Đổi mới thi cử để tránh lãng phí

07:00 | 04/12/2013

799 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tới đây, ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều chương trình để những tư tưởng chỉ đạo, nội dung của Nghị quyết thành hiện thực, đồng thời xác định khâu đột phá nhất là đổi mới kiểm tra, đánh giá thi cử.

Năng lượng Mới số 279

Đổi mới thi cử là khâu đột phá

Đây luôn là vấn đề thời sự được cả xã hội quan tâm, học sinh và phụ huynh hằng năm luôn trông chờ vào một kỳ thi mà theo đó con em họ không phải mệt mỏi, lo lắng, áp lực, nhưng để có một kỳ thi nhẹ nhàng, gọn nhẹ, ít tốn kém không hề đơn giản. GS Hoàng Tụy nhận định, giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay đang có nhiều bất cập. Học sinh học hết 12 năm học nếu không thi đỗ vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thì gần như không có “lối rẽ” để các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Thực tế hiện nay là hằng năm chỉ có 1/3 đến 2/5 học sinh là thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Số còn lại là không thi đỗ thì loanh quanh trong vòng xoáy đợi sang năm thi tiếp hoặc tìm trường học nghề. Thế nhưng, sau vài ba năm ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể xin được việc làm vì không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Học viên tốt nghiệp các trường nghề không đảm bảo được các kỹ năng, tay nghề so với công việc thực tế.

Hằng năm, có hàng triệu thanh niên đã học hết 12 năm học nhưng chỉ làm được những công việc giản đơn. Hiện không có một nước nào trên thế giới diễn ra tình trạng như vậy. Đây là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực và nhân lực cho đất nước. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài thì nó như “quả bom nổ chậm” ảnh hưởng đến tư duy, lối sống của cả một thế hệ thanh niên trong tương lai.

Cách thi và đánh giá chất lượng học sinh thông qua 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang được coi là nặng nề và thiếu thực tế

Để có được nguồn nhân lực đạt trình độ và tay nghề đạt chất lượng, Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nhấn mạnh lấy việc đổi mới thi cử làm khâu đột phá, đặc biệt là ở cấp THPT. Hiện nay, mỗi năm chúng ta phải mất tới hàng trăm tỉ đồng trích từ ngân sách Nhà nước và chi phí từ mỗi gia đình để lo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, kết quả kỳ thi lại không đánh giá thực chất quá trình giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Ngoài ra, thời gian thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ lại rất gần nhau nên rất mệt mỏi cho học sinh.

Bộ GD&ĐT mà trực tiếp là Ban Soạn thảo chương trình đổi mới sau 2015 đã có những định hướng đề xuất đổi mới thi ĐH, CĐ, công nhận tốt nghiệp THPT trong thời gian tới. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, sau 2015 các kỳ thi đánh giá học sinh sẽ cố gắng hướng tới mục tiêu gọn nhẹ, đơn giản và ít tốn kém.

Xét trong bối cảnh của đất nước hiện nay thì việc đổi mới công tác thi, công nhận tốt nghiệp THPT sau 2015 sẽ tập trung vào những mục tiêu: đề thi không chỉ tập trung vào việc xem học sinh học cái gì, mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không, thực hiện đánh giá theo chuẩn năng lực. Định hướng này buộc đề thi không chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo.

Về việc coi khâu kiểm tra, đánh giá thi cử trong nhà trường là một trong những khâu đột phá có ý nghĩa quan trọng, then chốt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận lý giải: “Cũng giống như trong trận chiến quyết định để thống nhất đất nước, mục tiêu của chúng ta là phải tiến vào Sài Gòn, nhưng khâu đột phá lại là Buôn Ma Thuột. Chúng tôi tiếp thu tinh thần, kinh nghiệm của cha ông, chọn khâu đột phá, khâu xung yếu - chưa phải là khâu kết thúc, nhưng có giá trị lan tỏa và triển khai có thể chắc thắng”.

Việc thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp đánh giá trong cả quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, với việc đánh giá kết quả học tập, học xong tới đâu kiểm tra tới đó. Đối với kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.

Trong thực tế giáo dục, có thể thấy khâu thi cử không đòi hỏi nhiều điều kiện về tài chính, đầu tư nhân lực hay cơ sở vật chất, nhưng lại có ý nghĩa có thể xoay chuyển từng bước việc dạy - học và thay đổi cả nhận thức, tư duy của thầy và trò. Vì vậy, Bộ GD&ĐT xác định đổi mới kiểm tra đánh giá và thi cử trong nhà trường là khâu đột phá quan trọng nhất trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương.

Xóa bỏ nền giáo dục ứng thí

Xuất phát từ định hướng đánh giá năng lực của học sinh từ phổ thông, việc đánh giá thi cử như hiện nay sẽ trở nên lỗi thời và không kiểm tra được đúng năng lực người học. Do vậy khâu kiểm tra, đánh giá được Bộ GD&ĐT rất quan tâm trong kỳ đổi mới lần này.

Nói về việc này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, dứt khoát kỳ tới phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá người học, giữa bậc phổ thông và ĐH phải gắn bó với nhau, do đó việc sử dụng kết quả thi đánh giá ở phổ thông phải là một căn cứ cho các trường ĐH để xem xét và tuyển chọn. Còn việc các trường ĐH sẽ thi tuyển, xét tuyển hay căn cứ vào tiêu chí nào thì các trường sẽ được tự chủ theo Luật Giáo dục đại học. Trong thời gian tới khi tiến hành công cuộc đổi mới giáo dục, đổi mới cách thi và đánh giá thì không phải chỉ giáo viên đánh giá học sinh mà học sinh tự đánh giá nhau, học sinh sẽ được phép có ý kiến về sự đánh giá của thầy cô giáo, đòi hỏi phải công khai, dân chủ và trong môi trường công khai và dân chủ thì ít chỗ cho sự dối trá và lừa lọc.

Điểm mới nhất trong lần đổi mới kỳ này theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là khi tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường có thể tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận thi tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra thi thêm một vài môn theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo của mỗi trường. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới, việc đổi mới sẽ khắc phục được những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện nay. Kiểm tra đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn, giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một kỳ thi, tác động tích cực trở lại việc dạy và học. Ban Chỉ đạo đổi mới cũng thừa nhận, ở giáo dục phổ thông nước ta, khoa học đánh giá còn lạc hậu, trình độ tổ chức đánh giá và quản lý, sử dụng kết quả còn thấp, năng lực giáo viên và cán bộ nghiên cứu về đánh giá còn hạn chế. Thói quen và tâm lý ứng thí, trọng bằng cấp còn nặng nề.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015, đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT là việc làm cần thiết đối với sự nghiệp giáo dục. Ông khẳng định: “Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp đánh giá quá trình và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh)”.

Tuy nhiên, trước quyết tâm của lãnh đạo Bộ và toàn ngành GD&ĐT, PGS.TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng lưu ý: “Bộ trưởng có nói nền giáo dục của chúng ta vẫn là nền giáo dục ứng thí, hiểu theo nghĩa đi học, cố gắng học tập để vượt qua các kỳ thi, vì vậy những tâm lí ấy, quan niệm đó để lại những di họa rất lớn trong tất cả hoạt động học tập, thi cử. Do đó nếu không có sự đồng tâm nhất trí, hưởng ứng của toàn xã hội để giải quyết được đòi hỏi của đổi mới căn bản toàn diện lần này chứ không phải là thi cử thì rất khó thành công”.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.