Giải mã tai nạn xe khách gia tăng sau tết (Kỳ 1)

07:00 | 25/02/2014

1,100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 9 ngày tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tai nạn giao thông trên toàn quốc tuy có giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ 2013, nhưng sau tết lại xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn xe khách đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tạo tâm lý bất an và hoài nghi về vai trò của cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự gia tăng các vụ tai nạn giao thông...?

Năng lượng Mới số 298

“Đánh đu” với “tử thần”

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, từ ngày 7 đến 18/2, cả nước xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm 14 người chết và hơn 60 người bị thương. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra chủ yếu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Quốc lộ 1A đoạn qua miền Trung trong những ngày này được ví như một cung đường của thần chết, với những vụ đấu đầu thảm khốc khiến nhiều người thiệt mạng. Chỉ tính riêng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ngày 10/2 đã xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 3 người chết và 27 người bị thương trên tuyến đường tránh thành phố.

Điển hình, vào hồi 11 giờ 20 ngày 10/2, xe khách mang biển số TP Hồ Chí Minh do tài xế Phạm Tiến Sĩ điều khiển, khi đi đến tuyến đường tránh qua thành phố Huế đã va chạm với xe tải do Ma Đình Chi cầm lái chạy ngược chiều. Xe khách tông ngang sườn xe tải. Chủ xe khách là ông Lê Mạnh Khanh chết tại chỗ, 20 hành khách bị thương nặng. Tới 20 giờ cùng ngày, tại Km 799 Quốc lộ 1 thuộc thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại tiếp tục xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ôtô khách mang biển kiểm soát 47B-00575 và ôtô khách 29 chỗ biển kiểm soát 75K-4977 đang lưu thông cùng chiều. Hậu quả 1 người chết, 11 người bị thương.

Hình ảnh vụ tai nạn xe khách với xe tải xảy ra vào ngày 10/2 tại Quảng Bình

Các vụ tai nạn xe khách chủ yếu liên quan đến xe chạy đường dài và diễn ra vào ban đêm hoặc rạng sáng mà hậu quả của các vụ lật xe, xe lao xuống vực, đấu đầu xe này là rất thảm khốc. Đa số người đã đi xe khách đều thừa nhận, mỗi khi xe xuất bến chạy trên đường, lái xe vừa rồ ga, luồn lách vượt các xe tải, xe container đi cùng chiều. Nhiều đoạn đường hẹp, xe container không chịu nhường đường, hai lái xe cùng chạy song song nhau. Thậm chí, ở những đoạn đường gồ ghề, tài xế vẫn cho xe chạy tốc độ cao làm tất cả hành khách chỉ còn nước… nín thở cầu nguyện. Và trên thực tế, hầu hết các xe khách có hành trình dài trên 300km đều xuất bến vào lúc tối hoặc đêm. Mặc dù biết đi xe khách đêm là nguy hiểm, đặc biệt là đi trên những chiếc xe đua tốc độ, nhưng hầu như hành khách vẫn khoái đi đêm vì vừa tranh thủ ngủ, đỡ tắc đường, rút ngắn thời gian đi lại. Cả một lộ trình dài ngồi xe, ai không thấy mệt mỏi thì cũng cố gắng chợp mắt ngủ để quên bớt âu lo, mong sớm được đến nơi bình an vô sự.

Nhiều quan chức đầu ngành giao thông nhận định, các vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra hầu hết đều do lái xe chủ quan, chạy quá tốc độ cho phép, vượt sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, chạy quá số giờ quy định, quá giờ cầm vô lăng không nghỉ ngơi, dẫn đến căng thẳng và buồn ngủ gây tai nạn. Điều này càng cho thấy, những cuộc đua “tử thần” của xe khách trên đường là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Nói về các vụ tai nạn xe khách sau tết, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng: “Những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra có lỗi chủ quan của quản lý Nhà nước, của lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường và lỗi của nhà xe, doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, qua phân tích các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của xe gặp nạn cho thấy, thời điểm xảy ra chủ yếu vào khoảng 5-6 giờ sáng và một số vụ xảy ra vào giữa đêm. Các vụ tai nạn xảy ra do lái xe vi phạm quy tắc giao thông khi điều khiển phương tiện như đi sai làn đường, tránh vượt sai, chạy quá tốc độ quy định để tranh giành khách, chủ quan, mất tập trung khi điều khiển xe”.

Chứng minh cho thực tế hiện hữu từ lâu nay về các nguyên nhân gây tai nạn giao thông nghiêm trọng nêu trên, cơ quan chức năng đánh giá, trong các vụ tai nạn giao thông xe khách thảm khốc thì có đến 80% là do ý thức lái xe, với các lỗi vi phạm chủ yếu là lấn làn đường, tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, xe bị mất phanh... Cũng theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) trong những năm vừa qua cho thấy, có tới 80% số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát.

Nói về việc lái xe cố tình đua tốc độ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Với tốc độ cao như vậy, người lái không thể làm chủ tốc độ, không thể xử lý được tình huống xuất hiện đột ngột trên đường, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu của các nước trên thế giới, tốc độ xe tăng cứ lên 10km/giờ thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, xe khách chạy với tốc độ 125km/giờ so với tốc độ cho phép là 70km/giờ thì mức độ tai nạn tăng lên gấp 32 lần. Rõ ràng, với những xe chạy vượt quá tốc độ như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc là tất yếu. Điều đó cho thấy, việc đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách”.

Còn ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, qua kết quả phân tích các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra sau tết cho thấy, tốc độ không phải là nguyên nhân chính. Lỗi lấn làn, mất lái lại chiếm tỷ lệ cao. Điều này chứng tỏ, lái xe trong trạng thái mỏi mệt vì phải hoạt động liên tục từ trước tết đến nay, mất năng lực kiểm soát, xử lý tình huống. Ngoài ra, tai nạn giao thông phần lớn xảy ra trên cung đường đi qua miền Trung, tuyến Quốc lộ 1A đang thi công, hơn nữa, cũng cần phải xem xét lại chất lượng mặt đường như hằn, lún vệt bánh xe trên tuyến đường này.

Khoán trắng cho tài xế

Theo Hiệp hội Vận tải Việt Nam, việc chủ xe khoán giờ, xếp lượt, doanh thu cho tài xế nên nếu chạy chậm, không kịp giờ quay vòng tăng chuyến thì “không có cơm mà ăn” cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến đa phần lái xe khách “đánh đu với “tử thần” trên đường. Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải không quản lý phương tiện, giao xe cho lái xe quản lý tất cả các khâu như duy tu, bảo dưỡng, thậm chí khoán trắng phương tiện cho lái xe tự quản. Toàn bộ hoạt động của phương tiện do lái xe điều hành, hằng tháng chủ doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thu một khoản tiền làm dịch vụ để cho phương tiện đó mang thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe rất lỏng lẻo. Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe có ký hợp đồng lao động nhưng chỉ là hình thức, thậm chí giao khoán cho chủ xe tự chịu trách nhiệm. Lái xe khách dù có thâm niên hay lương tâm yêu nghề đến đâu thì mức khoán chính là con dao hai lưỡi dính chặt vào cuộc đời lái xe, bởi không cạnh tranh với nhà xe khác thì sẽ phải nghỉ việc”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thiên Minh