Để trẻ sống có trách nhiệm

10:00 | 04/08/2013

1,499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày nay nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, kể cả kêu ca rằng, sao con trẻ ngày càng ít giao lưu, nói chuyện với cha mẹ, người thân mà chỉ chăm chăm vào cái Ipad, Iphone… Chúng đắm chìm trong thế giới ảo và tôn sùng chính mình mà quên mất trách nhiệm đối với mọi người. Đây là căn bệnh của thiểu số giới trẻ hay của đa số trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Vậy làm sao để trẻ bồi dưỡng thói quen sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng từ bé là vấn đề khá đau đầu của nhiều bậc phụ huynh.

Thanh Thanh (NLM số 244)

Thế hệ của “cái tôi”

Câu chuyện làm thế nào để giới trẻ ngày nay sống có trách nhiệm hơn với gia đình và cộng đồng có lẽ không còn là chuyện của riêng ai. Cách đây không lâu có một bạn trẻ đã thổ lộ rằng:

“Công nghệ giúp chúng tôi thể hiện chính mình, trở thành trung tâm nhận thức, được thừa nhận, được đông đảo theo dõi, được tán thưởng, được “like”. Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên vì sao chúng tôi chìm đắm trong Internet.

Thế rồi một hôm... Tôi quyết định tạm khóa Facebook nhằm cố gắng tập trung vào thi cử vì việc suốt ngày chia sẻ và theo dõi mọi người đã ngốn quá nhiều thời gian. Và tôi ngộ ra nhiều điều. Rằng lâu nay cha mẹ biết về mình còn ít hơn bạn bè, dù rằng sống chung nhà. Rằng lâu nay em trai cũng chẳng trò chuyện gì với tôi vì đã có nút chia sẻ trên mạng. Lâu nay có hàng đống sách tôi mua mà lần lữa mãi chưa đọc, vì nghĩ trên mạng còn bao nhiêu thông tin hay ho.

Không nên để trẻ đắm chìm trong thế giới ảo

Rồi tự dưng thấy mình đáng thương, cả bạn bè tôi nữa, đáng thương quá chừng. Vì thật ra tụi tôi giống nhau nhiều đấy chứ, giống từ cách thể hiện, cách tiêu dùng, mua sắm, cách đánh giá đẹp hay xấu, tốt hay tồi, xịn hay dởm, yêu hay không yêu, cách thất vọng và phản ứng lại với đời... Chúng tôi, biết đâu, đã tự đồng hóa mình trong ảo tưởng về cái tôi và sự độc - đáo - thời - thượng. Vì nếu không có những giá trị đó, những thứ nhãn mác đặc sắc gắn lên thì chúng tôi sẽ bất an và tự ti đi bao nhiêu”.

Dường như bối cảnh thời đại đã tạo nên thế hệ như thế chăng. Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy chia sẻ rằng: “Có lần tôi tham gia công tác tư vấn tâm lý và hỏi các bậc phụ huynh. Các anh chị nói cho tôi biết có bao nhiêu anh chị cho con sử dụng điện thoại di động? Rất nhiều phụ huynh nói có. Trong các anh chị, có bao nhiêu đứa con có Ipad? Rất nhiều phụ huynh trả lời có. Vậy có bao nhiêu anh chị có con biết chơi game trong máy tính thì cũng rất nhiều phụ huynh nói có”. Qua đó thấy một thực tế rằng, trong cuộc sống hằng ngày thế giới ảo vô cùng hấp dẫn với trẻ, trong khi cha mẹ hay bà con họ hàng thì không hấp dẫn bằng? Vậy làm thế nào để trẻ không chỉ lấy thú vui từ công nghệ như vậy? Và quan trọng sống có trách nhiệm hơn bản thân mình và những người xung quanh.

Điều này có lẽ thuộc về cách nghĩ và thái độ ứng xử của chúng ta. Hẳn nhiều người từng rất cảm động trước một lá thư của bà mẹ gửi cho con trai 13 tuổi kèm món quà là cái Iphone. Bên cạnh cái Iphone, trong điều khoản sử dụng, người mẹ quy định đến giờ nào thì con nên tắt máy. Giờ cơm thì con phải ngồi ăn cùng cả nhà và phải tránh xa cái Iphone. Và người mẹ nhắn nhủ rằng: “Mẹ muốn con sống trong cuộc đời thật. Dùng Iphone để hỏi thăm người khác, để kết nối với người khác chứ không chìm đắm trong cái Iphone đó”.

Do đó trách nhiệm của người lớn là tạo một môi trường sống để trẻ phải biết suy nghĩ có trách nhiệm. Thêm nữa là trẻ phải biết lựa chọn thái độ sống có trách nhiệm với bản thân và người khác và cuối cùng là thực hiện những hành vi sống có trách nhiệm với chính mình và với người khác.

Cha mẹ phải là người sống có trách nhiệm

Muốn trẻ sống có trách nhiệm, suy nghĩ có trách nhiệm thì có lẽ trước hết các bậc cha mẹ cũng phải là những người suy nghĩ và sống có trách nhiệm. Nên cho trẻ hiểu rằng, trong cuộc sống, khi mình được hưởng quyền lợi thì phải sống có trách nhiệm với quyền lợi mà mình đã được hưởng. Ví như trước khi đi làm, mẹ bảo rằng, hôm nay con có thích ở nhà mát mẻ, sạch sẽ không. Trẻ nói thích thì tức thì ta nói rằng, nếu thích thì con phải dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa nhé. Như thế trẻ sẽ luôn cân đối được suy nghĩ và hành động của mình. Nói là vậy nhưng có lẽ tất cả các bậc phụ huynh đều cảm thấy rằng, dạy cho con suy nghĩ là khó nhất. Nhưng dù khó cũng phải dạy vì chúng ta không sống đời với trẻ, do đó từ nhỏ trẻ phải được dạy suy nghĩ đúng thì trẻ sẽ vận dụng nó suốt cuộc đời ngay những lúc không có cha mẹ bên cạnh.

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, dạy trẻ là một quá trình chứ không phải chỉ ở một giai đoạn mà quan trọng là người lớn phải biết cách dạy sao cho hợp lý, cách tốt nhất là phải chờ một cơ hội nào đó trong hoàn cảnh cụ thể để thổi nhẹ cái suy nghĩ có giá trị vào suy nghĩ của con. “Và trong các sự kiện diễn ra hằng ngày, sẽ có những đơn vị sống mà ta phải cùng con trải nghiệm, có những cái cha mẹ phải giúp con thay đổi suy nghĩ thì chất lượng cuộc sống sẽ thay đổi. Đặc biệt trong việc thay đổi suy nghĩ đó chúng ta phải dạy cho trẻ biết cách suy nghĩ về người khác. Suy nghĩ về cảm nhận của người khác” - Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh việc dạy cho con cách suy nghĩ đúng, thái độ ứng xử và hành động đúng thì cha mẹ cũng cần trang bị cho con những kỹ năng sống khác. Trước hằng hà sự kiện diễn ra hằng ngày, có người tốt - kẻ xấu; có người ngay - kẻ gian; có việc tốt - việc không tốt thì bản thân cha mẹ phải sẵn sàng để hướng dẫn con khi nào nói có và khi nào phải biết từ chối. Đó cũng là cách sống có trách nhiệm với chính mình và cũng là cách biết nhận diện cái ác, cái xấu, cái tiêu cực để biết cách tự vệ cho bản thân. Không những thế, khi đã hành động thì trẻ phải sẵn sàng chịu trách nhiệm trước hành động của bản thân mình.

Trong việc dạy trẻ sống có trách nhiệm thì việc cha mẹ làm gương cũng vô cùng quan trọng. Và trụ cột trong cuộc sống có trách nhiệm là mỗi chúng ta phải biến mình thành người mạnh mẽ, có trách nhiệm với chính mình trong suy nghĩ, thái độ và hành vi của chính mình. Từ đó mới tương tác với người khác và đôi lúc cũng sẵn lòng nói không chứ không phải lúc nào cũng sẵn lòng nói có. Rồi mỗi ngày chúng ta nên cho trẻ làm một việc tốt để chúng ta thừa nhận trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên tạo thói quen cho con từ những điều vô cùng giản đơn trong cuộc sống như không giẫm lên cỏ, nhặt rác bỏ vào thùng rác, nói lời cảm ơn với người khác, nói lời lịch sự với người khác… Từ những việc làm tốt đẹp đầy rẫy xung quanh thì chúng ta gieo vào hạt giống tâm hồn trẻ em rất nhiều điều tốt đẹp. Mà mỗi bậc cha mẹ phải tin rằng, những hạt giống tâm hồn đó sẽ nở hoa trên cuộc đời của các bé. Giúp các bé yêu đời hơn, yêu những người xung quanh mình hơn, yêu cuộc sống của mình hơn và quan trọng hơn là trẻ luôn biết mình là một người có giá trị trong cuộc đời.

Thanh Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.