Chưa đến hè đã lo thiếu điện

11:55 | 17/03/2013

868 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo dự kiến, với nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong những tháng mùa khô tới, trong khi tình hình khô hạn tại các tỉnh miền Trung, miền Nam lại đang diễn biến hết sức phức tạp, áp lực bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt năm nay sẽ rất căng thẳng.

“Mỗi năm đến hè… lại lo thiếu điện”

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dòng chảy toàn mùa Đông Xuân năm 2012-2013 ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 10-30%, còn các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An trong những tháng mùa khô này có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm 15-30%, các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thấp từ 40-50%, có nơi thấp hơn; khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ trung bình năm ngoái hoặc thấp hơn khoảng 10-15%.

Mặc dù đã chủ động tích nước các hồ từ sớm nhưng hiện mực nước nhiều hồ thủy điện lớn vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện trên dòng Sêsan đang hết sức căng thẳng

 

Hiện nay, hầu hết các hồ thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều mong lũ tiểu mãn sẽ về trong tháng 6. Tuy nhiên, nếu lặp lại tình trạng không có lũ như năm 2012, chắc chắn thủy điện - nguồn cung cấp điện lớn nhất trong cơ cấu hiện nay - sẽ khó hoàn thành kế hoạch phát điện.

Việc thiếu hụt nguồn nước khoảng 5,297 tỉ m3 sẽ khiến sản xuất điện thiếu hụt khoảng 1,43 tỉ kWh, tình hình cung ứng điện cả nước sẽ hết sức căng thẳng, đặc biệt trong những tháng nắng nóng. Trong khi đó, EVN cho biết, năng lực truyền tải điện qua các đường dây 500kV, 220kV lại bị giới hạn, ở miền Nam còn không có nguồn phát điện mới trong năm nay. Dự kiến, Dự án Vĩnh Tân 2 sớm nhất cũng phải đến năm 2014 mới phát điện, còn những dự án khác như Duyên Hải 1 và 3, Ô Môn… có khả năng đến năm 2015 mới đưa vào vận hành.

Hiện tại, tổng nguồn điện của miền Nam đạt gần 56 tỉ kWh, riêng mùa khô là hơn 29 tỉ kWh. Trong khi đó, nhu cầu ở khu vực này ước cả năm lên đến khoảng 65 tỉ kWh, mùa khô gần 32 tỉ kWh. Như vậy, miền Nam bị thiếu hụt khoảng 9 tỉ kWh, mùa khô thiếu gần 3 tỉ kWh so với nhu cầu.

Nỗ lực của EVN

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá, mặc dù trên phạm vi cả nước vẫn bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt nhưng sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở một số địa bàn, trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có biện pháp cung ứng điện ổn định, trong đó phải tính tới huy động cả nguồn điện giá cao chạy bằng dầu.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường cũng đưa ra dự báo, từ tháng 3 đến tháng 6 có thể vẫn có đủ điện, tuy nhiên nếu hạn hán diễn ra gay gắt và nhu cầu sử dụng tăng đột biến, có thể sẽ phải tăng cường sử dụng nguồn điện chạy dầu giá khoảng 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kWh.

Theo Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành, dự kiến bình quân điện sản xuất của toàn hệ thống trong tháng 3 là khoảng 355 triệu kWh/ngày và khoảng 11 tỉ kWh cả tháng. Tuy nhiên, thực tế 3 ngày đầu tháng cho thấy sản lượng điện thương phẩm đã lên tới 365 triệu kWh/ngày. Như vậy, có thể sản lượng điện tháng 3 sẽ tăng cao hơn kế hoạch khi thời tiết miền Nam, miền Trung vẫn nắng nóng. Mục tiêu trong tháng 3 của EVN là khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và turbine khí, các nguồn thủy điện điều tiết nước cho mùa khô.

Dự kiến, trong năm 2013, EVN phải huy động 1,57 tỉ kWh điện chạy dầu FO và DO, trong đó mùa khô là 1,113 tỉ kWh với chi phí giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí. Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương để có thể cung cấp đủ điện trong mùa khô thì cần huy động thêm các nguồn điện chạy than và dầu thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bên cạnh đó, EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia tập trung đưa vào vận hành các công trình trọng điểm tăng cường cho lưới điện  miền Nam và các công trình nâng cấp lưới truyền tải miền Nam. Hơn nữa, theo kế hoạch, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (Thanh Hóa) có công suất 600MW và Nhà máy Thủy điện Bản Chát (Lai Châu) có công suất 220MW sẽ phát điện lên lưới trong tháng 4 tới, bổ sung công suất cho hệ thống.

Tại TP HCM - trung tâm thương mại và kinh tế lớn nhất cả nước, dự báo nhu cầu phụ tải năm 2013 gia tăng, sản lượng điện thương phẩm đạt 18.150 triệu kWh, tăng gần 8,48% so với thực hiện năm 2012. Trong tình hình căng thẳng như hiện nay, Tổng Công ty Điện lực TP HCM đưa ra kế hoạch để đối phó nếu xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới. Điện lực thành phố sẽ tổ chức công tác sửa chữa bảo trì, nâng cấp lưới điện và thông báo lịch cắt điện đến khách hàng trước ít nhất 5 ngày, phân nhóm đối tượng ưu tiên khách hàng cần cung cấp điện.

Ngoài ra, ngành điện TP HCM cũng xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối trong điều kiện hệ thống điện thiếu 1%, 2%, 4%, 6%, 8% và 10% sản lượng và công suất hệ thống. Bên cạnh đó, điện lực tiếp tục tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện đến người dân, tổ chức; kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm mất an toàn trên hệ thống điện để đảm bảo cung cấp điện an toàn cho người dân.

Cùng với các giải pháp quyết liệt của EVN trong việc đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2013, EVN đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho việc cung ứng điện, đồng thời còn là hành động tiết kiệm tài nguyên quốc gia.

Minh Châu