Thi tốt nghiệp THPT: Nên bỏ hay nên giữ?

09:17 | 01/08/2013

787 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã từ lâu, những vấn nạn trong giáo dục đã được rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng; song những tiêu cực ấy vẫn tồn tại và đang làm mất dần lòng tin của xã hội đối với ngành giáo dục. Và một trong những vấn đề nhức nhối nhất và gây tranh cãi nhiều nhất là liệu có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Trong nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước.

Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng thiết bị dạy học hiện đại, ban hành nhiều chính sách chăm lo đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, trong đó vấn đề tiêu cực trong các kỳ thi được nhắc tới nhiều nhất.

Sáng 31/7, những người có tên tuổi trong giới giáo dục lại có dịp ngồi cùng nhau tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong Hội nghị “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức.

Trong Hội nghị này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại từng lĩnh vực để có giải pháp cụ thể, phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề. Cần đưa ra cốt lõi là gì để đưa ra đề xuất CP, QH để đổi mới giáo dục. Cách đánh giá kết quả giáo dục đào tạo cũng phải xem lại. Không thể lấy kết quả 6 môn thi tốt nghiệp để đánh giá quá trình 12 năm học”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT không có ý nghĩa lớn, bởi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95-96%; trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ lại được tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, tốn kém. 

“Chỉ duy nhất 1 năm khi thực hiện cuộc vận động “2 không” là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10-20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không?" - Phó Chủ tịch nước đặt câu hỏi.

Theo Phó Chủ tịch nước, nếu “thắt” thì phải thắt khâu quản lý, “thắt” quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau, vừa khổ cho gia đình vừa khổ cho nhà trường” - Phó Chủ tịch nước nhận định.

Trước quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, PGS Văn Như Cương cũng bày tỏ, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và giao về cho các sở. “Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay: thi cùng ngày, cùng đề, cùng biểu điểm…” - PGS Văn Như Cương đặt vấn đề.

Theo PGS Văn Như Cương, thi cử lạc hậu là điều khiến học sinh, phụ huynh khổ sở vì không đánh giá được thực chất. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng học lệch học tủ, học thêm. “Không thể chấp nhận học ròng rã 12 năm trời lại chỉ được đánh giá bằng bài thi 3 tiếng, nên giảm tải kỳ thi” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được coi là lãng phí và không thực chất.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải kỳ thi phân loại học sinh mà là kỳ thi kiểm tra, đánh giá chất lượng ở mức trung bình, cứ học sinh ở học lực trung bình là có thể đạt được.

Còn kỳ thi ĐH, CĐ là tuyển sinh, lựa chọn học sinh theo chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ và chỉ tiêu của các nước đối với các bậc đại học, vì vậy, đối tượng được tuyển chọn phải là học sinh khá, giỏi. Vì vậy, việc tồn tại song song hai kỳ thi này sẽ giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được những thí sinh tốt nhất, đồng thời cũng giúp xã hội đánh giá được chất lượng giáo dục hiện tại.

Với những kiến nghị nên bỏ bớt một kỳ thi, GS Phạm Minh Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) đã cho rằng việc bỏ bớt kỳ thi có thể khiến nhiều học sinh dần dà nảy sinh tâm lý chủ quan, thờ ơ với chuyện học hành. Bên cạnh đó, thi cử không chỉ là để đánh giá, mà còn để áp đặt các chuẩn mực cần thiết lên cả hành vi dạy của thầy giáo và hành vi học của trò.

Mặt khác, trình độ THPT của học sinh tại các vùng, miền nước ta rất khác nhau, trong khi đó thi tốt nghiệp là đánh giá kiến thức theo chương trình phổ thông cơ bản, tiêu chí đánh giá chất lượng đại trà, vì vậy việc đạt điểm cao đôi khi chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ - thay vì lực học thực chất. Do đó, không thể lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm chuẩn tuyển vào ĐH, CĐ. 

Tuy nhiên cho tới thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã trở thành nỗi nhức nhối cho dư luận xã hội khi có hàng loạt bê bối và tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đánh giá chất lượng học sinh.

Có lẽ không ai quên được cảnh phụ huynh “trèo tường ném phao” cho thí sinh tại trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội) gây xôn xao dư luận vào năm 2006, và sau khi kỳ thi này diễn ra, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường THPT Phùng Khắc Khoan xấp xỉ 100%  - một con số không tưởng!

Từ những vụ việc này, ngày 31/7/2006, Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào “hai không”: Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Từ đó, tiêu cực trong ngành giáo dục nước ta đã phần nào được ngăn chặn, công tác tổ chức thi, coi thi và thanh tra được tổ chức nghiêm túc và có chất lượng hơn.

Thế nhưng, đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, “scandal” giáo dục tại trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) và clip tiêu cực tại trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) năm 2013 lại một lần nữa gây xôn xao dư luận và đặt ra nghi vấn về chất lượng thực của những kỳ thi tốt nghiệp này.

"Scandal Đồi Ngô" năm 2012 đã gây chấn động ngành giáo dục nước nhà.

 

Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT vẫn đang nghiên cứu việc có nên bỏ thi tốt nghiệpTHPT? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Ít nhất đến năm 2015 vẫn có thi tốt nghiệp. Sau năm 2015, khi thực hiện thay đổi sách giáo khoa, đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện nhiều thay đổi, hình thức thi để cân nhắc xem có nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không”.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức văn bằng quốc gia không chỉ có ở VN, mà là hình thức thi cử phổ biến ở nhóm các nước ASEAN và một số nước khác. Nói thế để thấy rằng VN không phải đi một mình một đường. Tuy nhiên, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT có bị hủy bỏ hay không, thì việc phụ huynh nói riêng và dư luận xã hội nói chung quan tâm chính là chất lượng thực của ngành giáo dục.

Vấn đề là chúng ta không nên tuyệt đối hóa kỳ thi tốt nghiệp THPT, đừng xem nó là “bảng chuẩn” đo chất lượng giáo dục. Tính chất các bài thi chỉ để đánh giá vài môn, mỗi môn chỉ “nhấn” vào vài vùng kiến thức, không thể nói đại diện hết cho chất lượng đào tạo. Chưa kể các đề thi hiện nay chủ yếu đòi hỏi kiến thức chứ ít bộc lộ được kỹ năng.

Nhiều ý kiến cho rằng nên giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương, nhưng có thể thấy ngay rằng khi làm thế không chỉ đỗ tốt nghiệp THPT 100% mà có thể tất cả học sinh sẽ đạt loại... giỏi. Khi các thầy cô, nhà trường, địa phương vẫn giữ chặt chủ nghĩa vị thành tích nặng nề thì khi giao toàn bộ để họ quyết định tất cả kết quả thi cử, những giả dối sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều.

Vì vậy, khi Bộ GD-ĐT chưa đưa ra quyết định nên bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên chăng các nhà lãnh đạo, các chuyên gia biên soạn chương trình cần điều chỉnh dần những bất hợp lý trong chương trình học và cách giảng dạy để không còn những con số tốt nghiệp “khó tin” như hiện nay.

Nhã Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.