“Giáo dục sớm” - sự cần thiết cho trẻ thơ

18:56 | 06/07/2013

1,657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Khoảng thời gian 0-6 tuổi của trẻ là giai đoạn tốt nhất để phát triển trí tuệ, nếu để lỡ giai đoạn này thì về sau có dành nhiều tâm huyết để dạy dỗ trẻ đến đâu thì thành quả thu được cũng rất ít, thậm chí là vô ích. Do đó, đừng bao giờ để con trẻ tự do vui chơi vô bổ trong những năm tháng đầu đời - GS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Phó chủ tịch kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) cho biết tại hội thảo “Cha mẹ và thiên tài” do Trường mầm non Trí Đức Athena vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hãy giáo dục bé khi chưa tròn 1 tuổi

Có lẽ, từ xưa đến nay nhiều bậc cha mẹ giáo dục trẻ nhỏ không tuân theo một quy chuẩn khoa học nào cả. Thậm chí, không ít người quan niệm rằng, chỉ nên dạy dỗ trẻ nhỏ khi trẻ đã biết đi, biết đọc, biết nói. Thế nhưng, những nghiên cứu khoa học trên thế giới hiện nay cho thấy việc giáo dục trẻ nhỏ ngay từ lúc mới sinh sẽ tạo điều kiện cho trẻ nhỏ phát triển toàn diện, hoàn thiện về nhiều mặt.

Theo GS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, vấn đề giáo dục trẻ ngay từ khi mới sinh ra và thậm chí từ khi còn trong bụng mẹ, mà khoa học gọi là thai giáo đã được cả thế giới quan tâm từ hàng chục năm nay. Thậm chí ở Việt Nam ta từ xưa đã có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Ở Liên Xô (cũ), nhà tâm lý học nổi tiếng Ivan Petrovich Pavlov đã nói: “Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất hai ngày”.

Các nhà khoa học nhận ra rằng, bé có khả năng tiềm ẩn học hỏi được mọi thứ ngay từ khi còn rất bé. Nếu các bé được học tập nhẹ nhàng từ khi mới chào đời đến năm 6 tuổi, về sau sẽ dễ dàng học những kiến thức khó một cách hoàn toàn thoải mái mà không cần nhiều nỗ lực. Người lớn coi việc học là một “cực hình” trong khi các bé coi đó là niềm vui. Người lớn học với tốc độ “ốc sên bò”, trong khi các bé học siêu tốc. Đôi khi người lớn ngại học, trong khi các bé thích học hỏi hơn thích ăn. Như vậy, mặc dù bé chưa nhận thức được đầy đủ về những hành vi mà chúng đang làm nhưng rõ ràng trong trí não của chúng phát triển, thông minh và ẩn chứa những khả năng kỳ diệu.

GS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh tại buổi hội thảo

Mỗi ngày chỉ cần dành vài phút đồng hồ giúp trẻ nhận biết mặt chữ và dạy trẻ học ngoại ngữ thì trẻ có thể dễ dàng nắm bắt. Thậm chí có những trẻ đặc biệt thông minh sau này học và sử dụng tốt vài ngoại ngữ khác nhau. Điều này không có gì là khó hiểu, là phi thường, chỉ cần được giáo dục đúng cách thì trẻ có thể làm được rất nhiều điều mà bậc cha mẹ không ngờ tới. Vấn đề là người lớn cần biết, cần học và cần áp dụng phương pháp giáo dục đúng cách, đúng thời điểm, lúc đó những hạt giống tốt tươi sẽ tự nảy mầm trong các em. Nếu biết cách yêu thương con trẻ, đặt “tình yêu giáo dục” lên trên tình yêu huyết thống thì những hạt giống đó sẽ phát triển và đạt được những kết quả mà chính chúng ta cũng không ngờ được. Những em nhỏ 3-4 tuổi đã biết nhận mặt chữ và học tiểu học, có khả năng sử dụng thành thạo 3-4 ngoại ngữ, có thể tính toán nhanh và có một khả năng tư duy nhạy bén. Tại sao lại có những em nhỏ “thần đồng” như vậy? Đó là do các em đã bắt đầu được giáo dục tố chất từ năm đầu tiên của cuộc đời, ngay từ khi chào đời đã được hấp thụ “ánh sáng của việc giáo dục sớm”.

Mục đích của giáo dục sớm là mang đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, được kích thích và rèn luyện một cách phù hợp, từ đó nâng cao tố chất cơ bản của con người. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản so  với giáo dục thông thường hiện nay. Đó là quá trình giáo dục kích thích chức năng của não bộ phát triển trong thời kỳ sinh trưởng của não, bồi dưỡng nền tảng tính cách của mỗi con người, nhằm mục đích khai thác tiềm năng lớn lao của con người ngay từ khi mới được sinh ra.

Phải để bé “tự do trong khuôn khổ”

Quan điểm truyền thống cho rằng, học tập là rất căng thẳng, mệt mỏi, phải rất tập trung, phải ngồi trên lớp nghe giảng, dạy và học phải có hệ thống. Cho nên trước khi bước vào lớp một, cha mẹ chỉ cần cho trẻ ăn no, ngủ đủ, khỏe mạnh và được vui chơi. Nhưng thực tế không phải như vậy, việc học tập của trẻ 0-6 tuổi chủ yếu được tiến hành thông qua tiếp xúc trực tiếp với môi trường và các trò chơi. Bản năng của trẻ là rất tò mò và ham tìm hiểu. Chỉ cần có cuộc sống phong phú, đa dạng là có thể tăng cường những điều mắt thấy tai nghe cho trẻ một cách hiệu quả, không nhất thiết phải dạy theo bài giảng một cách hệ thống.

Với chúng ta, khả năng trí tuệ của bộ não mới chỉ được khai thác 3-10%, bởi khả năng trí tuệ tiềm ẩn của chúng ta đã bị “lãng phí” vì không được vận động sớm và khai thác, sử dụng hết. Vì vậy, chỉ có một cuộc sống phong phú về thể lực và trí lực, đời sống tình cảm tốt và các hoạt động làm tăng ý chí mới có thể đem lại cho trẻ những năm tháng ấu thơ tươi vui và hạnh phúc, mới để lại trong chúng những thời khắc vàng của tuổi thơ. Do đó, đừng bao giờ để con trẻ tự do vui chơi vô bổ trong những năm tháng đầu đời.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nòi giống và đào tạo nhân tài cho đất nước, các chuyên gia hàng đầu của IPD đã dày công nghiên cứu, chắt lọc những điểm nổi trội từ các phương pháp giáo dục sớm của các chuyên gia giáo dục nổi tiếng thế giới như Montessori (Italia), Shichida (Nhật Bản), Glendo Man (Hoa Kỳ), Phùng Đức Toàn  (Trung Quốc), để cho ra đời một chương trình “Giáo dục sớm” cho trẻ 0-6 tuổi hoàn thiện về mọi phương diện, phù hợp với xã hội, nền giáo dục và trẻ em Việt Nam. Đó là một chương trình đặc biệt giúp phát triển trí não trẻ thơ không phải một cách ngẫu nhiên mà có chủ đích. Các bài học sẽ kích thích trực tiếp vào các giác quan của trẻ, sau đó chuyển thành khả năng đọc, hiểu và nhận thức.

Cũng tại hội thảo, IPD đã ký kết thực hiện chuyển giao về Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ 0-6 tuổi đầu tiên tại Việt Nam với Trường mầm non Athena. Chúng tôi tin tưởng rằng với những kiến thức đầy đủ của chương trình “Giáo dục sớm” cộng với nỗ lực không mệt mỏi cùng niềm yêu trẻ thơ hết mực, chương trình không chỉ dừng lại ở giáo dục toàn diện mà còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng tài năng vốn có của trẻ, đào tạo được những thế hệ nhân tài tương lai cho đất nước - GS.TS - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh chia sẻ.

Hà Long