Lạc quan với mô hình trường học mới

07:00 | 21/09/2013

1,904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Học sinh tự tin; Không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện; Giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện”. Đó là đánh giá chung của các trường đã và đang tham gia Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN).

Đối tượng trung tâm là học sinh

Về mô hình trường học mới, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) - cho biết: Năm học 2012 - 2013 là năm học thứ 2 Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm mô hình trường học mới (VNEN). Cũng năm học này Hà Nội có duy nhất 1 trường được chọn thí điểm mô hình theo tiêu chí: Trường không thuận lợi cũng không quá khó khăn về cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên và sĩ số học sinh không quá đông; ở khu vực ngoại thành. Trên những cơ sở đó, Hà Nội đã chọn trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì), thí điểm ở 2 lớp 2 và 2 lớp 3.

Lớp học theo mô hình VNEN tại Tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì).

Việc thí điểm được thực hiện ở ba môn: Tiếng Việt, Toán và Tự nhiên - Xã hội. Kiến thức của ba môn này vẫn giữ nguyên, chỉ có tài liệu dạy và học được biên soạn lại theo ba hoạt động: Hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Đặc biệt, tài liệu đã sắp xếp "ba trong một”, sách giáo khoa, sách giáo viên và sách hướng dẫn học sinh tự học gộp làm một cuốn. Với tài liệu này, ngoài học sinh và giáo viên, cha mẹ học sinh cũng có thể dùng để hướng dẫn cho con em mình học tập.

Sau 1 năm triển khai mô hình, kết quả đối chứng cho thấy những thành tích đáng ghi nhận của mô hình VNEN. Cụ thể:

Không có cảnh học trò ngồi ngay hàng thẳng lối, lặng im nghe cô giáo giảng bài; thay vào đó, bàn ghế được xếp thành từng nhóm nhỏ, học sinh tự do trao đổi, thảo luận trong lớp. Cô giáo chỉ là người hướng dẫn và quan sát. Không khí lớp học rất sôi nổi và cuốn hút... Đó là giờ học tại lớp 2 của trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội) theo mô hình VNEN do Bộ GD - ĐT thí điểm tại gần 1.500 trường tiểu học trong toàn quốc.

Năm học 2012- 2013, hai lớp 2 và hai lớp 3 của trường Tiểu học Tả Thanh Oai được chọn thí điểm dạy mô hình trường học mới. Bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tả Thanh Oai, cho biết: “Theo mô hình này, ngoài nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh còn được học kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp tự tin… Hội đồng tự quản lớp cũng do các em tự bầu lên. Giáo viên là người tổ chức lớp, nên chỉ quan sát kỹ và quan tâm đến từng em. Nhiều em khi đến lớp thì nhút nhát, học chưa tốt, nhưng sau một thời gian đã tự tin lên rất nhiều và kết quả tiến bộ rõ rệt, số lượng học sinh giỏi và học sinh khá tăng cao so với trước. Năm học 2013 – 2014, nhà trường triển khai mô hình VNEN cho 100% học sinh khối lớp 2, 3, 4”.

Một ưu điểm của mô hình VNEN là nội dung giáo dục gắn chặt với thực tiễn. Lớp học sinh động với nhiều góc theo nhiều chủ đề: Góc sinh nhật, góc cộng đồng với bản đồ đường đi đến các địa điểm gần trường, đến nhà mỗi bạn. Rồi có góc hộp thư góp ý để các em chia sẻ, thể hiện ý kiến của mình… "Các phụ huynh cũng được đến thăm các em học như thế nào và có điều kiện có thể giúp đỡ các em. Chính những góc này tạo điều kiện để các em chủ động tìm tòi tư liệu, thông tin, được trình bày, biểu diễn những kết quả học tập. Việc học tập vì vậy đã không đơn giản là đọc chép, mà có học, có nghiên cứu, có trình bày, báo cáo. Từ đó sẽ rèn luyện được học sinh rất nhiều", đại diện trường Tả Thanh Oai cho biết.

Thí điểm để nhân rộng trên cả nước

Tiến sĩ Đặng Văn Ân, cố vấn trưởng dự án mô hình VNEN, cho biết: “Trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây, chúng tôi thí điểm mô hình VNEN tại nhiều địa phương trong cả nước, mang lại hiệu quả tích cực, nhiều địa phương đã tự nguyện xin áp dụng mô hình này”. Theo tiến sĩ Đặng Văn Ân, năm học 2013 - 2014, có thêm khoảng hơn 200 trường trong toàn quốc được triển khai mô hình này. "Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tiến hành dự án tại 22 trường sư phạm của các địa phương. Sinh viên tại các trường này được dạy thí điểm theo phương pháp VNEN, vì vậy thời gian tới sẽ có bộ phận giáo viên tốt nghiệp đủ năng lực dạy theo phương pháp VNEN, đảm bảo đủ các điều kiện để mở rộng hơn nữa mô hình này”.

Với mô hình VNEN, giáo viên linh hoạt hơn trong việc tổ chức cho học sinh học tập theo tài liệu. Mặc dù không phải soạn bài nhưng giáo viên phải có ý thức nghiên cứu tài liệu học tập điều chỉnh một số hoạt động cho phù hợp với đối tượng học sinh, làm đồ dùng dạy học để giúp học sinh có phương tiện học tập tốt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định VNEN đảm bảo cho học sinh được rèn luyện một cách toàn diện.

Bên cạnh đó, dạy học theo mô hình mới giáo viên sẽ giảm bớt được việc “biểu diễn”, thao tác mẫu, các câu hỏi gợi ý, dẫn dắt, hay củng cố kiến thức của bài... Giáo viên cũng làm quen với cách tự học, tự tra cứu thông tin để đáp ứng yêu cầu của bài học, không phụ thuộc vào sách hướng dẫn như trước kia do đó tạo điều kiện, cơ hội để  giáo viên và ban giám hiệu có khả năng linh hoạt, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người.

Đối với học sinh, mô hình trường học mới đặt ra yêu cầu thành lập hội đồng tự quản của các lớp học, bước đầu các em đã biết làm quen nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, VNEN chú trọng phát triển năng lực tự học cho học sinh, các em sẽ có nhiều cơ hội độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng khi làm việc theo nhóm và có nhiều cơ hội phát huy năng lực hợp tác khi học nhóm; được tranh luận, tự đánh giá bản thân và đánh giá các bạn.

Học sinh học theo nhóm nên không có hiện tượng không tập trung như khi nghe giáo viên giảng bài, việc học sinh tự điều khiển hoạt động trong nhóm: học sinh có thói quen làm việc theo 10 bước học tập: biết đọc mục tiêu, đọc yêu cầu và tự trả lời câu hỏi, tự làm bài tập và tự đánh giá tiến độ học của mình trên phiếu, từ đó đã giúp học sinh có ý thức thể chủ động hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào thầy, cô giáo.

Nhiều em học sinh đã thể hiện được khả năng của mình khi điều khiển và có thể hướng dẫn các bạn khác học, thay cho việc tổ chức hướng dẫn của giáo viên trước đây. Học sinh tự tin hơn, linh hoạt, sáng tạo hơn trong học tập tư duy độc lập và phát hiện kiến thức mới.

Khi học tập, nghiên cứu theo nhóm, học sinh sẽ dễ tiếp thu và bộc lộ khả năng hơn.

Chia sẻ về việc triển khai mô hình trường học mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “VNEN đảm bảo cho học sinh được rèn luyện một cách toàn diện, không chỉ học kiến thức mà cả kỹ năng sống, năng lực tự quản bản thân, tự quản tập thể của mình.

Cũng như vậy, nội dung dạy học được thiết kế theo quy trình đảm bảo cho học sinh có khả năng tự học, chuyển quá trình dạy học thành quá trình tự học được hướng dẫn cho học sinh. Trong kiểm tra đánh giá, coi trọng cả đánh giá trong quá trình dạy học với việc đánh giá kết quả thực hiện học tập của học sinh theo tinh thần đánh giá vì sự tiến bộ của học trò. Chính việc kiểm tra trong quá trình dạy học đó giúp giáo viên phát hiện những nhân tố tích cực, những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, tạo hứng thú học tập; Đồng thời phát hiện những khó khăn mà học sinh có thể không vượt qua được để hướng dẫn các em khắc phục khó khăn.

Các em học sinh có năng lực, hoàn cảnh khác nhau nên có thể được chấp nhận tiến độ hoàn thành bài học khác nhau. Những em hoàn thành trước thì có thể chuyển sang bài sau hay được giáo viên giao thêm nhiệm vụ để phát huy năng lực cá nhân cao hơn. Những em có khó khăn thì được giãn thời gian học tập một cách phù hợp. Đây là một đặc điểm rất nhân văn của mô hình này. Chính mô hình dạy học này tạo điều kiện để chúng ta đạt được mục tiêu dạy học cao nhất phù hợp với từng học sinh và cũng đảm bảo sự hỗ trợ, cộng tác giữa các em”.

Dự án VNEN là dự án có nội dung về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.

Dự án được thiết kế có 4 thành phần: Phát triển các tài liệu cho đổi mới sư phạm; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và cung cấp tài liệu cho các trường; Hỗ trợ các trường để triển khai mô hình VNEN; Quản lý Dự án (QLDA) và truyền thông.

Theo báo cáo mới nhất về tình hình triển khai Dự án VNEN, tổng kinh phí của dự án cho giai đoạn tiếp theo là 87,6 triệu USD, trong đó có 84,6 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) và 3 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với thời gian thực hiện là 41 tháng, kể từ tháng 1/2013.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm mô hình VNEN tại 24 trường của 12 huyện ở 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk.

Khánh An