Công tác quản lý y tế tư nhân: Chết lâm sàng

06:40 | 09/09/2013

723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực tế của các cơ sở y tế tư nhân hiện nay: Chất lượng thì ít, lộn xộn, gây nhiễu loạn thì nhiều, một vấn đề đặt ra là, công tác quản lý diễn ra như thế nào để rồi những phòng khám tư nhân có “cơ hội” lộng hành như vậy?

>> "Loạn" y tế tư nhân: Những chiêu trò "móc túi"

Năng lượng Mới số 253

Hiện nay công tác quản lý cơ sở y tế tư nhân chủ yếu dựa trên công tác thanh, kiểm tra của Sở Y tế và các phòng y tế quận, huyện (cũng thuộc Sở Y tế) theo phương thức chủ động và đột xuất. Trong đó, thanh, kiểm tra chủ động được xây dựng kế hoạch theo từng tháng, quý và có thể theo chuyên đề như khám chữa bệnh, dược phẩm, an toàn toàn thực phẩm… nói chung có khoảng 5 chuyên đề. Còn thanh, kiểm tra đột xuất, diễn ra khi nhận được phản ánh của người dân dưới bất cứ hình thức nào như đơn thư, qua đường dây nóng, hoặc báo chí phản ánh… Việc kiểm tra đột xuất này, như một cán bộ thanh tra của Sở Y tế Hà Nội cho biết là “ngay và luôn” sau khi nhận được “tin nóng” chứ không phải chờ đợi thêm một giây phút nào.

Bên cạnh đó, như Sở Y tế Hà Nội còn tổ chức lớp tập huấn cho các bác sĩ, y tá, nhân viên của phòng khám tư nhân về chuyên môn nghiệp vụ, y đức… Theo PGS.TS Nguyễn Văn Yên thì đó cũng là một hình thức quản lý.

Phòng khám này nhiều người phản ánh có dịch vụ "chặt chém" bệnh nhân

Tuy nhiên, hình thức quản lý như vậy đối với các phòng khám tư nhân có thể thấy thực sự khó mà hiệu quả, nhất là trong điều kiện còn nhiều khó khăn bất cập như hiện nay. Như công tác thanh, kiểm tra chủ động chẳng hạn, với kiểu “lên kế hoạch” trước thì rõ ràng việc kiểm tra sẽ khó phát hiện sai phạm tại các cơ sở y tế tư nhân do “trống dong cờ mở” trong quá trình kiểm tra. Nếu có, cũng chỉ là những vi phạm nhỏ, không phải nằm trong “chiêu trò” chính của các phòng khám. Trong khi các “chiêu trò” mới chính là vấn đề của các phòng khám tư nhân và làm loạn môi trường này. Việc thanh, kiểm tra chủ động vì thế có mà như không. Và nếu buộc phải có thì đó cũng không nên coi là hình thức chủ yếu để quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở mà các “chiêu trò” đã trở nên tinh vi và nhiều thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức trách như y tế tư nhân.

Còn về thanh, kiểm tra đột xuất theo cách mà Sở Y tế Hà Nội hiện đang thực hiện là dựa trên cơ sở nguồn tin chính của những người phản ánh thì rõ ràng là rất bị động. Bởi phương thức quản lý ấy đồng nghĩa với việc: có tin nóng phản ánh thì mới kiểm tra đột xuất, còn không thì thôi. Trong khi mức độ tin nóng phản ánh đôi khi chưa thấm tháp vào đâu so với thực tế đang diễn ra. Do phần lớn những người phản ánh là dân “ngoại đạo” không hiểu hết sự lập lờ của những người nhân danh nghề cao quý “bác sĩ” để trục lợi. Nhiều điều “lắt léo y học” chỉ những người trong ngành mới hiểu được, dù để hiểu được cũng cần đến “khả năng” của người làm quản lý. Thế nên, để công tác quản lý hiệu quả hơn cần chủ động trong mọi tình huống, thậm chí phải sâu sát như một cán bộ điều tra.

Tuy nhiên, đối với Sở Y tế Hà Nội, chưa bàn đến nguyên nhân chủ quan, chỉ đề cập đến nguyên nhân khách quan, để thực hiện được điều này cũng khó bởi nguồn nhân lực quá mỏng, chỉ có 13 người chủ chốt làm công tác thanh, kiểm tra với địa bàn có tới gần 10 nghìn cơ sở y tế tư nhân, trong đó lại được chia ra thành nhiều mảng khác nhau như dược, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, hành chính, công vụ. Như vậy, chỉ có 3 cán bộ thanh tra mỗi mảng, không thể nào làm hết việc. Kể cả khi tính đến cán bộ ở các phòng y tế quận, huyện vì họ cũng chỉ có ngần ấy cán bộ như cán bộ Thanh tra Sở Y tế. Và “hiệu quả” là gì? Là không ít lần Sở Y tế thất bại trong công tác thanh kiểm tra. Như năm ngoái, sau khi xảy ra vụ chết người ở phòng khám Maria Thái Thịnh, thanh tra Sở Y tế đã đến đây kiểm tra. Nhưng do phòng khám đã dùng “thủ đoạn” tưởng như rất… khách quan rằng thiếu mặt bằng phải thuê chung với một công ty khác cơ sở hạ tầng để “lập lờ đánh lận con đen” nên cán bộ thanh tra Sở Y tế không thể nào phát hiện được hết sai phạm của phòng khám.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, đồng thời cũng là thành viên trực tiếp thanh tra phòng khám kể: “Phòng khám Maria cùng chung trụ sở với Công ty Đầu tư An Thịnh, nên khi đến kiểm tra với 8 tầng nhà, trong đó có 7 tầng là phòng khám, 1 tầng là của doanh nghiệp gồm các nhân viên làm việc không thuộc lĩnh vực y tế, 3 cán bộ thanh tra chúng tôi không thể nào kiểm tra được đâu là bác sĩ được cấp phép tham gia khám chữa bệnh, đâu là bác sĩ không được cấp phép, nhân viên giúp việc; hoạt động chuyên môn có quá với quy định cho phép hay không v.v... Vì nếu đi từ dưới lên hay đi từ trên xuống để kiểm tra tất cả các phòng trong khu vực khám chữa bệnh, dù bằng thang máy hay thang bộ, thì trong khoảng thời gian đó cũng đủ cho những người ở đây che giấu đi những sai phạm của mình. Do người làm chuyên môn y tế và chuyên môn khác cùng làm trong một trụ sở, khi biết có thanh tra đến, những người không nằm trong danh sách được cấp phép tham gia hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám chỉ cần cởi áo blu ra và trà trộn vào những người làm chuyên môn khác, vào bệnh nhân là làm cho cán bộ thanh tra “bó tay” không thể nào phân biệt được để xử lý. Nói chung, “vụ” đấy chúng tôi “lực bất tòng tâm”.

Như vậy, với lực lượng thanh tra y tế mỏng, không chỉ ảnh hưởng về chất lượng kiểm tra mà còn hạn chế số lần kiểm tra, dẫn đến công tác quản lý nói chung không thể nào chỉ ra được thực chất vấn đề.

Bên cạnh lực lượng mỏng, phương thức quản lý dường như chưa hợp lý, chế tài xử phạt cũng là một nguyên nhân nữa làm cho hoạt động của cơ sở y tế tư nhân thiếu tôn ti trật tự. Vi phạm lớn nhất trong hoạt động khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tư nhân hiện nay, theo Nghị định 96/2011/NĐCP tối đa chỉ phạt 40 triệu đồng. Còn thấp nhất là cảnh cáo. Với mức phạt ấy, đối với một số phòng khám tư nhân, đặc biệt là trong môi trường “trục lợi” như hiện nay thực sự không đủ sức răn đe, phòng ngừa. Và minh chứng là nhiều vi phạm vẫn tái diễn ở những phòng khám đã bị xử phạt.

Trước tình hình quản lý hoạt động y tế tư nhân trên đây, có thể thấy không chỉ đã, đang mà dự báo sẽ còn tiếp tục xảy ra tình trạng lộn xộn ở hoạt động khám chữa bệnh y tế tư nhân. Thực trạng này có được cải thiện hay không, theo chúng tôi, phụ thuộc chính vào sự mẫn tiệp và phản ứng kịp thời của chính các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bởi chỉ có sự mẫn tiệp ấy mới có thể loại trừ những cơ sở y tế tư nhân gây nhiễu loạn môi trường này và chỉ có giải pháp ấy mới bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân khi mà các nhà quản lý vẫn còn đang loay hoay, lúng túng, thậm chí thiếu trách nhiệm với các giải pháp quản lý còn yếu của mình.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội: Khám chữa bệnh là quyền lợi của bệnh nhân. Vậy khi đến một cơ sở khám chữa bệnh nào, bệnh nhân nếu không có điều kiện tìm hiểu trước thì khi đến khám tìm hiểu ngay tại đây như: bác sĩ nào là người khám, bác sĩ ấy có giấy phép hành nghề không, nếu chữa trị thì hết bao nhiêu tiền v.v... Sau khi tìm hiểu thông tin như vậy, thấy hợp lý thì theo, còn không thì lựa chọn cơ sở khác. Hoặc nghi ngờ điều gì có thể gọi về đường dây nóng của chúng tôi là 04. 37330186 hay: 04.39985765 để xác định hoặc phản ánh. Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay.


Tú Anh - Mạnh Kiên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc