Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

Bộ GD-ĐT đang đứng trước nhiều sức ép!

18:35 | 12/09/2013

573 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes)- Tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo luôn đặt ra và Bộ GD-ĐT luôn phải đứng trước sức ép”.

Chấm dứt tình trạng xin – cho nâng cấp hệ đào tạo

Trong Hội nghị tổng kết, đại diện các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tại 6 điểm cầu đều đã lần lượt nêu lên những vấn đề khó khăn trong việc đổi mới và quản lý giáo dục. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã giải đáp từng vấn đề cho các đại biểu.

Về vấn đề giải thể và nâng cấp trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Hệ thống các trường ĐH, CĐ hiện nay không ổn định”. Lý giải về quyết định không nâng cấp theo hồ sơ đề nghị của nhiều trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ ra việc nâng cấp ào ạt trong một thời gian dài đã khiến hệ thống giáo dục mất ổn định. Bộ trưởng khẳng định: “Trường trung cấp hoạt động với tâm trạng “náo nức” 3-5 năm nữa sẽ lên CĐ, CĐ lại tràn trề hi vọng 3-5 năm sau thành trường ĐH. Tâm thế “đứng núi này trông núi nọ” khiến nhiều trường trung cấp mạnh tự nguyện biến thành trường CĐ yếu, trường CĐ có chất lượng thì nhấp nhổm lên ĐH, sau đó là cố gắng đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ… gây ra tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh không thể để mất cân đối nhân lực.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thực tế trên đã dẫn đến tình trạng mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực, ngành nghề cho xã hội khiến ngành giáo dục khó kiểm soát chất lượng hoạt động của các trường. Các trường Trung cấp, CĐ, ĐH có nhiệm vụ, sứ mệnh, vinh quang và thách thức khác nhau.

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ không nhận hồ sơ xin nâng cấp hệ đào tạo của các trường để các trường phát huy đúng mục đích hoạt động, khả năng đào tạo của mình. Theo đó, trường Trung cấp (TC) sẽ đào tạo theo cách thức của trường TC. Các trường ĐH, CĐ sẽ đào tạo theo hình thức của trường ĐH, CĐ.

Bộ trưởng cho biết: “Nếu không, Bộ GD-ĐT sẽ mang nặng cơ chế xin - cho, mà đúng là xin - cho thật. Không thể để các trường vô tư đặt mục tiêu thành lập trường ĐH bắt nguồn từ việc thành lập một trường TC hay trường CĐ nghề được”. Tuy nhiên, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng cho biết, việc xin nâng cấp hệ đào tạo của trường học sẽ được Bộ GD-ĐT xem xét nếu nó đặt trong bối cảnh đòi hỏi khách quan của nhu cầu xã hội và từ phía các Bộ, ngành, địa phương.

Đối với những ý kiến phản ánh về tình trạng các trường CĐ hiện nay khó tuyển sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: “Vấn đề quan trọng nhất là phân luồng, làm sao để đưa thí sinh học nghề, sang học CĐ, để tạo lực lượng lao động ở các cấp độ khác nhau, chứ không phải học nghề rồi thi tiếp lên CĐ, tốt nghiệp CĐ rồi thi vào ĐH, thành ra đây là con đường vòng để vào ĐH. Mục đích là tạo cho các cháu học có một nghề ra trường đi làm, khi nào có điều kiện thuận lợi thì đi học tiếp. Do vậy, các trường CĐ không được lấy mục tiêu tuyển sinh khó khăn để kiến nghị thay đổi. Chúng ta phải nhìn sâu hơn không tuyển sinh được vì sao? Nếu học sinh vào trường TC, CĐ chỉ để vào học ĐH thì các trường này không thực hiện được sứ mệnh và chúng ta tiếp tục mất cân đối giữa thầy và thợ”.

Quyền hạn phải đi đôi với nghĩa vụ

Về đề nghị phân cấp mạnh hơn nữa cho các trường, Bộ trưởng cho biết, về tài chính Bộ GD-ĐT không thể phân cấp, không thể chủ động được vì vấn đề này thuộc Bộ Tài chính. Một số việc liên quan đến cán bộ công chức của các trường dân lập thì liên quan đến Bộ Nội vụ. Còn lại tất cả những việc gì Bộ GD-DT chủ động triển khai thì đã phân cấp hết. Nếu có vấn đề gì trong quản lý, các trường phát hiện, đề xuất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý: “Phân cấp quyền hạn, nghĩa vụ phải đi đôi với trách nhiệm”.

Về việc hỗ trợ các trường mới thành lập để đào tạo giáo viên, đây không chỉ ở các trường mới mà còn ở các trường lâu đời. Trước thực trạng cho thấy số lượng các giáo sư ở các trường, kể cả các trường có bề dày đều bị sụt giảm. Các giáo sư đầu đàn vẫn chưa lấp được khoảng trống thiếu hụt này.

Nhiều trường mới thành lập và các trường ngoài công lập còn gặp khó trong việc đưa giảng viên đi nước ngoài đào tạo theo Đề án 911 khó đào tạo trong ngoại ngữ. Vấn đề này Bộ trưởng Luận trao đổi, các trường cần chủ động vì bộ đã có chủ trương hỗ trợ tạo điều kiện vấn đề này.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành giáo dục cần đẩy mạnh phân cấp và tự chủ tuyển sinh.

Liên quan tới kiến nghị nên cho chuyển đổi tín chỉ giữa các trường với nhau, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, đây là việc nên khuyến khích và đề nghị Vụ giáo dục Đại học xem xét các văn bản, căn cứ luật pháp, pháp lý nếu đủ phải chủ động xây dựng ban hành và hướng dẫn cho các trường.

“Chúng ta đang có chủ trương phải công nhận lẫn nhau giữa các trường nước ngoài, bên trong chúng ta liên thông được thì rất đáng quý. Việc này có vai trò rất lớn của các hiệu trưởng, của Hội đồng khoa học các nhà trường” - Bộ trưởng chia sẻ.

Vấn đề khó khăn trong thu hút người tài vào sư phạm, Bộ trưởng cho biết bộ đã có chủ trương và đang rà soát, tính toán lại thực trạng mạng lưới đào tạo giáo viên các cấp trong cả nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận việc này tiến hành còn quá chậm so với mong đợi.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành giáo dục cần đẩy mạnh phân cấp, nổi bật là tự chủ tuyển sinh. Các trường cần xem xét mối quan hệ giữa tự chủ tuyển sinh của trường mình theo năng lực và nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học theo nhu cầu của xã hội. Các trường cần nhận đặt hàng của chủ tịch tỉnh, các Bộ về nội dung nghiên cứu khoa học. Đối với một số trường top trên, cần đẩy mạnh hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài, đồng thời phân tầng các trường ĐH.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.