Dân phòng hay dân phải... đề phòng?

16:29 | 09/12/2013

1,363 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là câu hỏi khá bức xúc của một độc giả trước sự kiện một anh bán hàng rong, tay bị còng và phải nhập viện cấp cứu sau trận “mưa đòn” từ các anh trật tự đô thị, bảo vệ dân phố!

Về nguyên tắc khi cán bộ hưởng lương ngân sách, tức là từ tiền đóng thuế của người dân hay từ tiền bán tài nguyên của đất nước do nhân dân làm chủ thì họ là công bộc của dân.

Song, có lẽ bây giờ chẳng mấy ai còn nghĩ đến chuyện cán bộ là đầy tớ của dân. Cán bộ không nghĩ thế đã đành, người dân lại càng không dám nghĩ thế. Bởi lâu nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, có khi chỉ là anh dân phòng cũng cậy quyền cậy thế, thô bạo trong cách hành xử với người dân thay vì là tận tâm phục vụ theo đúng trách nhiệm của mình.

Một số cán bộ công quyền coi mình là người có quyền lực đối với nhân dân thì trách làm sao chuyện “cấp dưới”, các anh trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, dân phòng, những tổ công tác tự quản tại các địa phương lại không làm thế! Nhưng dù chỉ là lực lượng tự quản để hỗ trợ cho lực lượng công vụ địa phương vốn lúc nào cũng trong tình trạng khủng hoảng thì họ cũng phải được tập huấn và quản lý rất kỷ lưỡng về nghiệp vụ, pháp luật và cả đạo đức, trách nhiệm với người dân.

Bảo vệ dân phố, trật tự đô thị hành xử thô bạo với anh Tình - một người bán dạo

Đầu tiên, phải thừa nhận rằng lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, trật tự đô thị là rất hữu ích trong việc hỗ trợ cán bộ thi hành nhiệm vụ. Họ cũng đóng góp một phần không nhỏ cùng với cán bộ địa phương trong việc lập lại trật tự, an toàn đô thị, không ít trong số họ cũng là “khắc tinh” của các tệ nạn xã hội, của trộm cướp, ma túy…

Nhưng mặt khác cũng có một hình ảnh hoàn toàn đối lập, một bộ phận không nhỏ lực lượng này lại cậy quyền mà hành xử rất thô lỗ với người dân, thậm chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Cảnh dân phòng “múa gậy” chặn đầu xe; các anh trật tự đô thị quát tháo, đánh đập, còng tay người dân rồi tống lên xe đưa về phường… Một cách lạnh lùng mà nói thì đó là những hình ảnh thô bạo quen thuộc trên các con phố!

Mấy ngày qua, hình ảnh “hôi bia” của một số người tại Đồng Nai bị lên án là phản cảm, là biểu hiện của sự vô cảm đang trổi dậy. Tuy nhiên, chuyện Tổ công tác của phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM, trong đó gồm trật tự đô thị và bảo vệ dân phố còng tay, đánh ngất xỉu rồi bỏ mặc anh Tình - một người bán dạo lại càng phản cảm hơn thế gấp nhiều lần!

Song, sự phản cảm mới chỉ thật sự leo lên đỉnh khi sau đó ông chủ tịch phường giải thích vụ việc rằng: Tổ công tác đang xử lý việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường thì ông Tình có hành động phản kháng, buộc họ phải còng tay đưa lên xe đưa đi… Rồi khi bị đánh thì “ông Tình say xỉn, quay ra ngủ tại chỗ”!         

Đang đánh thì anh Tình quay ra ngủ(!?)

Dân phòng đánh dân ngay giữa thanh thiên bạch nhật, có hàng chục người dân xung quanh ký tên xác nhận điều đó, họ có hình ảnh và những vết thương trên người anh Tình làm bằng chứng. Nhưng thật không thể tưởng tượng một lãnh đạo phường lại có thể phát ngôn rằng người đàn ông nằm lăn ra đường, khuỷu tay bị còng kia là… đang nằm ngủ! Có lẽ ông chủ tịch phường này quá nhiễm phim Trung Quốc với chiêu thức “Thị mộng La Hán quyền” chăng?!

Câu chuyện của anh Tình bán trái cây dạo “ngủ” bên đường sau một trận “mưa đòn” từ những người khoác áo bảo vệ là một hồi chuông gióng lên về văn hóa ứng xử của một lực lượng mà lãnh đạo thành phố, phường nào cũng cho là “cần thiết”. Tất nhiên là cần thiết thật, nhưng sự cần của dân - những người cần được bảo vệ của các anh khoác áo bảo vệ là đảm bảo trật tự xã hội, là phòng gian trừ ác cho họ chứ không phải là hành xử thô bạo với họ như thế!

Các cán bộ chịu trách nhiệm quản lý những lực lượng dân phòng này cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự thô bạo đó của họ. Và phải chăng các cán bộ đó cũng không biết mình là công bộc của dân nên không tập huấn cho đội dân phòng trách nhiệm phục vụ nhân dân thay vì coi dân như là một tội phạm trong khi họ chỉ vi phạm hành chính, như trường hợp của anh Tình bán dạo vừa qua!

Trúc Lê

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc