Quy định cấm dùng điện thoại ở cây xăng:

Dân "vô tư", cơ quan chức năng... bối rối

15:55 | 07/08/2012

1,824 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Quy định cấm người dân sử dụng điện thoại ở cây xăng đã bắt đầu đã có hiệu lực từ ngày 5/8, song lực lượng chức năng thì lúng túng, chưa thể xử phạt còn người dân thì vẫn "vô tư" như chẳng biết...

Người dân hồn nhiên "alô"

Theo ghi nhận của PV Petrotimes vào chiều ngày 7/8 tại nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội, người dân đến đổ xăng vẫn thản nhiên sử dụng điện thoại.

Trong vai một người dân vào đổ xăng tại một cây xăng ở số 171 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), PV Petrotimes hỏi chị Nguyễn Thị Minh Quyên, nhân viên bán xăng:

- Bây giờ mà gọi điện thoại ở cây xăng này thì có bị phạt không hả chị?.

- Có bị phạt!.

- Ai phạt hả chị?

- Công an phạt.

- Em có thấy công an ở đâu đâu?

- Có. Có công an lấp ló ở đâu đấy! - Chị Quyên bối rối.

Câu nói hù dọa kiểu như dọa "ông ba bị bắt trẻ con" của nhân viên cây xăng khiến chúng tôi và nhiều người mua xăng phì cười.

Trong 1 giờ đồng hồ quan sát tại cây xăng này, chúng tôi ghi nhận có 5 trường hợp hành khách sử dụng điện thoại di động trong lúc ghé vào đổ xăng, bất chấp biển báo cấm sử dụng điện thoại di động treo khắp nơi và lời nhắc nhở của nhân viên tại đây. Cũng trong thời gian đó, không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nào xử phạt.

Chúng tôi gặp anh Trần Văn Bình đang vô tư nói chuyện điện thoại tại cây xăng Ngã Tư Sở, anh này chỉ chịu dừng lại khi nhân viên cây xăng đến nhắc nhở. Anh Bình "hồn nhiên": "Trước cũng thấy cấm điện thoại rồi mà, nhưng vẫn dùng mà có ai nói gì đâu, cũng chưa bao giờ thấy cháy nổ nên tôi nghĩ là không cần thiết."

 

Người dân vẫn vô tư nghe điện thoại khi đổ xăng, thờ ơ với nghị định 52 của Chính phủ

 

Cơ quan chức năng "khó xử"

Theo nghị định 52/2012/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đến 5 triệu đồng nếu sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm. Trạm xăng là một trong những khu vực buộc phải đặt biển báo cấm sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động. Quy định này hầu hết đã được các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đưa ra. Tuy nhiên, ý thức chấp hành vẫn chưa được giám sát chặt chẽ.

Theo NĐ52, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC gồm các lực lượng công an, chính quyền địa phương và được phân cấp mức phạt theo các cấp. Cụ thể, đối với hành vi nghe điện thoại di động tại cây xăng chẳng hạn, ông Cường cho biết lực lượng cảnh sát phòng cháy hoặc các lực lượng khác được phân công theo thẩm quyền sẽ thực hiện việc bắt “quả tang”, lập biên bản và ra quyết định xử phạt.

Mức phạt 2 triệu đồng sẽ do trưởng công an hoặc chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định xử phạt; mức 5 triệu đồng sẽ do trưởng phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, trưởng phòng cảnh sát đường thủy, trưởng phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, công an cấp tỉnh và trưởng phòng cảnh sát PCCC cấp huyện hoặc chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt.

Mặc dù nghị định của chính phủ đã có hiệu lực nhưng người dân vẫn thờ ơ không chấp hành. Lực lượng chức năng liên quan thì lúng túng.

 

Biển báo cấm dùng điện thoại ở cây xăng đã có từ lâu nhưng ít được để ý.

 

Trao đổi với PV Petrotimes, ông Nguyễn Hồng Dương, Chánh văn phòng Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Mặc dù Nghị định 52 có hiệu lực được 2 ngày nhưng đến thời điểm này (7/8), Sở Cảnh sát PCCC vẫn chưa nhận được thông tư hướng dẫn của Bộ Công an trong công tác triển khai Nghị định 52.

Hiện lực lượng Cảnh sát PCCC và Cảnh sát giao thông đang dẫm chân lên nhau trong chế tài sử phạt.

Theo Nghị định 52, đây là quy định có tính răn đe cần thiết để ngăn ngừa cháy nổ do điện thoại di động gây ra, khi thiết bị này đã phổ biến trong tất cả người dân. Nghị định trên không chỉ cấm sử dụng điện thoại di động ở cây xăng mà cấm cả ở các khu vực như: kho dầu mỏ, trạm chiết nạp, cửa hàng kinh doanh các loại khí dầu mỏ, kho chứa hóa chất dễ cháy nổ, dễ bay hơi... Ngoài điện thoại di động, máy nhắn tin, máy ảnh, camera, thu phát sóng cũng bị cấm sử dụng tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ kể trên.

Mức phạt đối với hành vi sử dụng thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm theo nghị định 52 cao gấp 10 lần so với quy định cũ.

Theo Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (C66) - Bộ Công an, cho biết NĐ 52 quy định cụ thể về hành vi, mức phạt nên không phải chờ thông tư hướng dẫn. Kể từ ngày 5/8, lực lượng chức năng tại các địa phương có thể kiểm tra, nơi nào có vi phạm thì lập tức lập biên bản xử lý.

 

Hoàng Thắng - Thiên Minh