Chuyện kể tìm trầm

07:00 | 05/04/2013

2,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dạo một vòng những vườn trái cây, điều cuốn hút chúng tôi không phải là những loại cây trái lạ ở cả 3 miền hội tụ về đây mà là câu chuyện tìm trầm mà lão nông Ngô Văn Đào kể một cách rất tỉ mỉ.

Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi bắt chuyến đò ngang từ bờ bên Trung Phước để qua làng trái cây Đại Bình (thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) giữa trưa nắng. Con sông Thu Bồn mùa cạn đoạn chảy qua thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) vẫn đẹp vẻ hiền hòa, lãng đãng như bản thể của nó.

Nhìn về phía bên kia, những khu vườn cây trái, những ngôi nhà nho nhỏ lấp ló sau lũy tre làng dày đặc. Dạo một vòng những vườn trái cây, điều cuốn hút chúng tôi không phải là những loại cây trái lạ ở cả 3 miền hội tụ về đây mà là câu chuyện tìm trầm mà lão nông Ngô Văn Đào kể một cách rất tỉ mỉ.

Chuyện trầm của một lão nông tri điền...

Câu chuyện giữa buổi trưa nắng xoay quanh cây trái dưới một gốc sầu riêng trong vườn nhà ông Đào rồi cũng vãn. Như muốn làm cho khách vui và say hơn, ông vào nhà, lấy một ít dăm gỗ gì đấy (mà sau đó chúng tôi mới biết là trầm), săm se mãi rồi bỏ vào một cái lư, đốt lên, rồi để trên một cái ghế đẩu cạnh chỗ chúng tôi ngồi. Khu vườn như tao nhã hơn, trầm mặc hơn giữa khói và hương trầm tỏa ra dìu dịu... Và câu chuyện tìm trầm của những người dân làng Đại Bình này cũng được ông kể một cách say sưa...

Giờ ông Ngô Văn Đào chỉ còn một mình với mảnh vườn hơn 1 mẫu đất cùng ngôi nhà ọp ẹp khi 4 đứa con đều đã đi làm hoặc có gia đình ở xa, vợ thì ở với gia đình đứa con trai lớn. Ngoài thú điền viên với vườn cây, mấy con chim, mấy con gà đá, ông lâu lâu lại một mình hoặc theo những đoàn phu trầm lên các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My để tìm trầm.

Sau hơn 30 năm tìm trầm ông Đào vẫn chưa giàu lên được

Vừa là một thú vui, vừa lại tìm cho mình một cơ hội để giàu lên. Ông bảo giờ giàu cũng chỉ lo cho đứa con gái út mới ra trường chiếc xe máy và xây lại ngôi nhà thôi. Ông già rồi, nên thường chọn phương án đi một mình, vừa dễ tiếp cận với đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi khi đến nơi, lại thoải mái hơn khi đi với đám trai trẻ ồn ào, hiếu thắng. Dù tất nhiên, hồi trẻ ông cũng vậy...

Chỉ tay qua những ngôi nhà vắng hoe trong làng, chỉ còn lại phụ nữ, con nít và người già, ông bảo: "Đấy anh xem, thanh niên cả làng đều lên đường tìm trầm hết. Ở nhà bám lấy vườn cây ăn quả thì biết bao giờ mà giàu được, nên chúng nó bỏ làng vào rừng tìm trầm cả rồi. Làng ni đi dồn dồn lại cũng gần 100 người rồi. Đa số là đi lên các tỉnh Tây Nguyên. Nhất là vừa rồi nghe nói dân Đại Lộc trúng trầm kỳ mấy chục tỉ ở Khánh Hòa nên dân làng ni cũng đổ bộ vào với cơm đùm cơm gói, với những đồng tiền góp nhặt và vay mượn. Đi lâu rứa mà chưa nghe tin tức chi cả...".

Rồi trong dòng ký ức chảy về với chuyện tìm trầm, ông bảo thời trai trẻ mình cũng "chinh chiến" nhiều lắm. Không có vùng rừng núi nào ở miền Trung nghe đồn có trầm mà ông không lặn lội tìm tới. Nhiều lúc hành trang trên vai đã cạn, tiền trong túi cũng không còn, ông và những phu trầm khác cũng phải lần mò giữa rừng sâu, múc nước suối để uống, hái rau rừng để ăn. Chứ giữa rừng âm u biết làm gì bây giờ. Đi có khi hàng tháng trời trong thiếu thốn và đói khát như thế, nhưng lắm lúc lại trở về tay trắng. Ngày đoàn phu trầm trở về với thân xác bơ phờ, mệt mỏi, vợ con ông nhìn, lắc đầu, bảo đừng đi nữa. Nhưng hình như đôi chân không thể dừng một chỗ, nửa tháng sau, ông lại cùng những người khác khăn gói lên đường...

Nhiều người mải miết tìm trầm cả đời mong được đổi đời

Hơn 30 năm vừa làm vườn, vừa tìm trầm, ông Đào vẫn chưa thể giàu lên được. Ông mỉm cười bảo với chúng tôi rằng giờ ông mới thực sự nghiệm ra giàu nghèo đều có số cả, và lộc rừng cũng không dễ gì ăn. Có người đi tìm ngót cả đời như ông, lần được nhiều nhất, bán cũng chỉ chưa tới 10 triệu. Lại có người chỉ vừa đi đợt đầu đã trúng tới vài trăm triệu, có khi là bạc tỉ. Mỗi lần dân làng trúng trầm, loan tin về, ông chỉ biết tặc lưỡi, gãi đầu đầy tiếc nuối vì có khi vùng ấy ông vừa tìm xong trở về mà không thấy gì. Giờ đã qua cái tuổi "tri thiên mệnh", đâu phải ông tham lam làm giàu gì, nhưng vẫn muốn kiếm chút gì đó lo thêm cho những đứa con còn nghèo, còn thua kém người khác. Vậy là lâu lâu lại khăn gói tìm đường lên núi...

Đại Bình nổi lên nhiều cơ ngơi sung túc nhờ trầm...

Giờ đây, ở làng Đại Bình, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn (Quảng Nam), nhắc đến những cái tên như Ngô Thành Vũ, Nguyễn Bảy, Phan Thân... là người làng nghĩ ngay đến trầm và giá trị tuyệt diệu của nó. Những người này, ngoài việc tìm trầm, còn làm luôn việc thu mua trầm nguyên liệu, chế biến và sau đó tự mình mang sang Trung Quốc bán theo một đường dây mà chỉ có họ mới biết.

Có khi người và trầm cùng đi, có khi đi bằng 2 đường khác nhau để tránh sự để mắt của công an và quản lý thị trường. Một tháng, có khi họ qua biên giới đến 2, 3 lần để buôn trầm. Dân làng nghe họ kể chuyện họ đi máy bay như người ta đi chợ mà phát thèm.

Nhiều gia đình ở Đại Bình giàu lên nhờ "trúng" trầm

Ông Ngô Văn Đào dè dặt hồi lâu rồi nói nhỏ: "Tui nghe nói chuyến vừa rồi, thằng Thân (tức Phan Thân) làm một vụ trầm qua Trung Quốc được hơn 1tỉ. Tất nhiên có vài người làm cùng nữa. Chừng đó là con số mà tui mơ ước cả đời cũng không được. Mà riêng chi tui mô, gần như cả làng ni đều mơ như rứa hết. Tụi hắn trúng trầm là về xây ngay cái nhà to tổ cha liền à. Đời người, lên xuống mấy chút lắm anh hè... Đời cha tụi nó nhà nghèo lắm... Bởi rứa, ông bà ta nói: "Ai giàu ba họ..."". Ông không kịp nói hết câu, cơn ho sặc sụa đã kéo tới. Đôi mắt ông đỏ ngầu, rân rấn nước sau đôi kính lão. Chúng tôi cố cười để lái câu chuyện sang một hướng khác...

Chiều dần xuống, sợ câu chuyện còn dài giữa hương trầm như muốn níu chân người mà trời thì đang lất phất mưa, có thể mưa to hơn do ảnh hưởng bão số 8, chúng tôi xin phép ông ra về... Vẫn rất chân tình, ông dẫn khách ra đến tận cổng làng, chỉ cho một con đường đi xe máy, không cần quay lại bến đò mà vẫn về xuôi được. Ông đưa tay chỉ vào những ngôi nhà khang trang mới xây, bảo đó là nhà của những phu trầm mới trúng về xây. Toàn làng cũng đã có gần chục ngôi nhà mới như thế...

Rồi ông nhìn đăm đắm ra phía sông, bảo chúng tôi rằng thứ trầm này cũng ác lắm. Trúng cũng không xong mà không trúng thì cũng lao đao cả đời. Ông bảo rất nhiều phu trầm ở làng này hay những nơi khác đều phải "trả" khi ăn lộc rừng một cách quá tham lam. Câu chuyện dừng lại ở đấy. Và ông Đào hẹn chúng tôi một hôm nào đó lại đến, khi cây trái đầy vườn, thời gian dài dài, ông sẽ kể nhiều hơn và biết đâu có thể dẫn chúng tôi theo trong một cuộc tìm trầm. Mỉm cười và cảm ơn ông, chứ chúng tôi thật tình không dám hứa trước...

Xe chạy ra khỏi làng Đại Bình, xuống tới trung tâm thị trấn Trung Phước, trong đầu tôi vẫn còn mường tượng ra những ngôi nhà mới khang trang mà ông Đào vừa chỉ. Mong sao, hạnh phúc sẽ tới với họ thật sự khi đã được ăn lộc rừng... Bởi, đa phần dân làng này còn nghèo, chủ yếu dựa vào vườn cây trái để ăn qua ngày. Và lòng cũng nguyện cầu cho trầm sẽ mang lại yên vui cho vùng đất hiền hòa này chứ không phải là những cái mà theo ông Đào là "trả giá"...

Nguyễn Thành Giang