"Để trường học yếu kém - hiệu trưởng nên thôi chức"

10:51 | 20/09/2013

849 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu: Hiệu trưởng phải là người đầu tiên giải quyếtcác vấn đề khiếu nại, tố cáo, nếu làm sai phải thẳng thắn thừa nhận và sửa chữa.

Thanh tra phải làm cho giáo dục tốt lên

Sáng 19/9, ngành giáo dục Thủ đô tổ chức hội nghị tổng kết và triển khai công tác thanh tra năm học 2013-2014. Ông Lê Ngọc Quang - Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học vừa qua, Hà Nội đã nhận và giải quyết được hơn 232 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều bất cập như xử lí sau thanh tra ở nhiều nơi còn chậm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ thanh tra chưa cao.

Ông Quang cho biết: "Mới đây hiệu phó trường THPT dân lập Phương Nam bị bắt tạm giam do sai phạm về tài chính. Để không xảy ra trường hợp tương tự, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, Sở sẽ sớm thanh tra tất cả các trường học. Nơi nào chưa đủ điều kiện thực hiện chuyên môn, sẽ không giao chỉ tiêu hoặc xem xét cấp phép hoạt động".

Ông Lê Ngọc Quang - Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thừa nhận, đội ngũ thanh tra ở một số nơi còn nể nang, chủ quan. "Thanh tra phải như cái phanh, không phải làm cho xe chậm lại mà để cho người điều khiển thấy yên tâm hơn. Thanh tra phải làm cho giáo dục tốt lên, làm cho dân tin hơn", người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô nói.

Trong năm học 2013-2014, Sở sẽ coi nhiệm vụ thanh tra là trọng tâm, phải thực hiện 3 việc bao gồm: Lĩnh vực hành chính (quản lý nhà nước), thanh tra chuyên môn, chuyên ngành từ bậc học mầm non và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Sở cũng đã có các văn bản cụ thể quy định rõ các khoản thu hộ, thu thỏa thuận và thu tự nguyện. Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: “Nếu khoản thu tự nguyện mà công khai minh bạch thì sẽ được người dân ủng hộ. Chúng tôi khuyến khích các đơn vị, cá nhân tố cáo các khoản thu chi sai. Sở sẽ bảo vệ quyền lợi cho người tố cáo và không công khai danh tính”.

Theo ông, khi giải quyết các vấn đề tố cáo, hiệu trưởng phải là người đầu tiên giải quyết. Dân khiếu kiện là vì chưa hiểu luật hoặc bị oan, vậy nên người đứng đầu cơ sở giáo dục phải trực tiếp đối mặt, làm cho dân hiểu hoặc giải oan cho họ. Nếu làm sai phải thẳng thắn thừa nhận và sửa chữa.

Về ngân sách chi cho giáo dục, ngành đã tham mưu với UBND thành phố đảm bảo mức chi ngân sách tốt. Vị Giám đốc Sở khẳng định, ngân sách nhà nước đã dành khoản đầu tư tương đối thỏa đáng cho giáo dục. Tuy nhiên, Hà Nội mong muốn tạo ra sự khác biệt trong giáo dục, nhiều trường muốn thu thêm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.

Việc 5 hiệu trưởng từ chức: Cần khuyến khích

Khi được hỏi về việc 5 hiệu trưởng xin từ chức ở quận Hà Đông, GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình của quận ủy Hà Đông đã xây dựng, UBND quận Hà Đông đã triển khai. Đây là việc làm tốt, cần khuyến khích.

Nếu hiệu trưởng, hiệu phó yếu kém về năng lực quản lý khiến chất lượng giáo dục của trường yếu kém, nội bộ giáo viên mất đoàn kết, nếu kéo dài 2 năm liên tục thì hiệu trưởng và hiệu phó nên thôi giữ chức vụ, chuyển sang làm việc khác để người có năng lực làm”.

Một trong những điều được dư luận quan tâm là sự biến chuyển về chất lượng giáo dục cũng như cách thức giải quyết những vấn đề có thể phát sinh khi miễn nhiệm cán bộ quản lý ở trường học chưa phải là hình thức phổ biến.

Việc 5 Hiệu trưởng xin từ chức đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

 

Câu chuyện từ chức của các hiệu trưởng nhận được nhiều ý kiến đồng tình "là một nét văn hóa từ chức đẹp", cần "phổ cập". Tuy nhiên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông lựa chọn cách im lặng, cũng như từ chối tiết lộ danh sách các hiệu trưởng  vì cho rằng: "Việc nhiều người săm soi như vậy vô hình trung tạo nên áp lực tâm lý không cần thiết".

Một số hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn Hà Nội khi được hỏi cũng chia sẻ những áp lực khi đứng trên cương vị lãnh đạo cao nhất của một trường. Phần đông hiệu trưởng gặp vướng mắc hiện nay không phải do hoạt động chuyên môn mà đều do chuyện tài chính.

Tuy nhiên, là hiệu trưởng phải biết đương đầu với khó khăn để tìm ra sự đổi mới, thúc đẩy giáo dục đi lên. Muốn làm được như vậy đòi hỏi hiệu trưởng phải thực sự là người có tâm, có tầm, có tài.

Trước "điều khó nói" của Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông, Giám đốc sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lại cho rằng: "Đây là việc làm cần khuyến khích và cũng không cần giấu tên tuổi các hiệu trưởng".

Khánh An