Giá vé tăng - chất lượng vẫn xuống

07:00 | 21/11/2013

800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể từ đầu năm 2014, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, mức tăng cao nhất lên tới 40%. Một mặt, các cơ quan quản lý Nhà nước kêu gọi người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, mặt khác lại xin tăng giá vé. Điều đáng nói là khi giá vé tăng thì chất lượng phương tiện vận tải công cộng lại “xuống”. Đó là nghịch lý đang diễn ra trong mạng lưới xe buýt thủ đô do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý.

Năng lượng Mới số 275

Có thể tăng 40%

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh giá vé xe buýt với thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2014. Theo đó, cự ly dưới 25km, giá vé được điều chỉnh từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt (tăng 40%); cự ly 25-30km, điều chỉnh từ 6.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt (tăng 16%) và cự ly từ 30km trở lên, điều chỉnh từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt (tăng 14%). Đối với vé tháng, Sở Giao thông Vận tải đề xuất mức điều chỉnh từ 11-43%. Trong đó, điều chỉnh mạnh nhất là vé tháng liên tuyến với đối tượng không ưu tiên tăng từ 140.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng (tăng 44%), vé tháng ưu tiên liên tuyến tăng từ 90.000 lên 100.000 đồng/tháng (tăng 11%).

Lý giải về kiến nghị tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh giá vé xe buýt trên địa bàn thành phố là việc cần thiết để đảm bảo nguồn chi phí trợ giá. Việc tăng giá vé còn tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt và tạo động lực đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia loại hình vận tải công cộng này.

Mặc dù liên tục tăng giá vé nhưng chất lượng càng ngày càng xuống dốc

Cũng quan tâm đến vấn đề tăng giá, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh giá các yếu tố đầu vào chủ yếu tăng như nhiên liệu, tiền lương… dẫn đến chi phí cho vận tải khách công cộng bằng xe buýt tăng và tình hình thu ngân sách của thành phố giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Để có kinh phí duy trì xe buýt, việc điều chỉnh giá vé trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. “Hằng năm, ngân sách thành phố đều phải trợ giá cho hoạt động xe buýt như năm 2010 trợ giá 621 tỉ đồng; năm 2011 trợ giá 1.332 tỉ đồng; năm 2012 là 1.020 tỉ đồng và dự kiến năm 2013 là 1.134 tỉ đồng. Thế nhưng, 9 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn thành phố có 10.000 doanh nghiệp phá sản dẫn đến tình trạng ngân sách thành phố bị thất thu. Nếu không tăng giá vé thì không có nguồn kinh phí để duy trì xe buýt hoạt động”.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sau khi được tăng giá vé như trên, mức trợ giá cho xe buýt sẽ chỉ còn khoảng xấp xỉ 900 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc nâng giá xe buýt sẽ tác động ít nhiều đến tâm lý hành khách. Ông Bùi Danh Liên cũng đưa ra giải pháp cắt giảm chi phí hoạt động của loại hình vận tải này. Theo đó, việc tăng giá là điều không tránh khỏi nhưng Transerco không nên tăng giá liên tục. Để cắt giảm chi phí, Transerco cần áp dụng khoa học, công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thu vé. Nếu xe buýt áp dụng hình thức thu vé qua thẻ thông minh thì mỗi chiếc xe buýt sẽ bớt đi một lao động. Đây cũng là khoản chi phí tương đối lớn. Chứ không thể tăng giá vé mãi được.

Xe buýt hay “sàn đấm bốc”?

Thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ nhân viên xe buýt phục vụ hành khách theo kiểu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Điển hình là vụ việc anh Kim Văn Chung (35 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) bị lái và phụ xe buýt tuyến số 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Nam Thăng Long) lao vào đánh. Nguyên nhân là do lái xe đột nhiên đóng cửa lại khi anh Chung đang xuống xe khiến anh Chung bị kẹt vào cửa. Sau đó là vụ anh Dương Văn Đông (29 tuổi, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bắt xe buýt trên đường Trần Cung để đi đến Bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Khi lên xe, thấy phụ xe ở cuối xe gọi xuống lấy vé, anh Đông có nói rằng: “Bán vé thì phải đến đưa cho khách chứ sao bắt người ta đi xuống” thì bị phụ xe chửi bới và đánh sưng cả mặt. Đặc biệt là câu chuyện nhân viên xe buýt bắt hành khách phải quỳ mới cho xuống xe. Vụ việc xảy ra trên chuyến xe 34 của Xí nghiệp Xe điện Hà Nội chạy tuyến Bến xe Mỹ Đình - Gia Lâm, anh Nguyễn Ngọc Phúc (ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) sau khi phát hiện đi nhầm tuyến đã yêu cầu lái xe cho xuống. Tuy nhiên, cả lái và phụ xe chửi mắng, đánh và bắt anh Phúc quỳ xin thì mới cho xuống. Trước phản ứng của nhiều hành khách, đến điểm dừng trên phố Nguyễn Thái Học, tài xế mới cho anh Phúc và một số người khác xuống xe.

Câu chuyện thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt đã tạo làn sóng bất bình trong dư luận nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo những người sử dụng xe buýt là phương tiện đi lại hằng ngày thì những vụ việc nêu trên chỉ là một trong số vô vàn “chuyện thường ngày”. Sinh viên Nguyễn Đức Hạnh (quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) thường xuyên đi học bằng xe buýt kể: “Hằng ngày tôi bắt xe buýt tuyến 20 hoặc 32 để đi tới Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội… Không chỉ có hành khách đi xe buýt chịu trận, nhiều lần tôi chứng kiến cảnh lái xe rú ga đuổi theo người dân tham gia giao thông để chặn đánh”.

Cũng từ những cư xử mất chuẩn của đội ngũ nhân viên xe buýt khiến cho người dân không mặn mà với loại hình vận tải này, thậm chí là ác cảm. Để rồi, hàng loạt vụ nhân viên xe buýt bị hành khách nện cho một trận vì “láo”. Theo thống kê của Transerco, trong năm 2012, số vụ khách hành hung lái xe và nhân viên bán vé là 36 vụ, quý I/2013 đã xảy ra 7 vụ hành hung nhân viên xe buýt.

Sau khi hay tin xe buýt có thể tăng giá vào đầu năm 2014, nhiều người dân bày tỏ rằng, việc phải tăng giá vé xe buýt là điều khó tránh bởi giá nhiên liệu, trả lương công nhân đều tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá vé xe buýt đòi hỏi phải đồng thời tăng chất lượng phục vụ, nhất là bảo đảm an toàn cho hành khách. Có không ít người “chia tay” với xe buýt vì sợ bị móc túi, thậm chí trấn lột. Xe buýt còn là nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông, bởi có một số lái xe lợi dụng được ưu tiên đã chạy ẩu, chạy bừa gây tai nạn cho người đi đường. Xe buýt cũng là phương tiện thải khói gây bụi trực tiếp ảnh hưởng tới người đi đường.

Chị Nguyễn Thị Phương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: Để có mạng lưới xe buýt sạch đẹp, an toàn, tiện lợi, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nên nghiên cứu lại luồng tuyến xe buýt sao cho phủ kín địa bàn, xe không phải chạy lòng vòng mất thời gian đi lại của hành khách. Ngành chức năng cần có biện pháp kiên quyết triệt phá các băng nhóm lừa gạt, móc túi trên xe buýt để hành khách có thể yên tâm khi sử dụng xe buýt, có như vậy mới hy vọng giảm bớt các loại xe cá nhân đang quá tải hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, quan điểm “trước sau như một” của các cơ quan quản lý Nhà nước là: phải tăng cường thu hút người dân sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, bớt tai nạn. Vậy đề xuất tăng giá vé xe buýt với mức cao nhất lên tới 40% có tạo nên nghịch lý vừa khuyến khích sử dụng nhưng lại vừa tăng giá. Đó là chưa nói đến việc giá vé tăng, chất lượng có tăng không? Lần tăng giá vé xe buýt gần nhất vào tháng 10/2012, hơn một năm sau lần tăng giá vé, tình cảnh chen chúc giờ cao điểm vẫn tồn tại. Vẫn còn cảnh phụ xe, lái xe hành hung khách và ngược lại.

Đúng như lời ông Bùi Danh Liên nói, kể cả không tăng giá xe buýt thì Transerco cũng phải quan tâm đến chất lượng phục vụ. Chất lượng có tốt thì mới thu hút được người dân tham gia đi xe buýt. Nói thì như vậy nhưng thực tế hiện nay thì có vẻ hoàn toàn trái ngược…

Minh Nguyễn