, đề thi thuộc phần nghị luận xã hội 3 điểm, có nội dung như sau: “Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền! Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

Đề thi gây xôn xao về độ phản cảm và lệch lạc.

Khi đề thi này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, rất nhiều chuyên gia bày tỏ thái độ bất bình về sự phản cảm bộc lộ qua cách ra đề này.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thẳng thắn cho biết ông không ủng hộ cách ra đề như vậy. “Tôi tán thành việc ra đề mở nhưng đề thi phải mang tính chất giáo dục, ví như đề thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi. Không hiểu tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng lại đưa hai nhân vật này vào đề thi? Liệu các em có dám nói thật những suy nghĩ bị xem là trái chiều? Nếu nói thật thì sao, hội đồng chấm thi sẽ xử lý như thế nào? Có phải đề thi mở thì chỉ cần học sinh viết hay là được điểm không?”.

Chung quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, đồng thời là Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, nhận xét hai nhân vật này đã bị lên án nhiều vì không ít chuyện kệch cỡm, nay nếu có khai thác thêm cũng khó tìm hiểu được ý gì mới từ phía học sinh. TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Không biết là người ra đề muốn tìm hiểu đến đâu nhưng rõ ràng đề thi này không tạo được cái mới”.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên khoa Báo chí và truyền thông trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng đề thi học sinh giỏi có nội dung hai nhân vật “Bà Tưng”, Ngọc Trinh phản cảm, chưa phù hợp. Hai nhân vật này vốn có những phát ngôn gây tranh cãi về đạo đức, tư tưởng còn lệch lạc thì không nên đưa vào nội dung đề thi học sinh giỏi. Đặc biệt, hai nhân vật này đã từng bị truyền thông và dư luận xã hội lên án rất gay gắt. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: “Nếu như với đề thi này thì người ra đề phải hỏi các em học sinh theo hướng phê phán hai hiện tượng trên chứ không thể hỏi về nội dung "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ".

Theo bà, đề thi ra theo hướng mở để kích thích tinh thần sáng tạo của học sinh là một hướng tốt. Tuy nhiên khi ra đề cũng cần phải có tính toán khoa học, chọn nội dung hiện tượng cho phù hợp để vừa kích thích được các em sáng tạo vừa có tính giáo dục các em. Một điểm khác nữa là người ra đề phải xác định rõ là học sinh khi làm đề này phải thể hiện được tính khuynh hướng phê phán chứ hỏi về tiến bộ xã hội đối với học sinh thì không ổn.

Lãnh đạo thờ ơ…

Trước sự phản ứng gay gắt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, cũng đã lên tiếng khẳng định về nội dung đề thi văn dành cho các học sinh trong bảng A kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố được tổ chức ngày 8/10 vừa qua. Hai phát ngôn “sốc” nằm trong câu nghị luận xã hội của đề văn. Theo ông Trường, đề thi được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT là ra đề mở, bám sát thời sự, định hướng lối sống cho học sinh.

Ông còn cho rằng: “Đề thi đã được cả một hội đồng ra đề cân nhắc và lựa chọn. Những người ra đề đã cố gắng để có được đề thi mở đảm bảo bám sát thời sự, gần gũi đời sống, có tính định hướng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo có tính phân loại để chọn được những thí sinh tốt trong giới hạn một kỳ thi học sinh giỏi”.

Sau khi đề thi Văn của Sở GD-ĐT Hải Phòng được công khai trên các mạng xã hội, nhiều người đã cho rằng Hải Phòng dường như lại đang cố gắng “showbiz hóa” giáo dục. Cụ thể ở đây chính là việc ra đề thi học sinh giỏi của Hải Phòng lại nêu ra phát ngôn nổi đình nổi đám một thời của Nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh và cô gái đang bị xã hội lên án “bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh.

Việc ra đề này khiến độ “hot” của Ngọc Trinh và “Bà Tưng” tăng lên. Những em chưa biết về hai người này sẽ phải lên mạng để tìm hiểu. Và biết đâu, trong lứa tuổi còn chưa phân định được đúng - sai, các em lại học cái dở của hai nhân vật này. Học sinh nào hiểu thì không sao, học sinh chưa hiểu lại nghiêng về phía hai người phát ngôn tai tiếng này, như thế chẳng hóa ra tác dụng ngược và vô cùng phản cảm hay sao. Những phát ngôn, quan điểm sống của Ngọc Trinh, “Bà Tưng” còn khiến người lớn phải “loạn bàn” chứ đừng nói gì đến các em học sinh lớp 12. Việc đưa ra đề thi mà không có sự định hướng rõ ràng của chính giáo viên ra đề, đôi khi lại phản giáo dục.

Ngọc Trinh và bà Tưng không đáng vào đề thi môn Văn.

Thêm vào đó, sau khi đề thi bị phản ứng dữ dội, bà N.T.M.L (đề nghị giấu tên) – giáo viên ra đề của Sở GD-ĐT Hải Phòng đã so sánh đề thi “lệch chuẩn” của mình với tấm gương dũng cảm hy sinh cứu người của em Nguyễn Văn Nam trong đề thi tốt nghiệp THPT, và khẳng định đây đều là cách ra đề “mở”. Tuy nhiên, có lẽ điều mà cô giáo này chưa lường hết được, đó là sự cổ vũ cho lối sống lệch lạc, chuộng hình thức, vật chất ... của hai cô gái nổi tiếng nhờ tai tiếng hiện vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến một bộ phận giới trẻ. Và khi vấn đề này được mang ra mổ xẻ với sự mù mờ trong cách ra đề, chắc sẽ có không ít học sinh đồng tình với lối sống này, thậm chí còn học theo; liệu cô giáo đã nghĩ đến điều này chưa?

Sau một loạt các đề thi tốt nghiệp THPT, ĐH-CĐ về chủ quyền biển đảo, thói mê muội thần tượng và gần đây nhất là hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam vào đề thi, dư luận đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cách ra đề “mở”, không bó buộc của Bộ GD-ĐT. Không những vậy, PGS.TS Ngô Kim Khôi – nguyên Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng đã khẳng định: "Bộ GD-ĐT muốn đề thi khách quan và thực tế hơn. Nội dung đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ". Thế nhưng, việc “mở” và sáng tạo cũng cần phải có sự định hướng cụ thể, không phải là cách ra đề vô trách nhiệm như các giáo viên và lãnh đạo của Sở GD-ĐT Hải Phòng. Việc đưa hai nhân vật “tai tiếng” vào đề thi và “mặc kệ” học sinh mổ xẻ, phân tích không đem lại hiệu ứng lên án, giáo dục mà ngược lại, còn có thể cổ vũ, đồng thuận cho sự kệch cỡm trong phát ngôn và lối sống hời hợt, lười lao động, ưa hưởng thụ của các nhân vật này. 

Xã hội còn biết bao gương người tốt, việc tốt đang hàng ngày, hàng giờ thầm lặng cống hiến cho xã hội, mong xây dựng đất nước tốt đẹp hơn, thế nhưng Sở GD-ĐT Hải Phòng và cô giáo ra đề thi đã sẵn sàng "bỏ qua" họ và đưa hai nhân vật phản cảm vào đề thi, thể hiện sự vô trách nhiệm và phản giáo dục đối với chính học sinh và dư luận. 

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.