Điên vì… thế giới ảo (Bài 2)

07:00 | 06/11/2013

940 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Game online là một thành tựu của công nghệ giải trí với sự phát triển vượt bậc là khả năng kết nối cùng lúc, trực tiếp giữa nhiều người tham gia. Thế nhưng cũng chính sự hấp dẫn, “thế mạnh” này của game online lại làm nhiều “game thủ” trở nên nghiện ngập, vùi dập sức sống, tuổi trẻ trong “net” sau đó thành điên loạn.

Năng lượng Mới số 271

 

>> Điên vì… thế giới ảo (Bài 1)

Bài 2: Ma lực game online

“Ăn” game, ngủ game

Không biết có bao nhiêu “game thủ” đã phải đi bệnh viện tâm thần trong tình trạng như vậy và trở thành “phế nhân” tinh thần, nhất là ở các thành phố lớn. Nếu như đối với bác sĩ ở các bệnh viện tâm thần nói chung trước đây chủ yếu chỉ tiếp nhận bệnh nhân tâm thần do nguyên nhân nội sinh thì càng về sau này, cùng với sự phát triển xã hội, kinh tế… mặt trái của nó đã làm cho không ít người từ trạng thái bình thường thành thần kinh, trong đó không thể không kể đến game online.

Bệnh viện Tâm thần Ban ngày (còn gọi là Bệnh viện Tâm thần Mai Hương Hà Nội) có khoảng 15 năm hoạt động thì khoảng 7, 8 năm về sau, đã có số bệnh nhân điên vì game online và với “mật độ” ngày càng nhiều. Có một bệnh nhân tên Đinh Việt Cường, 19 tuổi ở Hà Nội, vừa xuất viện khiến bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Khám bệnh lâm sàng “ấn tượng” mãi: Khi nhập viện thể trạng chỉ còn da bọc xương, suy nhược toàn thân, chân chỉ “lết” chứ không đi vì bước không nổi, đầu tóc rối bù, người hôi hám, mắt lờ đờ chậm chạp, miệng luôn hét: “Bắn đi, bắn đi. Bắn cho nó chết”. Lúc “hưng phấn” quá Cường còn lấy tay làm súng và hô: “Pằng, pằng, pằng… Một thằng. Hai thằng… Chết”… Khi bác sĩ hỏi: “Tên là gì? Bao nhiêu tuổi”, Đỗ Việt Cường chỉ biết trả lời: “Không biết” với khuôn mặt ngây ngô, ngơ ngác.

Nhiều thanh thiếu niên chơi game quá sức dẫn đến điên loạn

Người nhà của cậu này kể, khi bắt đầu vào học THPT, theo đám bạn cùng lớp, Cường đã biết chơi game nhưng chưa “nghiện”. Mỗi tuần, Cường chỉ được chơi hai tối: thứ Bảy và Chủ nhật. Vì bố mẹ Cường nghĩ rằng sau những ngày học hành vất vả, Cường phải được giải trí cho nên vào những ngày ấy, bố mẹ Cường cho Cường tiền chơi game hẳn hoi và quy định chỉ được chơi 3 tiếng/ngày. Nhưng game online lắm trò ma mị như “bão lốc” cuốn Cường theo từ lúc chỉ chơi vài tiếng đồng hồ vào mỗi tối cuối tuần đến ngày nào cũng chơi rồi cuối cùng thâu đêm suốt sáng “tọa đồng” trước máy vi tính hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng…

Cường trốn cả học để chơi game. Không ít lần bố mẹ Cường đã phải ra tận quán “net” lôi Cường về đánh cho một trận nhừ tử để “đòn đau nhớ lâu”, Cường phải chừa. Nhưng vẫn chứng nào tật nấy, Cường “ăn” game, “ngủ” với game, “sống chết” với game đến độ quên cả bản thân, gia đình, học hành... Khi Cường bị buộc thôi học vì nghỉ quá nhiều cùng với sự bất lực của bố mẹ sau bao lần áp dụng đủ mọi hình thức từ nhu tới cương thì cũng là lúc Cường không thể “buông” cái thế giới ảo với những trận chiến hào hùng nữa. Cường ăn ngủ luôn tại chỗ chơi game với những bữa ăn qua quýt gồm bánh mì và nước lọc. Ngủ thì… khỏi cần. Vì ngủ sẽ khiến cho Cường không có thời gian… gõ phím “bình thiên hạ”.

Cường đã “nghiện” game. “Nghiện” một cách đúng nghĩa như những người nghiện ma túy lên cơn “vật”, bởi nếu không có game, Cường cảm thấy bứt rứt, chân tay thừa thãi, trong người như có lửa đốt. Chỉ khác là, nếu người nghiện chất có “cữ” thì người nghiện game như Cường chẳng có thời gian nào, chẳng có cữ nào mà lúc nào cũng trong tình trạng “vật”. Để có tiền “cày” game, ngoài việc cố gắng thắng để không phải trả tiền thì Cường còn “cày” game thuê. Một “đồng minh” của Cường kể: “Có hôm, “mót” vệ sinh, thế nhưng mải chơi game, hơn nữa lại  không muốn “đi” giữa chừng vì Cường chơi thuê cho người khác. Thế là, lúc không nhịn nổi nữa, Cường “tè” luôn cả ra quần như đứa trẻ. Nhưng đáng nói hơn cả là Cường đã không về nhà thay quần mà vẫn tiếp tục di chuột, “cày” game một cách say sưa như không có chuyện gì xảy ra”.

Hôm cuối cùng trước khi vào viện, bố mẹ Cường kể lại nhìn thấy Cường không còn nhận ra bởi “thân tàn ma dại”, miệng nói lảm nhảm đúng người bị điên. Lúc ấy mẹ Cường chỉ biết ôm Cường vừa khóc vừa nói: “Thằng này điên vì game rồi”.

Càng chơi càng… điên

Như Cường, một game thủ khác cũng lâm vào tình trạng như vậy, nhưng khác là game thủ này là nữ, đang độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Ở cái tuổi ấy, nếu những nữ sinh khác áo dài thướt tha, thơ mộng, bay bổng với những bài thơ giấu trong cặp sách thì Minh, (tên của game thủ) phiêu bạt trong giới giang hồ trong thế giới ảo với đủ các loại vũ khí, đủ các hình thức bạo lực. Chẳng hiểu sao thuộc phái nữ yểu điệu nhưng từ lúc biết chơi game, Minh chỉ thích tiếng kim khí đập vào nhau chát chúa, tiếng đánh nhau hậm hự của những trận chiến giáp lá cà hay âm thanh của bom rơi, đạn nổ. Ngày mới mon men vào thế giới game, nhiều lắm Minh chỉ “giết” thời gian bên máy tính khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nhưng sự ganh đua khốc liệt, phải phân thắng bại lập tức giữa các bên “tham chiến” của trò chơi đã làm cho những game thủ như Minh càng chơi càng ham và vì vậy số giờ chơi của Minh đã tăng lên chóng mặt từ 2, 3 tiếng lên 4, 5 rồi 6, 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Nói chung, Minh không tiếc thời gian dành cho game. Thậm chí cô bỏ cả học, trốn cả cha mẹ cùng giới game thủ “dạt vòm” để “hành tẩu” trong giới võ lâm, “bình định sơn hà”, “trấn an thiên hạ”… Có chuyện thật rằng, chiếc quần cô hay mặc đi chơi game, vì ngồi nhiều quá, lại di đi di lại trên ghế theo độ gay cấn, cao trào của game nên phía sau bị rách như rút sợi. Thế mà Minh chẳng buồn thay hay nói đúng hơn: cô có về nhà đâu để thay mà cứ hết ngày này sang ngày khác, Minh ngồi “thiền” trước máy tính. Cũng vì ngồi “luyện công” như vậy mà “trình” của Minh từ chỗ “tép riu” được nâng hạng lên chuyên nghiệp đến độ giới game thủ đặt cho cô biệt hiệu “Minh sát thủ” do danh sách“hạ thủ” của cô dài dằng dặc.

Nhưng oái oăm thay ở chỗ, Minh “sát thủ” càng nhiều bao nhiêu thì tinh thần của cô lại có biểu hiện loạn bấy nhiêu. Mới đầu chỉ thể hiện ở ngôn ngữ, nghĩa là nói chuyện với ai, dù già trẻ, gái, trai cô cũng sử dụng rặt ngôn ngữ của thế giới game như đại tẩu, nương nương, tiểu đệ, đại ca… tùy theo giới tính, tuổi tác của từng người. Nhưng sau đó, cùng với lời nói, Minh còn khoa chân múa tay, “xuống tấn”, tung chưởng, song phi… ở bất cứ đâu, với bất cứ người nào. Có lần, người ta bắt gặp cô đứng giữa đường miệng thì hô “pằng pằng pằng…” tay thì chĩa tía lia vào người đi đường khẩu súng nhựa đồ chơi của trẻ em để… “bắn”. Sống trong thế giới thực mà cô tưởng như đang trong thế giới ảo. Cô thực sự đã điên vì game online!

Hôm bố mẹ đưa Minh đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cô chỉ còn là “cái xác ve”. Mặt mũi, tay chân cáu két vì lâu ngày không tắm. Minh “khoe” với bác sĩ: “Tiểu đệ vừa giết sạch chúng nó, lấy được bao nhiêu tiền vàng, vũ khí. Đại ca có lấy không, tiểu đệ cho”. Ai cũng buồn cười khi nghe Minh nói vậy. Nhưng xen lẫn trong nụ cười đó là nước mắt!

Lên lão cũng… nghiện game

Là người điều trị bệnh rối loạn tâm thần vì Internet đã nhiều năm nay, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Chuyên khoa 2, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Không chỉ người trẻ mà người già cũng có thể bị rối loạn tâm thần do nghiện game online. Vì vậy, không nên chủ quan để người già ham hố trò chơi này quá nhiều”. Trước đây, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng điều trị cho bệnh nhân là một cụ ông 70 tuổi, nghiện game online. Cụ này hay buồn phiền, chán nản nên vợ con đã sắm cho chiếc máy tính, nối mạng để ông “đọc tin tức”.

Thế nhưng nào ngờ tin tức ông lại chẳng đọc mà chìm đắm trong game, nhất là game mang hơi hướng võ hiệp xưa của Trung Quốc. Thâu đêm suốt sáng, ông cứ ngồi bên máy tính cũng di chuột, gõ bàn phím nhoay nhoáy như lớp trẻ để “hành hiệp”. Đến một ngày vợ con ông tá hỏa khi nhận ra ông bị… hâm vì suốt ngày múa kiếm, đấu võ, làm những động tác hệt nhân vật trong game. Ông lại còn xưng hô với mọi người là “đại  nhân” nữa chứ. Cuối cùng, cả gia đình ông phải họp lại thống nhất bắt ông đi Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Anh Tú - Mạnh Kiên

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc