Giải mã nguyên nhân "người Việt ngày càng hung hãn"

14:46 | 04/03/2015

5,177 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phim ảnh bạo lực, con cái được cha mẹ quá nuông chiều, thất nghiệp, áp lực cuộc sống… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thói hung hãn lên ngôi”.

>> Vì sao người Việt đang ngày càng hung hãn?

Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, chuyên gia Xã hội học - Tội phạm (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, bản thân ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề thói hung hãn lên ngôi qua con số thống kê "6.200 người nhập viện vì đánh nhau" trong 7 ngày Tết của Bộ Y tế vừa qua. “Rõ ràng, con số đó cho thấy nhiều người trong xã hội này đang ngày càng trở nên hung hãn một cách đáng lo ngại”, ông nói.

Theo tìm hiểu của TS Vỹ, hầu hết các vụ đánh nhau đều thuộc nhóm đối tượng người trẻ tuổi. Đáng nói là ngày nay đánh nhau không phải giữa 2 hay vài người, mà có dấu hiệu của những băng nhóm và có sử dụng hung khí nguy hiểm dễ dẫn đến thương tật, tử vong. Và rất nhiều trường hợp đánh nhau sau những chầu nhậu.

TS Trương Văn Vỹ

PV: Thưa TS Vỹ, dưới góc nhìn của nhà Xã hội học - Tội phạm, ông có phân tích gì về những nguyên nhân góp phần dẫn đến tính hung hãn gia tăng trong xã hội hiện nay?

TS Trương Văn Vỹ: Có khá nhiều nguyên nhân, tôi có thể dẫn ra vài vấn đề như sau:

- Thứ nhất, phim ảnh hành động với những cảnh quá bạo lực như đâm chém, thanh toán nhau xuất hiện nhan nhản trên khắp các phương tiện từ truyền hình, rạp, Internet. Tuy chưa có những con số thống kê, nghiên cứu cụ thể, nhưng chắc chắn những phim này có tác động nhất định làm tăng tính hung hăng, hiếu thắng của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

- Thứ hai, ngày nay đa số gia đình đều chỉ sinh 1 hoặc 2 con và ngay từ nhỏ cho đến khi con cái trưởng thành, nhiều bậc cha mẹ luôn nuông chiều con cái rất mực. Con cái đòi gì được nấy, muốn làm gì thì làm, cha mẹ hầu như không “dám” làm trái lại ý của con. Chính vì thói quen được nuông chiều đó, nhiều trẻ lớn lên cứ cho mình là nhất, là đứng đầu, cái tôi trở nên quá lớn và bản tính hung hăng cũng hình thành từ đó.

- Thứ ba, nhiều người Việt chưa có văn hóa xin lỗi, hoặc có, nhưng không đủ can đảm để nói! Đáng nói là lắm người làm sai rành rành nhưng không xin lỗi, trái lại còn hung hăng, khiêu khích kiểu: “Ừ, tao vậy đấy! Mày làm gì tao?!”. Cộng thêm hiệu ứng đám đông nữa là dẫn đến ẩu đả, đánh nhau. Tính ngang bướng, hung hăng này dễ gặp ở nhiều thanh niên hiện nay.

- Thứ tư, là vấn đề của áp lực cuộc sống. Ngày nay, áp lực với người trẻ là rất lớn và đến từ nhiều phía; đây không phải là vấn đề của riêng xã hội Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu. Đó là áp lực thi cử, học hành, việc làm, tình yêu, áp lực từ gia đình… Theo tìm hiểu thì đa số thành niên Hàn Quốc tự tử cũng là vì áp lực cuộc sống.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên đang rất cao. Chính điều này cũng đẩy thanh niên đến nhiều hành động sai lệch.

- Thứ năm, là vấn đề của chữ “Nhẫn”! Tôi để ý thấy mấy ngày tết vừa qua, chữ “Nhẫn” bán rất chạy, chạy hơn cả chữ “Phúc, Lộc, Thọ”. Vì thiếu kiềm chế, kiên nhẫn nên chỉ cần cái nhìn, cười, liếc mắt, lời nói, cái chiếu đèn xe vô tình vào mặt cũng đã xảy ra ẩu đả, án mạng rồi.

Sau va quẹt nhỏ là hai bên sừng sộ (ảnh: T.T.D)

- Nói ra thì có nhiều lý do, song sâu xa nhất thì tất cả đều xuất phát từ chuyện giáo dục! Mà nhắc đến giáo dục thì người ta nói đến giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, tôi vẫn cho rằng vai trò giáo dục từ gia đình là quyết định nhất.

Nhưng vấn đề là nền tảng giáo dục gia đình hiện tại đang rất mông lung. Bây giờ, đa số người lớn đều lao vào công việc kiếm tiền, họ không còn thời gian dành cho gia đình; con cái thì được nuông chiều quá mức bằng tiền bạc, vật chất. Nhiều cha mẹ có quan tâm đến giáo dục con cái, nhưng lại có nhận thức sai lệch...

Rõ ràng là môi trường, điều kiện hình thành nên hung tính của người trẻ ngày nay đang rất nhiều.

PV: Vậy giải pháp cho vấn đề thói hung hãn lên ngôi là gì, thưa ông?

TS Trương Văn Vỹ: Giải pháp thì có nhiều nhưng ai thực hiện, thực hiện ra sao đều không tìm ra câu trả lời. Chúng ta cứ nói là tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật, tăng cường vai trò gia đình, tăng cường chức năng các cấp chính quyền… Song, khi đi vào cụ thể thì không thấy ai làm gì!

Còn vấn đề giáo dục thì luôn là việc làm đúng đắn nhất, nhưng đó cũng là việc khó khăn nhất.

Theo tôi giải pháp thiết thực nhất bây giờ là báo chí, truyền thông và các nhà xã hội, đạo đức cứ lên tiếng, phản ánh quyết liệt vào để đánh thức nhận thức và ý thức của mỗi cá nhân. Khi mỗi cá nhân tự điều chỉnh hành vi của mình thì tình hình sẽ cải thiện, thay vì chỉ biết đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan.

PV: Xin cảm ơn TS!

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn "kê đơn" trị tính hung hãn:

Nên định hướng cho các bạn trẻ sự lựa chọn hoạt động giải trí, vui chơi trong mùa xuân, các lễ hội và đó là trách nhiệm mang tính hệ thống.

Cần trang bị những kỹ năng sống, giá trị sống để định hướng hành vi, ứng xử của từng cá nhân và bắt đầu từ giới trẻ là sự đầu tư có đích đến.

Có lộ trình định hướng hành vi theo những chuẩn mực giá trị đạo đức - nhân văn của cộng đồng - quốc tế bằng những chương trình hành động mang tính dài hơi, lâu bền.

Giám sát việc xây dựng nếp sống văn minh trong ngày lễ tết và xem như một tiêu chí đánh giá việc xây dựng văn hóa ở địa phương.

Quản lý việc giáo dục gia đình hiệu quả hơn nữa, song song với việc cải thiện giáo dục đạo đức ở nhà trường

Tiến hành những chương trình truyền thông mang tính đồng bộ, có trọng điểm về Tết – xuân an toàn.

Xem xét thực hiện việc điều chỉnh hành vi và phản ứng của con người khi xử lý xung đột bằng những giải pháp mang tính hệ thống với sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học, ban, ngành có trách nhiệm…

Trúc Vân (Tổng hợp)