Con đường nào thoát khỏi khủng hoảng giáo dục?

05:00 | 13/03/2014

1,494 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những yếu kém, bất cập và lạc hậu đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nền giáo dục quốc dân của chúng ta đã tồn tại từ nhiều năm nay ngày càng trầm trọng. Hậu quả của nó không chỉ là không đáp ứng được nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mà quan trọng hơn là góp phần làm suy yếu nền tảng văn hóa - đạo đức xã hội.

Năng lượng Mới số 303

Tuyển dụng theo nhu cầu xã hội

Tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã khẳng định: “Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức Nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. Câu nói quá thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận ngay lập tức đã được nhiều ý kiến tán đồng và lo lắng vì tình trạng này đang diễn ra ngày càng nhiều ở các cơ quan nhà nước. Cũng vì lẽ đó mà Bộ trưởng Luận đã “tha thiết đề nghị” Bộ Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện đề án về tuyển dụng công chức như một cách để đổi mới giáo dục.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng: “Nói về lý ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoàn toàn đúng nhưng tôi nghĩ nếu đặt lại câu hỏi, ai tạo ra bằng giả này. Các doanh nghiệp tư nhân không tạo ra bằng giả được cho nên chính các ông Nhà nước tạo ra bằng giả. Hiện nay, bằng thật học giả chui vào ngành giáo dục nhiều nhất. Ngành giáo dục hiện nay đang quy định nhiều về tiến sĩ, thạc sĩ nên làm giả rất nhiều như vụ việc tuyển sinh thạc sĩ ở Thanh Hóa vừa qua. Hiện nay đào tạo của ta chưa đi vào thực chất. Chính sách tuyển dụng cũng chưa thực chất còn nhiều bất cập, bên cạnh đó, việc sính bằng cấp mới tạo ra việc học giả, bằng thật”.

Chỉ có cải cách giáo dục toàn diện, triệt để mới "cứu" nền giáo dục khỏi khủng hoảng chất lượng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh tỏ ra lo ngại về thực tế xã hội hiện nay, khi mọi gia đình đều phấn đấu để con mình phải có bằng đại học. Theo Thứ trưởng, vấn đề là phải xác định cơ cấu công chức, cơ cấu nghề và bậc học trong mỗi cơ quan để sử dụng nhân lực cho phù hợp. Nếu không, xu hướng người người vào đại học vẫn tiếp tục. Ông nhận định: “Nhiều cơ quan Nhà nước còn phấn đấu đưa ra tiêu chí chỉ nhận bằng cấp trên đại học như thạc sĩ, tiến sĩ. Ta vẫn còn quá nặng về bằng cấp”.

Phân tích về tình trạng nền giáo dục hiện nay đang quá coi trọng bằng cấp mà bỏ qua nhu cầu xã hội, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng, tình trạng bằng thật - chất lượng giả cũng là nguyên nhân mà đào tạo không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.

Ông nhận định: “Mỗi năm có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra không có việc làm. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cần lao động nhưng không tuyển đủ, một số doanh nghiệp phải nhập khẩu lao động nước ngoài từ công nhân đến kỹ sư. Đó là nghịch lý. Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng này là cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo hiện nay rất mất cân đối. Có những ngành nghề thiếu nhân lực nhưng các trường lại không đào tạo mà lại đào tạo những ngành đã thừa nhân lực trong nhiều năm nay. Lý do chủ yếu là các trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung không biết được nhu cầu nhân lực các ngành nghề và trình độ để đào tạo cho phù hợp”.

Bắt đầu từ người thầy

Dù công nghệ giáo dục có phát triển đến đâu, dù cở sở vật chất có đầu tư nhiều bao nhiêu thì yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục vẫn là những người thầy giỏi. Tuy nhiên, ngành sư phạm hiện nay đang bị coi là một trong những ngành đào tạo “yếu thế” nhất, ít nhận được sự quan tâm của thí sinh nhất.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Hoàng Đức Minh cho biết, theo báo cáo của các địa phương khi xây dựng kế hoạch đội ngũ và quy hoạch mạng lưới trường lớp so với nhu cầu, hiện cả nước thiếu trên 27.000 giáo viên ở tất cả các cấp học. Bất cập thể hiện ở chỗ một số môn, một số vùng miền lại thừa giáo viên, trong khi hàng nghìn sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp. Thực trạng giáo viên thiếu thì thiếu mà thừa thì vẫn thừa diễn ra nhiều năm rồi.

Một sinh viên tốt nghiệp loại khá của Đại học Sư phạm Hà Nội thẳng thắn: “Giáo viên thiếu ai mà chẳng biết. Vấn đề là trưởng phòng giáo dục của các huyện nghĩ như thế nào. Dưới 50 triệu mà không có quan hệ thì cứ đợi đấy. Cải cách giáo dục có rất nhiều việc phải làm, nhưng ít khi chúng ta đề cập tới tham nhũng trong lĩnh vực này. Người ta nói: “Trưởng phòng giáo dục của một huyện là một ông vua”.

Theo GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm cho rằng: “Người ta vẫn hay nói ngoài đời rằng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, thật ra không phải lúc nào câu đó cũng đúng. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm tương đối khá. Thời kỳ hoàng kim trong tuyển sinh Trường đại học Sư phạm Hà Nội là giai đoạn 1997-2003, hồi ấy thí sinh phải đạt 27 điểm/3 môn mới đỗ vào Khoa Toán, 24-25 điểm vào Khoa Văn, các khoa khác cũng phải 22 điểm, tỷ lệ là 7-8 em chọi 1, thậm chí mười mấy em chọi 1.

Sau năm 2003, chất lượng đầu vào trường sư phạm đuối dần nhưng vẫn còn học sinh giỏi để tuyển, chỉ có điều những em xuất sắc nhất (như diện đoạt giải quốc gia, quốc tế) thì không vào sư phạm. Nhưng vài ba năm nay thì tuyển sinh vào ngành sư phạm còn nặng nề hơn cả câu “chuột chạy cùng sào”, nghĩa là đã phải tuyển nhóm “cùng sào” rồi mà cũng không đủ. Nếu cứ tiếp tục thế này sẽ là một vấn đề báo động cho chất lượng giáo dục phổ thông”.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề chất lượng giáo viên đang đi xuống. Theo kết quả điều tra mới nhất, một tỷ lệ khá lớn giáo viên phổ thông đang không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình hiện hành. Tới đây, chất lượng giáo viên mới vào nghề còn thấp hơn nữa vì phần lớn sinh viên đang học các trường sư phạm vốn chỉ là học sinh trung bình, phương pháp đào tạo lại quá lạc hậu.

Có một thực tế khiến ngành sư phạm không hấp dẫn thí sinh không chỉ là ở chính sách lương bổng quá thấp, cơ hội chuyển ngành thấp mà khi học ngành này, người ra trường “ế ẩm” hàng loạt. Hơn nữa, hệ thống các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm được nhận xét là đang khá “lôm côm”. Các mô hình đào tạo sản sinh ra từ những trường “ngoại đạo” có đào tạo sư phạm khiến cho năng lực nghiệp vụ sư phạm của giáo viên không được đảm bảo.

PGS Văn Như Cương cũng đồng tình: “Việc chất lượng đầu vào giảm là điều đáng báo động bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục và sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục là nền tảng của các ngành khoa học, nếu chỉ tuyển được những giáo viên có chất lượng không thật sự tốt, rõ ràng sẽ không có nền tảng tốt”.

Giáo dục đang khủng hoảng trầm trọng. Chỉ có cải cách giáo dục toàn diện, triệt để mới đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc sống, chứ không thể tiếp tục đổi mới liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, hao tiền tốn của, công sức mà rốt cục gần như quay về điểm xuất phát, với khó khăn, bế tắc kéo dài không dứt.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.