Có một thôn hai chính quyền

07:00 | 29/10/2013

1,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi thật sự cảm giác mình đang đi vào thôn Đồi Ngai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) mà như là vào một ốc đảo. Không đường bê tông, không nước sạch, không trường học, không trạm y tế… và còn nhiều cái không nữa không thể kể hết ra đây được. Có lẽ, cái văn minh nhất có ở cái thôn nghèo này là dòng điện phập phù. Thật xót xa cho một thôn chừng 70 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu phải sống trong cảnh nghèo nàn cho dù họ được khoác lên mình “cái áo”… dân thủ đô. Bởi chỉ hai giờ đạp xe là ra đến Bờ Hồ.

Năng lượng Mới số 268

Biệt lập như… hoang đảo

Người lạ không thể thong dong bước để hưởng không khí ngày mùa mà phải lựa đường mà đi để tránh những ổ gà, gạch đá lởm chởm và cả những đống phân trâu, bò. Án ngữ ngay đường vào thôn là một ngôi nhà nếu như không có dòng chữ “Nhà văn hóa thôn Đồi Ngai” thì tôi không biết cái nhà này dùng để làm gì, vì nó trống hơ trống hoác trên nền cái sân rộng và bùn lầy, không được láng xi măng. Nhà văn hóa thôn Đồi Ngai được xây năm 2008 nhưng không có bàn ghế mà cũng chẳng có vật dụng gì. Mỗi khi có loa thông báo họp thôn, người dân Đồi Ngai phải cắp theo cái chiếu để ngồi. Còn loa phát thanh thì cứ như người viêm họng mãn tính, rè rè đến mức người nghe không hiểu phát thanh viên đang đọc gì. Dẫu vậy, đây được coi là công trình công cộng duy nhất của thôn.

Dân Đồi Ngai có điện từ khá sớm. Nhưng do phải dùng điện từ xã Nam Phương Tiến bên cạnh nên công tác thu tiền điện vất vả trăm đường. Đến ngày thu tiền điện, loa của xã Nam Phương Tiến có thông báo nhưng do tiếng loa công suất quá nhỏ, dân Đồi Ngai không nghe thấy nên chậm nộp tiền điện, thế là bị cắt. Nhiều lần ông trưởng thôn phải sang xã Nam Phương Tiến nói khó để xin được cấp điện trở lại. Hơn nữa, đường điện ở đây xuống cấp trầm trọng không thể sử dụng các thiết bị nghe nhìn, máy bơm nước… một cách thường xuyên. Tình trạng điện nhảy át-tô-mát diễn ra như cơm bữa.

Nhà văn hóa thôn Đồi Ngai đang bị bỏ hoang

Vào đợt tiêm chủng mở rộng, các bà mẹ trong thôn lại phải bế con sang Trạm Y tế Nam Phương Tiến để tiêm. Những bà bầu cũng chỉ biết sang Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến để vượt cạn. Có trường hợp “đẻ rơi” khi chồng chở vợ trên xe đạp vượt 10km sang Trạm Y tế xã Hoàng Văn Thụ.

Lại còn việc học hành mới lắm chuyện. Trường mẫu giáo và tiểu học Nam Phương Tiến B chỉ cách thôn Đồi Ngai chừng nửa cây số. Nên dù nhân khẩu thuộc xã Hoàng Văn Thụ nhưng tội gì con em của thôn phải lặn lội gần 10km để về xã Hoàng Văn Thụ học. Ông Trương Văn Cừ, Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ kể: “Bản thân tôi chưa bao giờ trao phần thưởng cuối năm cho các cháu ở thôn này cả. Bởi bọn trẻ học hết ở Nam Phương Tiến”. Thật là buồn. Con em xã mình vì lý do đường xá xa xôi phải đi học nhờ xã bên cạnh, đến dịp bế giảng cũng không thể phát cho các cháu tập vở, xoa đầu động viên các cháu học tập chăm chỉ, đúng là điều giản dị đó chưa bao giờ trọn vẹn với ông Cừ.

Người dân ở đây đang phải sống chung với nhiều số “không”, nhưng còn con số không đặc biệt quan trọng nữa là… không chính quyền.

Về mặt quản lý hành chính, Đồi Ngai thuộc xã Hoàng Văn Thụ nhưng mọi sinh hoạt cộng đồng của dân trong thôn đều “ké” sang xã Nam Phương Tiến liền kề. Ông Trương Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ cho biết, nguồn gốc của xã Hoàng Văn Thụ này có từ năm 1954, khi ấy có 4 thôn Công An, Tiến Văn, Thuần Nương, Yên Trình hợp lại. Sau đấy, dân cư thấy đây là vùng đất dễ sống, địa giới hành chính của xã phình ra thêm 6 thôn nữa, trong đó có Đồi Ngai. Thôn Đồi Ngai được lập năm 1979 do có một nhóm người là dân cư gốc Hoàng Văn Thụ sang địa phận xã Nam Phương Tiến gần đó canh tác. Vì thế mới có chuyện “mẹ sinh, bố nuôi” ở Đồi Ngai. Xã Hoàng Văn Thụ vẫn còn nghèo, vậy nên, một thôn nghèo nhất của một xã nghèo chưa hoàn thiện nhiều công trình điện, đường, trường, trạm… là điều dễ hiểu.

Ông Trương Văn Cừ xót xa: “Nhiều năm nay, xã đã gửi nhiều đơn từ đề nghị UBND TP Hà Nội phân định lại địa giới hành chính cho thôn Đồi Ngai. Hiện mọi sinh hoạt của người dân đều gắn với xã Nam Phương Tiến nên chúng tôi đã đề nghị được sáp nhập với xã này”.

Tuy được lập cách đây hơn 30 năm nhưng phải đến 2003, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) mới có quyết định phân giới hành chính xã Hoàng Văn Thụ, thành lập thôn Đồi Ngai. Trước kia, khi người dân đến đây lập thôn, khai hoang mở rẫy thì chuyện sổ đỏ sử dụng đất chưa bao giờ được đề cập. Thế rồi, từng mảnh đất phải chia cắt để cấp sổ đỏ. Nhớ lại cái ngày ấy, Trưởng thôn Lê Văn Chung bảo, việc cấp giấy quyền sử dụng đất của người dân phải cần tới… 9 con dấu và thời gian đợi chờ có khi đến 90 ngày. Sở dĩ thủ tục nhiều, thời gian lâu do xã Nam Phương Tiến phải tiến hành đo đạc bởi thôn Đồi Ngai nằm trên phần đất của xã này, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ giấy tờ sang cho xã Hoàng Văn Thụ để cấp giấy sử dụng đất. Thế mới biết, một khi có sự chồng chéo trong quản lý của chính quyền, người dân sẽ chịu những thiệt thòi không đáng có.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Để mắt thấy, tai nghe chuyện thôn Đồi Ngai nghèo, tôi mất không nhiều thời gian. Nhưng để biết nguyên nhân tại sao thôn này lại nghèo, tôi phải dầm mình nhiều ngày ở đây mới biết được tường tận gốc tích. Chuyện có từ chục năm trước, khi lập thôn thì kinh tế Đồi Ngai chủ yếu dựa vào việc khai thác các sản vật trong khu rừng quanh vùng và làm nông nghiệp giản đơn. Khi rừng mất dần, đất đai nông nghiệp trở nên cằn cỗi thì mô hình phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp ấy không phù hợp nữa, dân vẫn hoàn nghèo. Một thôn có hơn 300 khẩu mà không có đến một đảng viên, vì sao vậy? Trưởng thôn Lê Văn Chung rầu rĩ: “Tôi làm trưởng thôn chưa được bao lâu nhưng sống ở đây từ tấm bé, dân ở đây khổ quá, có đến 90% dân là hộ nghèo, cận nghèo. Chờ mỏi mắt cũng không thấy cháu nào thi đỗ đại học. Các cháu trong thôn chỉ học hết cấp 2 rồi về đi làm thuê, học lên cấp 3 cũng hiếm, thi đại học, cao đẳng càng hiếm, còn đỗ thì chưa thấy đâu, lấy ai học cao để kéo cái mặt bằng dân trí chung đi lên. Vậy là cứ như một vòng luẩn quẩn, dân trí thấp, lấy đâu cán bộ lãnh đạo được đào tạo bài bản, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương đi lên. Nghèo vẫn hoàn nghèo.

Anh Dương Đắc Tích là Phó trưởng thôn Đồi Ngai. Phụ cấp chức danh phó trưởng thôn của anh Tích không đủ để vợ anh mua cho con một hộp sữa 300 nghìn đồng chứ chưa nói đến việc hỗ trợ gia đình. Anh phải đi bốc vác thuê cho nhà máy thức ăn chăn nuôi của Thái Lan cách nhà 30km. Trong căn nhà 3 gian hẹp là nơi sinh sống của 6 con người, của cải không còn gì đáng giá ngoài chiếc xe máy của anh Tích dùng đi làm. Căn bếp nhà anh Tích chỉ rộng chừng 2m2. Xung quanh được lợp bằng lá cọ, nấu cơm không khéo, cháy cả gian bếp. Trong bếp chỉ có vài ba cái nồi được đặt trên chiếc kiềng đã mòn. Cạnh đó là chuồng trâu không có vách ngăn. Mùa hè thì muỗi, mùa đông gió lùa. Nhiều lần anh Tích phải thức trắng đêm để đốt rạ sưởi ấm cho trâu bởi nó không chỉ là gia tài lớn, nó còn là “đầu cơ nghiệp” của vợ chồng anh. Chị Đỗ Thị Thủy, vợ anh Tích năm nay tuy mới 27 tuổi nhưng đã có 3 mặt con. Cháu lớn nhất mới 6 tuổi, cháu út 18 tháng tuổi. Chị Thủy cũng chẳng dám mua sữa hộp cho con ăn. Người mẹ trẻ hằng ngày quần quật với việc đồng áng, rồi về lại chăm con, ăn uống chỉ có miếng đậu, đĩa rau thì làm gì có sữa để nuôi con. Chị nói trong nước mắt: “Cháu phải ăn cơm nhai để dành tiền thuốc thang cho bà”. Nhìn sang bà Nguyễn Thị Nghĩa đang ngồi trên giường quạt mát cho cháu. Tôi hơi nghi ngại, trông bà có vẻ khỏe mạnh, da dẻ căng đầy, sao lại bị bệnh?! Hóa ra, bà bị bệnh xương khớp, uống nhiều thuốc quá, chân tay phù nề, nên da dẻ căng ra, trông trẻ hơn tuổi nhưng thực sự bà rất yếu.

Khá hơn một chút so với nhà anh Tích là nhà ông Trưởng thôn Lê Văn Chung. Gia đình ông còn được ở nhà gạch xỉ, lợp mái prô xi măng, tuy đã lỗi thời từ lâu nhưng vẫn vững chãi chán. Bà vợ ông Chung hằng ngày trông coi cái cửa hàng tạp hóa, cầu mong có người lạ vào làng hoặc người đi công tác xa về mua cho túi xà phòng, túi đá lạnh, chai nước là cũng có thêm dăm ba chục nghìn mua thức ăn. Ông Chung thì hằng ngày hùng hục với công chuyện quản lý ở thôn nên cũng không làm gì ra tiền ngoài khoản phụ cấp, nói hơi quá, đi ăn 3 bữa cỗ là hết veo.

Còn ông Trương Văn Cừ, Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ cũng than là xã rất nghèo, có đến 7/10 thôn trong xã chưa có đường bê tông. Nhà nước rót tiền về cho xã đầu tư nhưng vốn đối ứng cộng với sức dân chưa đủ để làm. Những vấn đề khác như phát triển kinh tế trong xã thì rất khó đối với một thôn nghèo như Đồi Ngai.

Vực dậy thôn nghèo

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch xã Nam Phương Tiến, nơi có thôn Đồi Ngai đang trú ngụ chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận Đồi Ngai nếu được phê duyệt”. Vị chủ tịch xã cũng cho rằng cái lạ lùng nhất ở đây là một thôn mà hai chính quyền. Nếu quy về một mối thì dân trong thôn sẽ không nghèo như vậy.

Chỉ có chừng 10ha đất lúa nên người dân Đồi Ngai bao năm nay chỉ trông cậy vào lộc trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì no, năm nào mưa bão nhiều thì cánh đồng quanh thôn ngập trắng nước, nắng lắm thì ruộng nứt nẻ như chân chim, dân đói thê thảm.

Cơ sở để lãnh đạo xã Nam Phương Tiến tin rằng, có thể thay đổi hoàn toàn cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Đồi Ngai chính là việc Nam Phương Tiến là xã đầu tiên của huyện Chương Mỹ thành công trong công tác dồn điền đổi thửa được 1.080 mẫu. Ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Đồi Ngai chỉ có diện tích canh tác khoảng 10ha, nếu để chúng tôi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, áp dụng giống lúa mới thì dân cư của thôn sẽ no ấm ngay”. Mừng cho dân Đồi Ngai nếu có được một vị chủ tịch xã quyết đoán và dám làm như vậy.

Nam Phương Tiến có một nhà máy xi măng, lại có nghề đan lát. Vậy nên, những cơ hội việc làm này đang chờ đợi thanh niên Đồi Ngai xắn tay mà làm. Chưa hết, cái ý tưởng vực dậy một Đồi Ngai nghèo nàn của xã Nam Phương Tiến gần như đang sẵn sàng chờ ngày sáp nhập. Ông Vĩnh vẫn muốn mở rộng khu vườn bưởi Diễn của xã nằm cạnh Đồi Ngai để nơi đây trở thành địa chỉ mới cung cấp bưởi ngon cho thủ đô. Hiện nay việc mở rộng là không thể vì động đến đất của dân xã khác. Việc phối hợp giữa chính quyền hai xã chưa thật nhuần nhuyễn nên gây khó khăn mở rộng khu vườn bưởi. Nếu Đồi Ngai thuộc về Nam Phương Tiến rồi thì việc phát triển khu vườn sẽ vô cùng thuận lợi. Chính quyền xã cũng mong có ngày Đồi Ngai đổi đời.

Đức Chính