Miễn thi tốt nghiệp cho 20% học sinh:

Bộ bảo miễn, Sở xin không

19:38 | 17/02/2014

1,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hầu hết đại diện các Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đều bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong việc thực hiện miễn thi 20% và tổ chức thi tự chọn.

Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam: "Miễn thi 20% để làm gì?"

Nếu miễn thi chuẩn bị cho không thi tôi đồng ý. Nhưng nếu miễn thi với phương châm tiết kiệm, gọn nhẹ thì không phù hợp.

Ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam.

Vì quy mô học sinh 12 của tỉnh ngày càng giảm. Mặt khác, miễn thi 20% không đủ độ lớn để tiết kiệm hội đồng coi thi. Từ năm 2012 chúng tôi có gần 70 hội đồng thi, 2013 là 56, dự kiến xấp xỉ 53-54 trong năm nay.

Tỉ lệ 20% cho từng trường không phù hợp. Tiêu chuẩn miễn thi cũng bất cập. Có sự mâu thuẫn kết quả học sinh miền núi và đồng bằng, tư thục và công lập...

Chúng tôi mất nhiều thời gian từ thành lập hội đồng xét miễn thi tốt nghiệp. Tôi đề nghị ngoài đối tượng miễn thi đã được ban hành, Bộ không nên miễn thi cho 20% học sinh từng tỉnh.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế: "Phải có khung cứng cho việc miễn thi"

Nhất trí đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29, nhưng lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp tự chọn hơi vội. Chúng ta tổ chức thi tự chọn, nhưng chưa dạy tự chọn. Mục tiêu hoàn thiện giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông (THCS, THPT) phân hóa. Phức tạp khi lớp học sẽ tổ chức việc dạy kỳ 2 của học sinh lớp 12 này. Cô giáo dạy Sử, nhưng học sinh nói không thi nên không học. Rồi chuyện chấm điểm, đánh giá kỳ này.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế.

Thi ngoại ngữ lâu nay là môn cứng, ta cũng đã/đang thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông đến 2020. Do đó, môn này ít nhất nên là môn tự chọn. Cố gắng giữ nó đi ngang hơn là trùng xuống khi chưa lên được. Nếu dừng lại sẽ kéo theo hiệu ứng xấu, cấp THPT học đi xuống ngay. Kể cả tiểu học cũng nhạy cảm khi thi gì, học nấy.

Về tỉ lệ 20%, có thể có miễn thi, nhưng Bộ nên có khung cứng, trong đó Bộ lường hết tình huống yếu tố điều kiện. Các Sở như vậy sẽ làm nghiêm túc hơn, tiết kiệm hơn. Bộ cũng giao các Sở cần làm nghiêm túc đánh giá, kiểm tra, nâng chất lượng học sinh.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa: "Cần khống chế tỉ lệ miễn thi không quá 20%"

Bộ nên có tiêu chí chung về miễn thi tốt nghiệp cho cả nước, trên tinh thần càng phải làm chặt hơn nữa. Chỉ học lực khá, hạnh kiểm khá 3 năm, rồi các em phải đạt học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh…mới được chọn. Làm vậy số lượng được miễn thi không bao giờ vượt quá 20%.

Tổ chức thi tốt nghiệp cần 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc, 2 tự chọn và có Ngoại ngữ. Nhiều năm qua ta đã tổ chức thi bắt buộc môn này, miền núi khó mới nên thay thế bằng môn khác. Nếu không có Ngoại ngữ bình đẳng thì việc học môn này sẽ khó nâng lên được.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa

Nếu cho thi tự chọn thì hầu hết các em sẽ chọn môn tự nhiên dẫn đến học lệch. Do đó, với hai môn tự chọn, Bộ nên bốc thăm.

Việc tổ chức thi tự chọn cũng sẽ khó khăn khi sao in đề. Trước chỉ 6 môn thi, nay có thể 8 môn. Trước một môn/buổi, nay hội đồng thi nhiều môn nên có thể nhầm lẫn khó tránh khỏi.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM: "Giao cho các Sở GD-ĐT địa phương rất khó"

Miễn thi tốt nghiệp cần cân nhắc khống chế tỉ lệ 20%, giao cho tỉnh, thành, địa phương là điều khó, ngay cả các trường trong tỉnh, thành phố cũng khó thực hiện.

Bộ nên cân nhắc đưa tiêu chuẩn miễn thi, ví dụ xếp loại học lực hạnh kiểm từ khá trở lên, cộng thêm các điều kiện giải văn hóa, khoa học kĩ thuật khác…

Việc tổ chức thi, thực hiện các môn thi 4 môn có thể đánh giá được và học sinh có quyền tự chọn cân nhắc. Nhưng hiện đang chưa có cập nhật đúng nguyên tắc vì học tự chọn mới thi tự chọn. TP HCM đề xuất cần thi bắt buộc. Ngoài các yếu tố hội nhập thì chọn nghề nghiệp gắn rất chặt với người học. Nếu các tỉnh chưa đủ điều kiện thì thi môn tự chọn thay thế. Tức là sẽ có 3 môn bắt buộc có Ngoại ngữ, 1 tự chọn.

Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang: "Miễn thi dễ nảy sinh tiêu cực"

Bộ GD-ĐT nên ban hành tiêu chí về miễn thi tốt nghiệp 20% cụ thể, có tính pháp lý toàn quốc. Nếu để các tỉnh tự xác định sẽ dễ xảy ra tiêu cực. Nếu đưa ra các tiêu chí không rõ ràng thì việc "làm ra điểm" ở dưới không khó.

Bà Vũ Thị Bích Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang

Kinh nghiệm ở Tuyên Quang khi tuyển dụng giáo viên đưa tiêu chí tuyển những em giỏi thì số lượng năm sau đã đội gấp hơn 8 lần năm trước (năm trước có 12 em giỏi thì năm sau có 100 em giỏi). Vì vậy, để tránh tiêu cực, cần có tiêu chí do Bộ ban hành.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định: “Bộ GD-ĐT không nên giao cho các địa phương tỉ lệ 20%”

Theo ông, bởi mỗi một địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, chất lượng giảng dạy, học tập khác nhau, nên Bộ không nên giao cứng cho các địa phương tỉ lệ 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định.

Ở các trường cũng có tỉ lệ học sinh khá, giỏi không giống nhau. Việc giao tỉ lệ cứng nhắc như thế này sẽ dẫn tới Sở GD-ĐT khó kiểm soát việc thực hiện chỉ tiêu ở các trường và vẫn có thể dẫn đến tiêu cực như thời kỳ đưa ra quy định học sinh giỏi được vào thẳng đại học.

Khánh An