Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Lại chậm tiến độ vì vướng... mặt bằng

19:10 | 21/05/2013

1,158 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau hơn một năm thi công đang chậm tiến độ vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Thông tin trên được ông Trần Văn Lục - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) đưa ra tại buổi giao ban do Thành uỷ Hà Nội tổ chức vào chiều ngày 21/5.

Theo ông Lục, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã thi công được 252 thân trụ cầu (57% khối lượng), 73% cọc khoan nhồi, 57% bệ trụ và hoàn thành 50% khối lượng công tác xử lý nền đất yếu và san lấp mặt bằng 8,2ha trong khu Depot đồng thời các đơn vị nhà thầu cũng đang triển khai thi công kết cấu phần dưới 5 nhà ga gồm La Thành, Vành đai 3, Thanh Xuân 3, Hà Đông, La Khê.

So với tổng thời gian thực hiện hợp đồng với Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc - đơn vị tổng thầu thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (EPC) là 65 tháng nhưng đến nay thời gian thực hiện 40 tháng bằng 61%, tổng khối lượng công việc thực hiện đạt 39% do thời gian đầu chủ yếu thực hiện công tác khảo sát thiết kế, khối lượng thi công còn ít.

Bên cạnh đó, các nhà thầu phụ đều đảm bảo tiến độ hợp đồng với tổng thầu trong công tác thi công, xây lắp, chất lượng công trình đảm bảo theo thiết kế. Các gói thầu thiết bị, vấn đề đào tạo nhân lực vận hành toàn tuyến cũng cần sớm được triển khai.

Tuy nhiên, dự án không thể hoàn thành theo tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trên địa bàn quận Hà Đông, di dời nghĩa trang Vân Nội, công tác bàn giao mốc giải phóng mặt bằng qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, hạ ngầm đường điện cao thế đoạn La Thành – Láng…

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khó hoàn thành đúng tiến độ vì công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

 

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là mới giải phóng được 9,2km/13,5km. Các đường điện 110KV và 220KV đoạn từ ga La Thành đến đường Láng và xây dựng bãi đúc dầm, xử lý nền đất yếu trong khu Depot đã chậm khoảng 2 tháng so với tiến độ yêu cầu” - ông Lục tiết lộ.

Cũng tại buổi giao ban báo chí này, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng: “Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn đang được tiến hành hết sức khẩn trương cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Dự án đường sắt đô thị này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu Depot. Giai đoạn 2: Đường dẫn vào Trung tâm khu Depot sẽ hoàn thành vào 30/6, mở rộng nghĩa trang Trinh Lương để di chuyển nghĩa trang Vân Nội dự kiến thời gian hoàn thành vào cuối năm 2013”.

Còn theo ông Lục, Ban quản lý dự án đã đề nghị UBND TP Hà Nội thành lập ngay Công ty Quản lý khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoặc giao cho một đơn vị có đủ chức năng của thành phố tiếp nhận dự án đào tạo nhân lực được tách ra từ dự án chính và tổ chức tuyển dụng nhân lực theo tiêu chuẩn của dự án để gửi đi đào tạo bắt đầu từ tháng 6 năm nay theo đúng kế hoạch do Tổng thầu EPC lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo quyết liệt các địa phương, đơn vị liên quan tích cực thực hiện đảm bảo tiến độ mặt bằng cho dự án theo đúng kế hoạch đã xác định. Đồng thời sớm phê duyệt quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực 47 Cát Linh và nút giao thông Cát Linh - Giảng Võ - Giang Văn Minh...

Trong năm 2013, Ban quản lý Dự án đường sắt cũng đặt ra kế hoạch sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, thi công trụ cầu đạt 80% khối lượng, đúc dầm hoàn thành 65%, lao lắp dầm đạt 40% và triển khai thi công 12 nhà ga trong đó hoàn thành 50% kết cấu chính.

“Nếu các điều kiện về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, đảm bảo theo yêu cầu thì công tác xây lắp và cung cấp thiết bị dự kiến có thể hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và vận hành chính thức vào quý I/2015” - ông Lục khẳng định.

Trước vẫn đề băn khoăn của báo chí về việc, hiện nay mỗi dự án đường sắt đều có một nhà thầu khác nhau, đường ray và tàu cũng khác nhau. Khi hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, việc nối tuyến sẽ như thế nào?

Về vấn đề này, ông Trần Văn Lục khẳng định: “Theo khảo sắt đường sắt đô thị trên thế giới, rất ít trường hợp nối ray, nối tuyến. Hệ thống đường sắt chỉ cần đảm bảo việc nối tuyến hành khách. Sau khi đi tuyến đường sắt 01, hành khách muốn đi tuyến 02 thì phải có hệ thống nối hành khách như thế nào. Đó là điều mà đường sắt đô thị quan tâm và yêu cầu khi lập dự án”.

Bên cạnh đó, ông Lục cho biết thêm: “Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội quan tâm nhất là thẻ vé đi tàu”.

Lý giải về vấn đề này, ông Lục cho rằng, sau khi hệ thống đường sắt đi vào hoạt động, chỉ cần một loại thẻ vé là hành khách có thể đi bất kỳ tuyến nào. Tránh tình trạng, mỗi tuyến một loại vé khác nhau.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp cùng với các cơ quan chức năng nghiên cứu tạo ra một loại thẻ vé đồng nhất các tuyến đường sắt đô thị.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao, tuyến đường sắt dài 13,05km, thiết kế đường đôi khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.

Đoàn tầu gồm 6 toa hoặc 8 toa, có sức chở  từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Về vận hành khai thác, công nghệ thông tin truyền dẫn MSPT được sử dụng cho dự án này, hệ thống tín hiệu và điều khiển đạt chuẩn quốc tế… Với thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến.

 

Thiên Minh