Nâng cao chất lượng giáo dục:

Đừng chỉ trông chờ vào tiềm năng

09:44 | 24/12/2013

1,139 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giáo dục Việt Nam vừa được "nâng tầm" với kết quả tại kỳ đánh giá PISA 2012; tuy nhiên Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố lại cho rằng, trong khối ASEAN, Việt Nam nằm ở nửa cuối Bảng xếp hạng đánh giá về phát triển nguồn nhân lực.

Hơn 50% phải đào tạo lại

Trong một báo cáo của ĐH Harvard (Mỹ) vào năm 2008 về việc đào tạo lại sinh viên sau khi ra trường ở Việt Nam đã nêu rõ: “Khi tập đoàn này kiểm tra đầu vào với 2.000 sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTT) cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại khu công nghệ cao TP.HCM, kết quả cuối cùng là chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ tiếng Anh để được tuyển. Intel xác nhận đây là kết quả tệ nhất tập đoàn này gặp phải trong tất cả các nước mà họ đầu tư vào”.

Theo Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) - tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên EuroCham về các vấn đề cụ thể trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2013 - các doanh nghiệp ngành CNTT ở Việt Nam hiện phải đầu tư rất lớn cho đào tạo kỹ năng nghề, tiếng Anh và kỹ năng mềm khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.

Phần lớn sinh viên Việt Nam phải đào tạo lại khi ra trường.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin - Truyền thông quốc gia, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

Tình hình cũng không sáng sủa gì hơn đối với một lĩnh vực quan trọng khác là du lịch và nhà hàng - khách sạn. Sách Trắng chỉ rõ: “Ngành du lịch hiện vẫn thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Phần lớn hoạt động đào tạo hiện nay đều do các trung tâm đào tạo triển khai”.

Bà Nicola Connolly, Phó chủ tịch EuroCham phụ trách lĩnh vực nguồn nhân lực và đào tạo, trích dẫn các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ các công ty nước ngoài khẳng định phải đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%. Các doanh nghiệp này cho biết chính việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là lý do lớn nhất họ không thể đầu tư tối đa ở Việt Nam hay tệ hơn nữa là chọn một thị trường khác trong khu vực.

Bà Connolly cho biết: “Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ và dồi dào nhưng tất cả các công ty nước ngoài lẫn trong nước đều phải mất trung bình 6 tháng - 1 năm để đào tạo lại từ đầu, về mọi phương diện bao gồm cả những kỹ năng mềm như hành vi ứng xử tại nơi làm việc, cho đội ngũ nhân viên mới”.

Không thể chỉ trông chờ vào tiềm năng

Trong Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014, Ngân hàng Thế giới cho rằng, giáo dục đã cung cấp cho phần lớn người lao động Việt Nam những kỹ năng cơ bản cần thiết đó là khả năng đọc, viết và tính toán với tỷ lệ cao hơn các nước giàu có hơn. Được chuẩn bị một nền tảng khá tốt, lẽ ra, sau khi học xong trung học cơ sở, vào THPT, các em phải được chọn một nghề hoặc một hướng đi cho tương lai.

Song thực tế là, với việc xác định chưa đúng mục tiêu giáo dục, hầu hết học sinh THPT được học chương trình gần giống nhau, nội dung mang nhiều tính hàn lâm, trong khi những điều cần cho cuộc sống sau khi rời ghế trường phổ thông lại không được học. Kết quả, mỗi năm, có hàng trăm nghìn học sinh không vào được đại học, bắt đầu học nghề ở tuổi 18. Đây là sự lãng phí rất lớn về công sức và thời gian, bởi sau khi trải qua một kỳ thi căng thẳng không chỉ đối với mỗi thí sinh và cả toàn xã hội, vào đại học, sinh viên chỉ được học những thứ nhà trường có sẵn, nhiều khi không phải là thứ xã hội cần. 
Trong những năm gần đây, một trong những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục đại học ở nước ta là đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội, trong đó đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp.

Đã có một giai đoạn dài, tình trạng phổ biến là nhà trường đơn phương đào tạo, còn doanh nghiệp đứng ngoài cuộc; tuyển chọn những sản phẩm đào tạo có sẵn và phê phán nhà trường đào tạo không sát với nhu cầu. Các cơ sở giáo dục và trường đại học thường đưa ra những chương trình đào tạo mà sinh viên ra trường với những kỹ năng không phản ánh đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động, bởi nhà trường không có thông tin đầy đủ về nhu cầu đối với kỹ năng từ người sử dụng lao động, các điều kiện của thị trường lao động…

Mặc dù đạt thành tích khá cao tại PISA, nhưng nguồn nhân lực ở Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao.

Với thực trạng giáo dục THPT và đào tạo đại học như vậy, không lạ khi Sách Trắng - tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam - khẳng định, các công ty nước ngoài phải đào tạo lại từ 40% đến 50% đội ngũ nhân lực nội địa. Còn Ngân hàng Thế giới, dù cho rằng, giáo dục đóng vai trò quan trọng vào thành công của Việt Nam trong 20 năm qua, mặc dù thành tựu về biết đọc, viết và tính toán của lao động Việt Nam rất ấn tượng nhưng đáng buồn là họ không có kỹ năng phù hợp đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động.

Đã đến lúc, chúng ta không thể chỉ dựa vào tiềm năng là nguồn nhân lực dồi dào, vì dù quy mô lực lượng lao động vẫn tăng nhưng dân số trẻ đang giảm. Sự thiếu hụt người lao động có kỹ năng cũng cho thấy nền kinh tế đất nước phát triển năng động, tạo ra những việc làm mới, đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Nhưng nó cũng cho thấy một thực tế, hệ thống giáo dục và đào tạo không đủ năng động để thích nghi nhanh chóng với đòi hỏi mới.

Khánh An