Ngành Sư phạm: Khó "đầu vào" lẫn "đầu ra"!

06:38 | 19/03/2013

4,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vấn đề của khối ngành Sư phạm hiện nay là đầu ra không có và đầu vào cũng không nhận được sinh viên giỏi.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT,  khoảng 70% SV ra trường (đối với khối công lập) tìm được việc làm trong năm đầu tiên, con số này ở khối ngoài công lập còn thấp hơn. Như vậy, có khoảng hơn 30% SV khi ra trường không tìm được việc làm ngay.

Còn theo thống kê của Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thì có đến hơn 1/4 cử nhân ra trường không có việc làm; 3/4 có việc nhưng phần lớn làm trái nghề, trong đó khối ngành sư phạm lại chiếm một tỷ lệ lớn. Vấn đề của khối ngành Sư phạm hiện nay là đầu ra không có và đầu vào cũng không nhận được sinh viên giỏi.

Sức ép mang tên “Sư phạm”

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những năm trước đây, điểm tuyển sinh của trường luôn ở tốp đầu, nhưng hiện nay, nhiều khoa chỉ còn lấy bằng điểm sàn nhưng vẫn khó tuyển đủ thí sinh. Giờ đây, học sư phạm không còn là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ bởi vấn đề “đầu ra” quá khó khăn.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vốn là cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ giáo viên cho cả nước và từng là mơ ước của rất nhiều học sinh khi bước vào ngưỡng cửa các trường đại học. Tuy nhiên, những năm gần đây điều này dường như đã thay đổi. Số thí sinh đăng ký thi vào trường ít dần, còn những sinh viên đang học ngày càng lo lắng cho tương lai của mình.

Thí sinh hiện nay đang "ngại" ngành sư phạm.

Mấy năm nay sinh viên các trường đại học ra trường không tìm được việc làm ngày càng nhiều. Đứng đầu bảng là ngành sư phạm. Năm 2012 này nhiều tỉnh đã không tuyển thêm giáo viên, khiến cho nỗi lo thất nghiệp của người học ngành này càng nan giải. Ai cũng thấy chọn sư phạm chủ yếu là con nhà nông, người nghèo; đối tượng “chuột chạy cùng sào…”. Không có việc làm, kéo theo sẽ khó trả nợ cho ngân hàng vay để đi học, khiến đôi bên cùng thiệt hại.

Sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ngành sư phạm hệ chính quy ở nhiều địa phương phần lớn đang vật vã để theo đuổi nghề giáo. Nhiều người đã nhụt chí bỏ nghề, những người trụ lại phải đối mặt với nỗi lo cơm áo.

Thanh Hóa là tỉnh đứng đầu cả nước về số SV thất nghiệp sau khi ra trường. Báo cáo mới nhất của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013, toàn tỉnh có 24.956 HS-SV đã tốt nghiệp chưa có việc làm. Trong đó trình độ trên ĐH có 45 học viên, ĐH có 5.674 SV, CĐ có 6.845 SV, trung cấp chuyên nghiệp có 6.003 SV. Còn lại là CĐ nghề và trung cấp nghề. Tỷ lệ thất nghiệp ngành Sư phạm của tỉnh này đứng đầu với 3.762 SV, tiếp theo là ngành Công nghệ thông tin với 3.650 SV, sau đó lần lượt là các ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, nông lâm – ngư nghiệp… SV thất nghiệp chủ yếu thuộc các huyện nghèo như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Quan Sơn.

Thực tế là như vậy, nhưng số liệu SV có việc làm mà các trường đưa ra hầu hết đều cao chót vót, trên dưới 90%, thậm chí là 100% như ĐH Lạc Hồng, ĐH Y Hải Phòng công bố. Học viện Ngoại giao có tỷ lệ SV có việc làm sau một năm ra trường là 97-98% đối với hệ ĐH, 95% đối với hệ CĐ.

Tương tự, số SV ra trường có việc làm được ĐHQG Hà Nội công bố từ 60-85%, ĐH Kinh tế Quốc dân 75%. Con số này ở Trường ĐH dân lập Hải Phòng là 81,9% và ĐH Luật TP.HCM (khóa 2007-2011) là 94,4%...

Chỉ tiêu tuyển sinh 2013: Tăng... 0,1%

Hiện nay, trên toàn quốc hiện có 330 cơ sở đào tạo hệ sư phạm và 14 trường chuyên đào tạo sư phạm. Trong những năm gần đây, thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhưng thực tế chỉ tiêu đào tạo ngành này vẫn chiếm đến trên 14% so với tổng chỉ tiêu ở các trường trực thuộc bộ.

Đào tạo dư thừa, chạy theo nhu cầu bề nổi của người học, nhóm ngành kinh tế - quản trị kinh doanh chen chân trong hầu khắp các trường ĐH, từ trường vốn chuyên ngành kỹ thuật, nông nghiệp đến cả những trường vốn xuất thân chỉ đào tạo... giáo viên. 

Một biện pháp mạnh tay sẽ được thực hiện ngay trong năm 2013 là cắt giảm đến 1/5 chỉ tiêu của ngành sư phạm. Từ 20.000 tân SV của năm 2012, năm 2013 bộ đã “áp” sẵn con số chỉ tuyển mới 16.000 tân SV ĐH ngành sư phạm. Ở hệ CĐ, ngành này cũng bị giảm 10% với định mức tuyển mới là 2.900.

Các trường sư phạm cần nâng cao chất lượng thay vì đào tạo tràn lan.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, năm 2013 trong toàn hệ thống các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy sẽ gần như giữ nguyên như năm 2012, tăng đúng 0,1%, đạt mức 133.000 SV trúng tuyển (năm 2012 là 132.819 SV), mức tăng khiêm tốn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ tiêu đào tạo CĐ chính quy thậm chí còn giảm so với năm 2012 với mức 17.000 SV (năm 2012 là 17.440 SV), chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp cũng giảm 30% so với năm trước xuống mức 7.200 chỉ tiêu. Liên thông, văn bằng 2 chính quy giảm 10% xuống còn 30.000 chỉ tiêu. 

Ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT khẳng định: "Cái chính là chúng ta đang vướng ở cơ cấu vùng miền, thừa chỗ này, thiếu chỗ kia; hoặc cơ cấu về môn học, thừa môn này nhưng thiếu môn khác. Trong chương trình phát triển ngành Sư phạm của Bộ GD-ĐT, sẽ dần dần giải quyết căn bản từ dễ đến khó". 

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, các trường cần nâng cao chất lượng thay vì đào tạo tràn lan. Ngoài ra, các trường cần tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm, nâng cao đời sống giáo viên, từ các biện pháp đồng bộ đó mới có thể đào tạo được một đội ngũ giáo viên có chất lượng.

Khánh An