Vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em:

Có thể cung cấp bằng chứng tổn thương tâm thần

17:00 | 18/12/2013

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày này dư luận trong nước đang bức xúc trước việc hai bảo mẫu hành hạ trẻ em tại trường mầm non tư thục Phương Anh, Q.Thủ Đức - TP HCM. Các luật sư cho rằng chỉ có thể truy tố các bảo mẫu này với tội danh “hành hạ người khác” chứ không có cơ sở truy tố tội danh “cố ý gây thương tích” bởi… không có bằng chứng. Báo điện tử Petrotimes đã phỏng vấn Thạc sỹ, bác sỹ Quách Thúy Minh, nguyên Trưởng Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung Ương để làm rõ vấn đề có hay không tổn thương tâm lý của trẻ bị bạo hành.

Thạc sỹ, bác sĩ Quách Thúy Minh

PV: Thưa bác sĩ có thể chứng minh được các cháu nhỏ đã bị tổn thương tâm lý khi liên tục bị bạo hành, bạo hành trong một thời gian dài như vậy hay không?

Thạc sỹ, bác sỹ Quách Thúy Minh: Hiện nay các bác sỹ tâm lý Nhi rất quan tâm đến vấn đề bạo hành trẻ em. Chúng tôi có thể thực hiện các liệu pháp kiểm tra tâm lý của trẻ để xác định các tổn thương tâm lý khi trẻ em bị bạo hành, bạo hành trong một thời gian dài. Các bài kiểm tra này có thể xác định mức độ chấn thương do bạo hành gây ra cho trẻ. Một ví dụ đơn giản như có thể để trẻ vẽ một bức tranh, kể một câu chuyện với các nhân vật mà bé thích, từ trong cách bé vẽ tranh, kể chuyện, bác sỹ tâm lý có thể quan sát, tìm hiểu những sang chấn tâm lý và mức độ tổn hại của trẻ.

PV: Những bài kiểm tra này có thể được cung cấp cho các cơ quan pháp lý để làm bằng chứng được hay không thưa bác sỹ?

TS,BS QTM: Tất nhiên các bài kiểm tra này có thể làm bằng chứng về tổn thương tâm thần của trẻ bị bạo hành. Trên thế giới rất nhiều nước đã lấy kết quả những bài kiểm tra để chứng minh tổn thương tâm lý làm bằng chứng trước tòa để làm căn cứ xử lý các vụ bạo hành, hành hạ người khác nhất là bạo hành đối với trẻ em, nhưng Việt Nam chưa có tiền lệ này.  

PV: Tổn thương tâm lý do bạo hành sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ và cuộc sống sau này của các bé? Những nguy hại nguy hiểm nhất khi trẻ bị tổn thương tâm thần là gì thưa bà?

TS,BS QTM: Tổn thương tâm lý có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời của trẻ nếu không được chữa trị dứt điểm và đúng cách. Những đứa trẻ bị bạo hành sẽ có những biểu hiện như hoảng hốt, sợ hãi người lạ, đêm ngủ hay mơ giật mình, bé sẽ sợ hãi khi đi học, nhiều thay đổi trong hành vi như nổi giận vô cớ, chống đối làm trái lại với người lớn hoặc thu mình lại lảng tránh. Những sang chấn tâm lý này có thể dẫn đến trẻ có khuynh hướng bạo lực, khi lớn lên sẽ thường xuyên đánh đập con hoặc xử dụng bạo lực để hành xử trong xã hội. Đây là những nguy cơ cao dẫn đến phạm tội và trở thành tội phạm.

Nếu trẻ bị bạo hành liên tục và kéo dài, thường xuyên bị đánh vào đầu có thể dẫn đến sang chấn não bộ là nguyên nhân của chứng loạn thần, tâm thần phân liệt cực kỳ nguy hiểm đối với bệnh nhân và xã hội. Nguy hại nhất khi trẻ bị tổn thương tâm lý là có thể dẫn đến tự sát.

PV: Bác sỹ cho biết có thể điều trị cho những trẻ em bị bạo hành ấy theo phương pháp như thế nào?

TS,BS QTM: Những trẻ bị bạo hành, sang chấn tâm lý cần những phương pháp tâm lý như cần quan tâm thường xuyên, để trẻ dần tiếp cận với nỗi sợ hãi của mình. Bác sỹ tâm lý, thân nhân của trẻ phải luôn có mặt để động viên trẻ tìm ra cách chống lại những nỗi sợ hãi trên.

PV: Bác sỹ có thể cho biết, sẽ phải mất ít nhất bao nhiêu thời gian để chữa lành những tổn thương tâm lý khi bị bạo hành trong một thời gian dài đối với trẻ?

TS,BS QTM: Trong các trường hợp tổn thương tâm thần, để điều trị dứt điểm ít nhất cũng mất từ 6 tháng đến 1 năm bệnh nhân mới có thể hoàn toàn thoát khỏi ám ảnh tâm lý. Đây là chữa trị đúng phương pháp với sự hỗ trợ của bác sỹ chuyên khoa, thuốc và gia đình. Nhưng tôi khẳng định những tổn thương tâm lý do bạo hành chính là những tổn thương suốt đời cho dù được chữa trị đứa trẻ từng bị bạo hành luôn có những di chứng không thể kiểm soát.

PV: Thưa bác sỹ, sau vụ việc này, cha mẹ cần lưu ý điều gì khi gửi con đi nhà trẻ để có thể phát hiện trẻ bị bạo hành hoặc giúp trẻ tránh bị bạo hành?

TS,BS QTM: Có hai vấn đề cha mẹ luôn cần lưu ý thực hiện, thứ nhất là phải thường xuyên trao đổi với con mỗi khi đi học về bởi ngoài sự tương tác với bảo mẫu, thầy cô giáo, trẻ còn tiếp xúc với bạn bè. Sự trao đổi của cha mẹ sẽ giúp trẻ yên tâm, tạo hứng khởi khi đi học và nắm bắt kịp thời thông tin có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ như điều kiện học tập, quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo.

Tiếp theo phụ huynh cũng cần quan tâm đến điều kiện vật chất của các trường học khi gửi con như không gian vui chơi, nơi ăn, chốn ngủ, chất lượng học và trình độ của thầy cô giáo.

Thực hiện thường xuyên hai điều này cha mẹ sẽ phòng và tránh được nạn bạo hành cho trẻ em trong độ tuổi đến trường.

PV: Cảm ơn bác sỹ!

Thành Công (thực hiện)