Các trường ngoài công lập: Năm học mới, học phí mới!

09:47 | 28/08/2012

3,260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Học phí luôn là nỗi ám ảnh với các thí sinh, đặc biệt với các trường ngoài công lập phải tự chủ về học phí. Năm nay, nhiều trường ngoài công lập tăng “ồ ạt” ở tất cả các cấp khiến học sinh và phụ huynh hoang mang.

“Tự chủ” nên được quyền tăng

Trong khi học phí của trường công (THCS: 15.000đ/tháng, THPT: 30.000đ/tháng) thì học phí của trường tư vốn cao, lại tăng giá theo từng năm.

Học phí các trường ngoài công lập bấy lâu nay luôn là đề tài nóng hổi của các bậc phụ huynh vì mức đóng góp cao ngất mà các trường này đưa ra. Tạm không đề cập tới vấn đề chất lượng giáo dục, chỉ riêng việc gần đây, học phí của hệ thống các trường ngoài công lập lại rục rịch “đẩy giá” khiến phụ huynh thêm một phen “toát mồ hôi”.

Những trường tăng mạnh nhất phải kể đến Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn. Năm nay mức học phí tăng lên đáng kể là 2,8 triệu đồng, trong khi năm học 2011-2012, học phí là 2,2 triệu đồng. Chi phí bữa ăn ở trường tăng đến 50%, từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng. Tính ra, chi phí cố định, bao gồm cả xe đưa đón học sinh, mỗi tháng phụ huynh có con học ở Lê Quý Đôn sẽ phải chi khoảng 5,5 – 6 triệu đồng.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, các bé vào lớp 1, phụ huynh cũng sẽ phải chi một khoảng tương tự từ 5,5 - 6 triệu đồng/ tháng/học sinh. Mặc dù đầu năm ngoái, mức học phí cao nhất là lớp quốc tế 2,6 triệu đồng /tháng. Đó là chưa kể đến tiền bán trú 800.000đ/tháng, ăn sáng 400.000đ/tháng, ô tô đưa đón học sinh 600.000 – 700.000đ/tháng và các khoản khác như tham quan dã ngoại, đồng phục… Riêng từ khối 2 trở lên, phụ huynh phải đóng góp thêm tiền hỗ trợ cơ sở vật chất từ 500.000đ đến 1 triệu đồng/năm.

Mức học phí của Trường THCS Nguyễn Siêu cho học sinh lớp 6 là 3,7 triệu đồng/tháng. Thêm đó, học sinh đóng lệ phí nhập học 2 triệu đồng/cấp học, tiền hỗ trợ đầu tư phát triển nhà trường: 1,5 triệu đồng/năm bên cạnh các khoản thu bán trú - dịch vụ khác.

Tương tự, tại Trường Tiểu học quốc tế Việt Úc, năm học 2010-2011, thông báo học phí một năm của trường là khoảng 55,4 triệu đồng, năm học 2011-2012 học phí tăng lên mức gần 62 triệu đồng. Năm học 2012-2013 này, học phí là 70 triệu đồng/năm học.

Ở bậc ĐH, so với bình quân mức học phí trường công khoảng 3 triệu đồng/năm học, thì chênh lệch học phí giữa trường công với trường tư khá cao. 

 

Học phí  của các trường dân lập khiến HS, SV choáng váng

 

Học phí của gần 20 trường ngoài công lập phía Bắc chia làm 3 nhóm chính. Nhóm thấp nhất nằm trong khoảng 400.000- 650.000 đồng/tháng cho học phí ĐH (khoảng 10 tháng/năm học). Nhóm thứ 2 có mức học phí dao động khá lớn, từ trên 650.000- 1,5 triệu đồng/tháng. Nhóm thứ 3 từ 1,5 triệu - 1,85 triệu/tháng. Trường ngoài công lập phía Bắc có mức học phí cao nhất là trường ĐH FPT.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tăng từ 8,4 triệu đồng lên 9 triệu đồng; ĐH Dân lập Phương Đông trong 3 năm gần đây từ 6,050-7,370 triệu đồng (năm 2010) lên 6,650-8,150 triệu đồng (năm 2011) và 6,75-8,25 triệu đồng (năm 2012).

Trường ĐH Thăng Long, trong 3 năm gần nhất, mỗi năm tăng từ 1-2 triệu. Cụ thể,  học phí các ngành kế toán, tài chính- ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản lý bệnh viện, y tế công cộng, công tác xã hội, Việt Nam học có mức học phí là 18 triệu đồng/năm. Các ngành toán ứng dụng, khoa học máy tính, truyền thông và mạng máy tính, hệ thống thông tin quản lý, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Trung Quốc ở mức 18,5 triệu đồng/năm. Ngành điều dưỡng có mức 18,5 triệu đồng/năm.

Tăng học phí do “trượt giá”

Học sinh, sinh viên ở các trường công lập có đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất ổn định, lại được hỗ trợ đến 70% chi phí đào tạo. Trong khi đó, các trường ngoài công lập phải tự lo mọi thứ nên có thể thông cảm cho gánh nặng của nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Hiện tượng “thổi” học phí hàng năm không chỉ diễn ra ở 1, 2 cơ sở đào tạo mà đã trở thành truyền thống của nhiều trường ngoài công lập. Lý do các cơ sở đào tạo này đưa ra để giải thích việc tăng học phí là do “trượt giá”, do “lạm phát”… Thế nhưng học phí cứ tăng theo năm, tăng theo mùa nhưng chất lượng giáo dục liệu có tăng tương ứng?

Theo kết quả kiểm tra hệ thống trường ngoài công lập của Sở GD-ĐT vào tháng Tư năm nay, TP.HCM còn chín trường không có phòng thí nghiệm, 10 trường dùng phòng thí nghiệm chung giữa các bộ môn, không trường nào có phòng cho bộ môn công nghệ, ba trường không có thư viện…

Cách đây chưa lâu, Bộ GD-ĐT đã có cuộc kiểm tra hơn 20 trường ĐH-CĐ, thì tất cả các trường đều có sai phạm, trong đó, “tội” nặng nhất là không có cơ sở vật chất và thiếu giảng viên cơ hữu trầm trọng (có 10/24 trường có số giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn dưới 100 người).

Trong đó, Trường ĐH Hồng Bàng (TP.HCM) đã “lên quốc tế” nhưng nhiều SV của trường “than” trên các diễn đàn sinh viên, rằng trường chỉ có cánh cổng là hoành tráng; còn cơ sở giảng dạy nằm trong ngõ hẻm, thiếu thốn điều kiện để học tập, nghiên cứu đúng nghĩa…

Trong khi trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thu học phí bậc đại học trung bình 12,98 triệu/ năm và bậc cao đẳng là 11,78 triệu/ năm thì sinh viên trường này vẫn đang phải học theo kiểu “du mục” khắp chục cơ sở thuê mướn ở sâu trong hẻm. Cơ sở nào cũng nhỏ hẹp, thiếu thốn điều kiện học tập, nghiên cứu.

Thậm chí, trường ĐH Quốc tế Sài Gòn phải thuê tầng trệt của chung cư để làm nơi học tập cho sinh viên, trong khi mức học phí của trường này từ 42-49 triệu/ năm với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và 109-120 triệu/năm với chương trình dạy bằng tiếng Anh.

Khối các trường ngoài công lập không nằm trong phạm vi điều chỉnh học phí của UBND TP và Sở GD-ĐT. Các trường tự hạch toán kinh doanh và đưa ra mức thu dựa trên thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, họ sẵn sàng đóng học phí cao hơn các trường công lập để con em họ có điều kiện học tập tốt hơn nhưng không có nghĩa là cứ vào học rồi thì nhà trường được quyền tự ý tăng học phí vô tội vạ.

Dẫu biết rằng các cơ sở đào tạo ngoài công lập phải tự hạch toán, “tự bơi” nhưng phải có lộ trình tái đầu tư để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chứ không thể làm theo kiểu ăn xổi ở thì mãi được. Về phía người học và phụ huynh, trước khi quyết định nhập học, cần phải tìm hiểu thật kỹ xem mức học phí “khủng” mà mình bỏ ra liệu có tương xứng với chất lượng kiến thức mà mình nhận được không. 

Vương Tâm