Dự thảo thi tốt nghiệp trung học phổ thông:

87% đồng thuận, vẫn nhiều băn khoăn

17:33 | 07/02/2014

1,147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra dự thảo về việc thi tốt nghiệp từ 6 môn giảm xuống 4 môn, nhiều ý kiến đồng tình với phương án này vì cho rằng sẽ giúp các em giảm được áp lực học tập. Tuy nhiên vẫn có những băn khoăn của các chuyên gia giáo dục và phụ huynh học sinh trước thay đổi này.

Lo ngại gánh nặng tổ chức kỳ thi

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau hơn nửa tháng tổ chức lấy ý kiến góp ý về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), có hơn 87% số ý kiến ủng hộ phương án thi tốt nghiệp 4 môn (2 môn tự chọn, 2 môn bắt buộc).

Trước đó, tháng 1/2014, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo mới nhất về đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Trong dự thảo này có đưa ra 2 phương án thi tốt nghiệp. 

Cụ thể, phương án 1, thí sinh sẽ thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học. Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (tự nguyện) với đề thi theo chương trình 7 năm hiện hành để được cộng điểm khuyến khích. Phương án 2, thí sinh sẽ thi 5 môn, trong đó môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ thi bắt buộc, hai môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Nhiều ý kiến còn băn khoăn về số lượng các môn tự chọn và tỷ lệ miễn thi quá cao.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho biết thêm: Rất nhiều nhà giáo dục có uy tín đã tham gia đóng góp ý kiến và đều đồng tình với phương án 1. Những băn khoăn của những người tham gia đóng góp khi chọn phương án 1 thì phần lớn giống như các phương tiện truyền thông đã đăng tải. Chẳng hạn như là nên đưa môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn, cân nhắc tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp THPT…

Về phương án 2 môn tự chọn, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đánh giá sự điều chỉnh phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT là điều đáng mừng. Tuy nhiên, phương án 1 (thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn và khuyến khích thi môn ngoại ngữ) dù được Bộ GD-ĐT đánh giá cao nhưng thực chất thì học sinh vẫn phải thi đến 5 môn.

PGS Văn Như Cương đề xuất: Ngoài 2 môn bắt buộc thì 2 môn tự chọn nên gồm cả ngoại ngữ. Như vậy thì mới có thể giảm gánh nặng trong khâu tổ chức kỳ thi, học sinh cũng bớt căng thẳng khi phải học nhiều môn. 

Trong Hội nghị về GD-ĐT vùng 7 (gồm 5 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) vừa diễn ra tại Hà Nội, có khá nhiều ý kiến băn khoăn về quy định mỗi địa phương có 20% học sinh được miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như dự thảo của Bộ GD-ĐT.

Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất với việc giao tỷ lệ miễn thi 20% số học sinh lớp 12 cho các trường THPT (hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên) và cho rằng vấn đề cần quan tâm là phải nghiên cứu để đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm bảo đảm số học sinh được miễn thi là xứng đáng, thực chất, hạn chế được tiêu cực. Với 2 môn tự chọn, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng nên để cho địa phương quyết định. Nếu để HS tự chọn thì chắc chắn sẽ làm tăng thêm số buổi tổ chức thi, gây xáo trộn trong việc dạy và học.

Còn theo ý kiến của Sở GD-ĐT Hải Phòng, không nên quy định tỷ lệ miễn thi vì rất khó kiểm soát việc cho điểm và xếp loại HS tại các địa phương, dễ thổi bùng nỗi nghi ngại về chuyện "chạy" điểm, "chạy" loại học lực… Bên cạnh đó, ngoài 2 môn bắt buộc thì Bộ GD-ĐT nên lựa chọn ngẫu nhiên 2 trong số các môn còn lại và ra thông báo cụ thể vào cuối tháng 3 hằng năm như hiện nay. Việc để HS tự lựa chọn 2 môn là không nên, vì sẽ khiến công tác tổ chức kỳ thi tại các địa phương thêm phức tạp (từ khâu sắp xếp phòng thi đến sao in đề, tổ chức chấm…), dễ xảy ra sai sót và nhầm lẫn.

Đảm bảo tránh tiêu cực trong thi cử

Về việc đưa môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Bộ muốn đưa Ngoại ngữ thành môn khuyến khích để chỉ những em thực sự có năng lực mới dự thi. Không nên lo ngại có nhiều hay có ít học sinh đăng ký dự thi, điều cần quan tâm trước mắt là điều chỉnh cách thi làm sao cho điểm thi phản ánh đúng hơn năng lực sử dụng ngoại ngữ của thí sinh nếu các em dự thi, có như vậy thì việc thi mới có tác dụng tốt trở lại việc học”. 

Trước những ý kiến lo lắng về việc cho học sinh lựa chọn 2 môn dẫn đến khâu tổ chức thi khó khăn, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Đối với giáo viên phổ thông thì đây là điều mới nên thấy lo lắng còn với những trường ĐH thì lại thấy rất bình thường. Có nhiều cách giải quyết khâu này. Chẳng hạn như, trong Hội đồng thi xác định sự lựa chọn của HS sau đó lọc tách ra từng môn và đánh số báo danh sau đó xếp phòng thi”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh HIển cho rằng cách thi mới sẽ hạn chế được tiêu cực trong thi cử.

Về tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp 20%, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: “Bộ GD-ĐT sẽ quyết định sớm về chủ trương để thông báo cho các địa phương chủ động, trong khi Bô GD-ĐT vẫn sớm tiến hành xây dựng Thông tư để xin góp ý hoàn thiện các vấn đề cụ thể. Như vậy địa phương vẫn có thời gian để suy nghĩ xây dựng quy định miễn thi”.

Thứ trưởng cũng cho rằng, không nên lo lắng về phát sinh tiêu cực trong việc miễn thi. Việc chúng ta giao tỷ lệ học sinh được miễn thi tốt nghiệp cho các trường sẽ làm cho công tác đánh giá khách quan hơn. Nếu muốn xét được đúng thì bắt buộc việc đánh giá trong quá trình học phải đúng, nghĩa là phải xếp được anh hơn, anh kém. Chính điều này sẽ thúc đẩy việc kiểm tra đánh giá phải nghiêm túc. Điều này đồng nghĩa, nhà trường buộc phải chỉ đạo việc kiểm tra đánh giá chính xác bởi nếu không thì ngay trong nội bộ sẽ có thắc mắc. Như vậy vai trò giám sát của học sinh, phụ huynh, giáo viên của Hiệu trưởng nhà trường sẽ cao hơn.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các phương án miễn thi sẽ do các địa phương chủ động dựa trên hướng dẫn chung của Bộ, đó là hành lang pháp lí phải theo. Các Sở GD-ĐT gửi phương án để Bộ GD-ĐT giám sát, góp ý, Bộ không phải phê duyệt phương án cụ thể của từng địa phương.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.