Gỡ khó cho các trường ngoài công lập

18:41 | 30/03/2014

1,604 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 20 năm, kể từ ngày Đại học Dân lập Thăng Long ra đời đến nay, đánh dấu sự ra đời và hình thành mô hình các trường đại học dân lập, dường như vẫn còn quá nhiều điều để nói. Bức xúc có, chia sẻ có, than thở có… là những cung bậc cảm xúc khác nhau của các trường ngoài công lập sau 20 năm “loay hoay” tìm chỗ đứng trong ngành giáo dục.

Năng lượng Mới số 308

Những đứa con “không được thừa nhận”?!

Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế đại học tư thục kèm theo Quyết định số 240/QĐ-TTg, chính thức thể chế hóa sự phát triển của giáo dục đại học ngoài công lập tại Việt Nam. Đến nay, giáo dục đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập đã có 73 trường tư thục, 16 trường dân lập và 1 trường bán công.

Việc hình thành và phát triển giáo dục ĐH ngoài công lập trong thời gian qua không chỉ tạo công việc cho hàng nghìn cán bộ, giảng viên, mà còn tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn người được tiếp nhận học vấn ĐH và trên ĐH. Theo thống kê, số lượng sinh viên theo học các ngành đào tạo tại trường ĐH ngoài công lập chiếm khỏang 20% tổng số lượng sinh viên cả nước trên các mô hình đào tạo. Đặc biệt, các trường đã huy động được nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH. Từ số vốn đầu tư khiêm tốn của 5 trường ĐH đầu tiên, đến nay, tổng số vốn điều lệ đăng ký thành lập của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã lên tới 1.555 tỉ đồng.

Sinh viên các trường ĐH ngoài công lập vẫn chưa được đánh giá công bằng

Tuy nhiên, sau 20 năm hình thành và phát triển, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vẫn có quá nhiều điều để nói. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cho biết: “Một bất cập lớn là sự phân biệt đối xử giữa sinh viên công lập và ngoài công lập về chính sách đãi ngộ của nhà nước. Sinh viên công lập thì được Nhà nước cấp học bổng, được hỗ trợ 60-70% chi phí đào tạo, còn các  sinh viên ngoài công lập không được nhà nước đãi ngộ”.

Ông Vũ Xuân Huế - Hiệu trưởng ĐH Phú Xuyên (Huế) cho rằng, hệ thống các trường ngoài công lập còn quá nhiều phức tạp. Không nên xem các trường là một doanh nghiệp, nếu xem trường là doanh nghiệp thì phải có cơ chế cụ thể. Trong khi trường công lập được đầu tư từ A đến Z, thì trường ngoài công lập không có gì, nhiều địa phương tuyên bố không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng bức xúc: “Vì sao các đơn vị tuyển dụng không tổ chức thi cử đàng hoàng để chọn được những người đủ năng lực mà lại từ chối ngay từ đầu. Đây là một việc không thể chấp nhận. Bị từ chối tuyển dụng thì nếu tôi có con đi học tôi cũng không bao giờ cho con vào trường ngoài công lập. Còn nhà trường thì không ai dám đầu tư nữa, vì đầu tư mà không có người học thì trường sẽ chết!”.

Bên cạnh đó, rất nhiều đại biểu chung quan điểm, kiến nghị nên có hành lang pháp lý, cơ chế rõ ràng với mục tiêu nâng cao giáo dục ĐH ngoài công lập. Bà Trần Kim Phương - Hiệu trưởng Trường CĐ ASEAN kiến nghị: “Bộ nên có sự phối hợp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có chủ trương đến năm 2020 đạt 50% sinh viên ngoài công lập bằng sinh viên công lập; tạo điều kiện cho các trường có tiềm năng phát triển. Phải xác định rõ vai trò của trường công lập, có cơ chế, nghĩa vụ của công lập là gì; kiểm định chất lượng giáo dục, phải có những người có kinh nghiệm tham gia”.

Chính sách xóa bất bình đẳng

Một trong những vấn đề được các đại biểu mổ xẻ nhiều nhất là các chính sách về trường ngoài công lập vẫn không được thực hiện. Đặc biệt là chính sách thuế và sự phân biệt trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. GS Quân cho rằng: “Vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở cả Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và nhiều văn bản quy phạm pháp luật là chưa làm rõ cơ chế sở hữu cũng như tính chất “không vì lợi nhuận” của các loại hình trường ngoài công lập. Từ đó dẫn đến hậu quả là cho tới nay vẫn chưa có được các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cách thức công nhận các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập không vì lợi nhuận và những chính sách khuyến khích đặc biệt đối với loại trường này”.

Trước nhiều thắc mắc, băn khoăn của một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập về những khó khăn trong việc duy trì hoạt động, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Các trường ngoài công lập của chúng ta đều có nguồn gốc xuất phát, lịch sử hình thành rất khác nhau, cho nên để một cái áo vừa hết thì không thể được. Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét, nhưng về phía các nhà trường, từ Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu cũng cần nhanh chóng đạt sự đồng thuận lấy lợi ích phát triển lâu dài, bền vững, lấy uy tín, chất lượng trường mình đặt lên trên, gác lại bất đồng, đồng thuận với nhau thì mới có thể làm được”.

Cũng trong cuộc trao đổi với lãnh đạo các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định, sau 20 năm phát triển và hình thành của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, thành công của giáo dục ngoài công lập là thành công của ngành, của Bộ và là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Nếu nó chệch choạc, sai sót, đổ vỡ là thất bại của ngành. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, Bộ không có quan niệm về “con đẻ”, “con nuôi”. Vì nếu tính cả con đẻ thì Bộ chỉ có 40 con (40 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT), một số lượng rất nhỏ.

Trước những băn khoăn của đại diện khối giáo dục ngoài công lập, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tôi không đồng ý với ý kiến trường ngoài công lập phân tầng và chỉ đi “bắt cá nhỏ”. Thời gian đầu, ngoài công lập khó khăn nhưng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, với những thế mạnh mà chỉ ngoài công lập mới có, các trường ngoài công lập phải bắt được “cá to” hơn trường công lập. Chúng ta sẽ cùng nhau đặt ra chính sách, ra cơ chế để làm. Đây là trách nhiệm chung với đất nước”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thực hiện xã hội hóa không chỉ vì Nhà nước không có tiền, mà quan trọng nhất là Nhà nước nhận ra có những vấn đề khu vực giáo dục ĐH công lập muốn mà không làm ngay được, trong khi ở khu vực ngoài công lập thì có thể thực hiện được. Ví dụ như bỏ 1,5 triệu USD mua một chương trình hay việc mạnh dạn mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy.

Phó thủ tướng cho hay, những khó khăn, không hợp lý của khối các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhất định phải tháo gỡ. Tinh thần chung phải thực hiện quán triệt công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ đến những chính sách vĩ mô. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các trường ngoài công lập cần cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo để làm câu trả lời cho dư luận; bởi lẽ các trường phải có trách nhiệm với tên tuổi, uy tín của mình trước khi đòi hỏi xã hội có trách nhiệm với mình.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT thì sự phát triển của hệ thống các trường ĐH và CĐ ngoài công lập không những đã hình thành mô hình mới về quản trị ĐH, mà còn góp phần hoàn thiện lý luận về quản lý và làm phong phú thực tiễn giáo dục ĐH Việt Nam. Dù chưa đạt được mức kỳ vọng là 50%, song tỷ lệ này sau hơn 20 năm hình thành và phát triển cũng khẳng định ít nhiều vị trí ổn định của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập ở nước ta hiện nay

Khánh An

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.