Báo động đội ngũ nhà giáo:

Lương thấp, 20% giáo viên chán nghề

11:00 | 10/12/2013

1,860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đã đề cập tới nhiều vấn đề về chất lượng đội ngũ nhà giáo và chính sách ưu đãi.

Sức ì lớn, lười đổi mới

Qua điều tra, khảo sát trên 6.000 nghiệm thể gồm những cán bộ quản lí, cơ sở đào tạo giáo viên, giảng viên, sinh viên sư phạm, giáo viên tiểu học, THCS, THPT, học sinh và cha mẹ học sinh, ngoài ra còn khảo sát ở 13 tỉnh, thành phố đại diện các vùng miền, 10 trường ĐH Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm từ Bắc vào Nam.

Theo đó, do nhiều khó khăn trong cuộc sống, do áp lực của công việc nên có một bộ phận không nhỏ giáo viên chán nghề, con số này từ 10-20%. Phần lớn giáo viên trình độ hiểu biết không vượt quá được trong nội dung của SGK, nhất là còn mơ hồ về tri thức của môn học. 

Hàng năm, các cơ sở giáo dục đều thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao trình độ, nhưng dường như chưa có chuyển biến trong cách dạy, còn nhiều hình thức phiến diện, sức ì giáo viên còn lớn, có thói quen dạy học cũ từ trước và lười đổi mới. Đưa ra kết luận, đây có thể xem là hạn chế lớn nhất của giáo viên phổ thông của ta.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chỉ ra nhiều bất cập trong hệ thống giáo viên hiện nay.

Đề tài này còn chỉ ra rằng, vai trò “người của cộng đồng” chưa được thể hiện rõ, giáo viên chưa lưu tâm được việc dạy người qua dạy chữ. Nếu yêu cầu đòi hỏi phải đổi mới đội ngũ nhà giáo trong 10-20 năm nữa thì năng lực của nhà giáo hiện nay là một khoảng cách khá xa. 

Cũng theo đánh giá của Đề tài này thì chất lượng sinh viên đầu vào của ngành sư phạm có tính chất thấp dần, các sinh viên sư phạm thường chỉ được đào tạo kĩ năng liên quan tới trình bày kiến thức, còn kĩ năng để dạy học đáp ứng nhu cầu của cá nhân cũng như xử lí tình huống dạy học còn rất ít.

Qua khảo sát các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục, nhóm nghiên cứu nhận thấy một điều: Chất lượng giáo viên đối với giáo viên trẻ mới ra trường có dấu hiệu tốt ở các kĩ năng dạy học, ngược lại những người trẻ lại hạn chế ở kĩ năng giáo dục, phối hợp với các lực lượng giáo dục, tìm hiểu đối tượng và nhất là giải quyết vấn đề.

Trong cấu trúc chương trình đào tạo ở các trường sư phạm chưa coi trọng việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, điều đó thể hiện qua số lượng tín chỉ thực hành chiếm tỉ lệ thấp (chỉ 4,76%) trong tổng số tín chỉ toàn khóa. Đặc biệt, các môn học nghiệp vụ sư phạm rất thiên về lí thuyết, có phần tách rời với thực tế.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phương pháp đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm chưa có đổi mới tích cực, vẫn thiên về phương pháp lấy người học làm trung tâm, chưa gắn với thực tế, thực hành do tính tự học của sinh viên chưa cao.

Bà Nguyễn Thị Bình cũng cho biết, ngay cả trong công tác bồi dưỡng giáo viên hàng năm được Bộ GD-ĐT tổ chức cho giáo viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn coi nhẹ kĩ năng sư phạm, hình thức bồi dưỡng chỉ là nghe giảng, tập trung, phương pháp này không thiết thực với giáo viên, và do vậy không tạo được động lực tự học, đây là điểm yếu nhất.

Chế độ tiền lương bất cập

Trong Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ đã thể hiện đầy đủ chủ trương trong Nghị quyết Trung ương 2, khóa 8 năm 1996 là: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, bên cạnh đó là các quy định về phụ cấp, ưu đãi nghề nghiệp, nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập.

Những bất cập này dẫn đến nhà giáo không đảm bảo được mức sống hợp lí cho bản thân và gia đình, cũng dẫn đến bộ phận không nhỏ phải đi dạy thêm hoặc kèm học sinh ngoài giờ lên lớp, có giáo viên phải kiêm nhiều việc khác để đủ sống.

GS Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cho rằng nên căn cứ vào GDP để xác định mức lương đối với giáo viên. Ý kiến này không được đồng thuận của nhiều chuyên gia giáo dục khác.

Lương không đủ sống, giáo viên khó tâm huyết với nghề.

Theo ông Nguyễn Quang Kính, một thành viên nhóm nghiên cứu, với mức GDP thấp như ở VN và tình hình giá cả sinh hoạt hiện nay thì nếu đề xuất lương giáo viên ngang bằng mức GDP thì không thay đổi được bất cập. Ông nhấn mạnh: “Lương giáo viên không đủ sống là lý do 40% số giáo viên trong diện khảo sát cho rằng không muốn gắn bó với nghề. Lương thấp làm phát sinh nạn dạy thêm tùy tiện, tiêu cực trong giáo dục. Hãy định mức lương thế nào để giáo viên có thể yên tâm đi dạy mà đủ sống tối thiểu, khi đó mới có thể giải quyết được chất lượng giáo dục”.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) thông tin thêm: “Tham khảo từ nhiều nước, tôi thấy những nước phát triển lương giáo viên thấp hơn GDP, vì GDP của họ cao, nhưng những nước đang phát triển thì lương giáo viên phải cao hơn GDP. Theo tôi lương giáo viên hiện nay cần cao hơn GDP 2,5 lần”.

Tăng lương, điều chỉnh giờ làm việc hợp lý, thực hiện đúng quy định sĩ số học sinh, giảm những công việc không cần thiết, quy định không cần thiết đối với giáo viên là kiến nghị của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, đồng thời với những yêu cầu tăng chính sách, điều kiện cho nhà giáo, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ công việc chuyên môn của giáo viên, tránh việc đánh giá “cào bằng” để tạo một môi trường làm việc công bằng hơn, khuyến khích giáo viên gắn bó, tâm huyết với nghề. 

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.