Đề án đổi mới giáo dục:

“Con số 34.000 tỷ đồng chỉ là khái toán?”

08:02 | 16/04/2014

754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 15/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo quý 1-2014. Tâm điểm của phiên họp là con số trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục vừa được đưa ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua.

>> Gần 35.000 tỷ đồng cho đổi mới giáo dục

Hoang mang với con số 34.000 tỷ đồng

Trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4, trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: “Để thực hiện đề án này cần bao nhiêu tiền?”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng dự kiến đề án cải cách giáo dục sẽ cần khoảng 34.725 tỷ đồng và chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030. Trong đó bao gồm việc thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và gồm cả kinh phí tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa và chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất,thiết bị ở những trường còn thiếu.

Phát biểu này của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ngay lập tức nhận được sự băn khoăn, lo ngại của rất nhiều đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tôi lo nhất là tính khả thi của đề án, trong đó có hai việc lớn: một là nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; hai là cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để triển khai. Đến năm 2016 là bắt đầu rồi, tôi đề nghị các đồng chí cho biết là có làm được không? Đừng để đến lúc đó thực hiện không được lại đổ lỗi cho chất lượng đội ngũ không tốt, cơ sở vật chất không đáp ứng...”.

Liệu có cần đến hơn 34.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình, sách giáo khoa?

Ông nói thêm: “Các đồng chí toàn dùng khẩu hiệu... Các đồng chí mới nói được là chương trình, sách giáo khoa phải đổi mới. Nói vậy thì đúng rồi. Nhưng vấn đề là đổi mới thế nào, phải thế nào để đáp ứng mục tiêu đó thì tôi không thấy rõ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ “lo lắng về tính khả thi bởi nghị quyết thiếu những vấn đề cụ thể, mà chỉ nặng tính định hướng. Ví dụ chúng ta dành 20% chi ngân sách cho giáo dục, bây giờ dành tiền làm sách giáo khoa thì sẽ ảnh hưởng gì đến những việc khác”. Ông Giàu nêu mục tiêu nghị quyết trung ương đặt ra là năm 2030 nền giáo dục VN đạt trình độ tiên tiến khu vực, tức là chỉ còn 15-16 năm nữa.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh: “Quốc hội nếu ban hành nghị quyết thế này thì chỉ trích yếu một phần nghị quyết của trung ương, vì nghị quyết trung ương đã khá toàn diện. Vậy trong này cái gì là cái mới? Từ năm 2000 đến nay tranh luận rất nhiều về sách giáo khoa, về chương trình. Vậy đến nay kết luận được những gì, đột phá là những gì? Tôi thấy hoang mang”.

Giải thích hay chỉ ngụy biện?

Trong buổi họp chiều 15/4, Bộ GD-ĐT đã đưa ra mức kinh phí trên 34.000 tỷ đồng để thực hiện đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông, chưa kể đầu tư cho cơ sở vật chất. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều thiết bị được đầu tư vẫn đang nằm kho, không sử dụng, rất lãng phí.

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông, cho rằng về con số 34.000 tỷ đồng, đó chỉ là khái toán, vì đề án cần có hình dung về kinh phí để thực hiện.

Ông cho biết: “Đó chỉ là con số ban đầu, tạm hình dung, còn phải trải qua nhiều công đoạn thẩm tra, thẩm định của Bộ Tài chính, của Quốc hội. Vẫn còn phải hoàn thiện đề án và trải qua thẩm định nữa. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến nhiều chiều để  hoàn thiện đề án”.

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi, liệu Bộ đã khảo sát chi phí đầu tư cho lần đổi mới chương trình-SGK hiện hành để có cơ sở so sánh cho lần đổi mới lần này chưa. Ông Thống cho biết, Bộ đã tiến hành đánh giá, khảo sát, rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có. Lần đổi mới này quan điểm là tận dụng cơ sở vật chất cũ, hoàn thiện thêm các phòng học đạt chuẩn.

Ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, thường trực Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông.

Ông nhấn mạnh: “Đổi mới lần này không phải là đổi mới nội dung, quan trọng nhất là đổi mới cách dạy và cách học để hình thành năng lực học sinh. Vì vậy, đổi mới lần này sẽ không quá tốn kém về xây dựng cơ sở vật chất, vì tận dụng nhiều, chủ yếu là ứng dụng CNTT.

Ngoài ra, Đề án đổi mới chương trình-SGK phổ thông lần này có gì mới so với hiện hành? Cốt lõi của đổi mới lần này là thay đổi cách dạy và học hiện nay, thay vì đọc-chép như cũ sẽ phải tăng thực hành, tăng rèn luyện kỹ năng. Đổi mới giáo dục phổ thông sẽ theo hướng tích hợp và phân hóa”.

Về ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục về việc để làm chương trình-SGK phổ thông không cần tới số tiền trên 34.000 tỷ đồng, khi mà chúng ta có thể tiếp thu nội dung SGK của nước ngoài với các môn khoa học tự nhiên, ông Đỗ Ngọc Thống cho rằng, hội nhập giáo dục là tất yếu, nhưng phải bê nguyên xi mà phải phù hợp với mặt bằng trình độ của học sinh Việt Nam. Vì vậy, khi làm chương trình-SGK, ban soạn thảo cũng đã tính đến, với hướng  xây dựng chương trình-SGK của Việt Nam nhưng có cập nhật, tham khảo nội dung của thế giới để phù hợp với học sinh Việt Nam.

Tuy nhiên, phần trả lời của ông Thống không nhận được sự hài lòng của báo chí, thậm chí bị đánh giá là ngụy biện, không thẳng thắn khi đi vào phản hồi những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông chia sẻ: “Đề án của chúng tôi viết sâu, còn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thì đòi hỏi sự cô đọng, súc tích vì thế phản ứng của các đại biểu Quốc hội là dễ hiểu, vì thế chúng ta cần phải xem cả đề án. Số tiền trên 34.000 tỷ đồng này không chỉ dành để làm chương trình-SGK, nếu chỉ làm chương trình-SGK thì không cần đến số tiền đó, mà chủ yếu để dành bồi dưỡng cho hàng triệu giáo viên trong cả chục năm trời. Đây chỉ là con số khái toán, là lần “bảo vệ thử”, để lắng nghe ý kiến, sau này sẽ “bảo vệ thật” tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5”.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng nhiều người “hiểu nhầm tên đề án”: “Chương trình-SGK chỉ độ 5.000 tỷ đồng, còn lại cho 7-8 mục khác mà tôi không nhớ. Không phải chúng tôi giấu gì mà chỉ là khái toán, rồi sau này phải qua nhiều lần thẩm tra. Nói con số  chính xác là rất khó trong bối cảnh hiện nay, vì cuộc sống biến động không ngừng, trong khi thời gian làm đề án rất dài”.

Trả lời câu hỏi Bộ GD-ĐT bình luận gì về một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đề án của Bộ GD-ĐT sơ sài, ông Thống giải thích: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đánh giá đề án sơ sài, mà chỉ nói riêng về bản báo cáo tác động của Bộ vì chỉ có 2,5 trang. Ngay sáng nay, 15/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã triệu tập Bộ GD-ĐT về vấn đề này. Tinh thần là cả Ủy ban và chúng tôi đều quyết tâm để tháng 5 đưa ra trình tại kỳ họp Quốc hội. Ủy ban đã yêu cầu bộ hoàn thiện đề án trên cơ sở các ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ”.

Ông cũng thông tin thêm, ngày 25/4, Ủy ban văn hóa, giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định đề án, nếu ổn thì sẽ trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 5.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.