Giáo dục cất cánh

18:24 | 09/02/2014

1,308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013 là năm của những đổi mới căn bản, mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Vừa qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) đã được ban hành với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; trong đó, lộ trình biên soạn chương trình, SGK phổ thông cũng đang từng bước triển khai, đáp ứng kỳ vọng của đông đảo người dân và các chuyên gia giáo dục.

Năng lượng Mới số 294

Căn bản và toàn diện

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 khẳng định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học.

Về nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Sau khi cân nhắc toàn bộ khía cạnh của vấn đề, Đại hội XI quyết định tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện. Theo cá nhân tôi, nếu chúng ta tiến hành cuộc cải cách căn bản và toàn diện theo những nội dung đã triển khai của đề án được Trung ương thảo luận và thông qua thì nó không kém gì một cuộc cách mạng.

Đánh giá về sự thay đổi lần này, PGS.TS Trần Kiều nói: “Sự thay đổi trong giáo dục được phân định theo những thuật ngữ như cải tiến, đổi mới, canh tân, cải cách và cách mạng. Theo một số người, sự thay đổi tập trung vào tiêu chí về cường độ, thời gian, nội dung... Đối chiếu với nội dung 3 lần cải cách trước đây, kỳ này chúng ta gọi đổi mới căn bản và toàn diện cũng thực chất là cuộc cải cách”.

Cả xã hội đều kỳ vọng vào sự thay đổi căn bản và toàn diện của Bộ GD&ĐT

Theo Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2013-2015 việc đổi mới quản lý giáo dục đại học sẽ tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục giao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Đồng thời tập trung xây dựng các trường đại học trọng điểm, chất lượng cao và xây dựng một số chương trình giáo dục đại học đạt trình độ quốc tế, nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước và đầu tư xây dựng một số trường đại học xuất sắc, có đẳng cấp trong khu vực và quốc tế.

Mặc dù Bộ GD&ÐT cũng như các cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đổi mới quản lý, nhưng việc tìm ra “tiếng nói chung” trong phân cấp quản lý giáo dục đại học vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh với việc đào tạo ngành y. Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Ðào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi cho rằng, việc thẩm định về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của các trường ngành y để xác định chỉ tiêu đào tạo, mở ngành thì chỉ có Sở GD&ÐT các địa phương, thế nhưng Sở GD&ÐT thì không có chuyên môn về y tế. Trong khi ngành y mang tính đặc thù, việc đào tạo phải gắn với cơ sở y tế; nhân lực ra trường làm việc dù ở cơ sở thuộc Bộ Y tế hay không đều cần có sự quản lý về mặt chuyên môn. Vì vậy, trong quá trình thẩm định mở ngành nghề, cũng như chỉ tiêu tuyển sinh cần có sự tham gia của ngành y tế.

Bên cạnh đó, dù đã thực hiện phân cấp quản lý mạnh mẽ trong hệ thống các trường ĐH, CĐ; nhưng vẫn còn những hạn chế, sai sót, vi phạm quy chế chậm được phát hiện và xử lý, các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh hoặc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết và không đủ tính răn đe.

Cách thi và đánh giá

Năm 2013 cũng là năm đánh dấu sự đổi mới trong cách kiểm tra và đánh giá trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Mở đầu cho những cải cách là việc Bộ GD&ĐT cho phép mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Quyết định này được đưa ra sau “scandal quay cóp” tại Trường THPT DL Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang).

Trong thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ quy định rõ những vật dụng được mang vào phòng thi gồm: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Trước những băn khoăn của các hiệu trưởng, giám thị, phụ huynh và học sinh về việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Đây không phải là sáng kiến của Bộ mà là vấn đề thực tiễn đã phát sinh. Chúng ta có quy định cấm nhưng thí sinh vẫn mang vào, ghi hình, ghi âm và phát tán lên mạng, gây ra hậu quả lớn. Và sau này chúng ta cũng không xử lý thí sinh vi phạm. Nếu chúng ta không cho mang vào nhưng thí sinh vẫn mang vào, quay phim và phát tán thì chúng ta xử lý ra sao? Thay vì ở thế bị động, chúng ta nên giành thế chủ động và cho phép”.

Không chỉ thay đổi hình thức giám sát, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường lập phương án thi riêng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Các trường cứ lập phương án, nếu bảo đảm điều kiện chúng tôi sẽ phê duyệt để triển khai chứ không có chuyện tháo khoán, làm hỗn loạn công tác tuyển sinh. Ngay với các trường ngoài công lập, bộ cũng đã trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập, trường nào đủ điều kiện bộ sẽ phê duyệt”. Sở dĩ Bộ GD&ĐT đưa ra kiến nghị này là do kỳ thi 3 chung đã diễn ra được 10 năm và bộc lộ khá nhiều bất cập trong công tác tuyển sinh và cách kiểm tra, đánh giá.

Ngay sau đó, 4 trường ĐH thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã gửi phương án tuyển sinh riêng về Bộ GD&ĐT. Đó là các trường: ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Ngãi), ĐH Quang Trung (Bình Định), ĐH Yersin (Lâm Đồng) và ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc). Theo đó, các trường sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và sử dụng kết quả của kỳ thi 3 chung (chung đề thi, chung đợt thi và chung điểm) để xét tuyển đầu vào.

Ngoài ra, trong kỳ tuyển sinh năm 2013, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt cho 10 trường khối nghệ thuật được phép tuyển sinh riêng, gồm có Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP HCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trường cao đẳng Múa Việt Nam, Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Trong đó Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thuộc Bộ GD&ĐT, 9 trường còn lại trực thuộc Bộ VH-TT&DL.

Sau khi kỳ tuyển sinh 2013 kết thúc, đa phần các trường nghệ thuật đều cho rằng, số lượng thí sinh đăng ký dự thi được cải thiện rõ rệt so với mọi năm và chất lượng cũng cao hơn mọi năm.

Có thể nói, năm 2013 đánh dấu một năm nỗ lực đổi mới toàn diện nền giáo dục của Bộ GD&ĐT. Vẫn biết đổi mới là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải được thay đổi tư duy từ gốc rễ, vì vậy rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với ngành GD&ĐT. Để thực hiện thành công việc đổi mới đòi hỏi phải có sự quyết tâm và chung tay vào cuộc của toàn xã hội.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.