Chủ tịch Hà Nội "vi hành" bến xe Mỹ Đình

07:00 | 10/07/2013

1,109 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 9/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có chuyến “vi hành” đến bến xe Mỹ Đình để khảo sát và sắp xếp lại các luồng tuyến cho phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách, giao thông đô thị.

Kiên quyết giảm tải bến xe Mỹ Đình

Trước khi đến bến xe Mỹ Đình khảo sát, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã có chuyến thị sát dọc tuyến Vành đai III - cầu Thăng Long - Bắc Thăng Long - Nội Bài để xem xét những vị trí có khả năng bố trí đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe. Sau khi đi một loạt địa điểm trên đường Vành đai III, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp vào thị sát tình hình hoạt động tại bến xe Mỹ Đình.

Quan sát hoạt động, tận mắt chứng kiến cảnh chen lấn, chật chội của bến, Chủ tịch thành phố đặt ra câu hỏi: “Tại sao có một khu đất trống sau bến mà không mở rộng bến xe Mỹ Đình?”. Trước câu hỏi của Chủ tịch thành phố, đại diện các sở ngành Hà Nội cho biết, đây là khu đất nông nghiệp của dân rộng khoảng 1,3ha, được người dân ở đây thiết lập như một bến xe "dù" và rất phức tạp. Vì vậy, khi vào làm việc không được sự ủng hộ của người dân.

Chỉ tịch Nguyễn Thế Thảo khảo sát bến Mỹ Đình từ trên cao.

Nghe các sở ngành phân trần xong, ông Thảo khẳng định: “Khu đất đó đã quy hoạch mở rộng bến xe thì chỉ có bến xe được làm ở đó. Vấn đề quan trọng là giải quyết nút thắt ở khu đất phía sau bến Mỹ Đình quan trọng nhất là hình thức đầu tư. Phải nghiên cứu hình thức đầu tư sao cho phù hợp vì người dân muốn có lợi ích trong đó. Ví như có thể cho người dân góp vốn bằng đất, coi như cổ phần ở trong bến”.

Sau khi thị sát trong và ngoài bến xe, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các sở, ban ngành liên quan: Xe khách chạy đường 6 về Hà Nội (tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên…) và đường mòn Hồ Chí Minh buộc phải về bến xe Yên Nghĩa. Dứt khoát không cho xe từ Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa về bến Mỹ Đình nữa. Những tuyến xe này phải tập kết ở các bến phía Nam.

Sau khi khảo sát, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các ban ngành phải kiên quyết giảm tải bến xe.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bến xe Mỹ Đình sẽ tập trung phục vụ xe các tuyến đường số 2, số 3 đi Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Sau này, Hà Nội tiếp tục mở thêm bến xe phía bắc Long Biên sẽ là nơi tập kết xe khách các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên...

Ngoài ra, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo còn yêu cầu các đơn vị liên quan phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch điểm đỗ xe và tình trạng pháp lý của các khu đất. Nếu đủ điều kiện và phù hợp quy hoạch, phải khẩn trương xây dựng các điểm đỗ mới để giảm tải cho các bãi đỗ xe cũ đang trong tình trạng quá tải.

Hai phương án giảm tải bến Mỹ Đình

Trước khi “vi hành”, sáng ngày 8/7, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã nghe Sở Giao thông Vận tải báo cáo về phương án giảm tải bến xe Mỹ Đình. Theo đó, Hà Nội hiện có 6 bến xe khách lớn, gồm: Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm, Lương Yên, Mỹ Đình, Yên Nghĩa và một bến xe quy mô nhỏ Sơn Tây. Ngoài Bến xe Yên Nghĩa, hiện các bến đều quá tải, đặc biệt là bến xe Mỹ Đình. Bến xe Mỹ Đình hàng ngày có hơn 900 lượt xe xuất bến, cao điểm lên tới 1.200 lượt xe.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nôi cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, hơn một tháng qua, ngành giao thông Hà Nội đã phối với với Công an thành phố, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tập trung chấn chỉnh toàn diện bến xe Mỹ Đình. Trong đó, đã thành lập 2 đoàn thanh tra công vụ, kiểm tra Phòng quản lý đường bộ về cấp phép, hoạt động tại bến. Đã chấn chỉnh khu vực đón, trả khách trong bến với việc kiên quyết xử lý với các xe chạy sai lộ trình. Đặc biệt, đã giải tỏa 8 bến xe trái phép xung quanh bến.

Mỗi ngày có hơn 900 lượt xe xuất bến, đây là con số quá lớn đối với bến xe Mỹ Đình.

 

Trong thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông đã bố trí 9 chốt trực xung quanh bến, 5 tổ tuần tra cơ động để kiểm tra, xử lý các vi phạm. Đã kiểm tra, xử lý 1.738 phương tiện, phạt trên 1,7 tỉ đồng, tạm giữ 60 ô tô; cắt 29 lượt xe của 18 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tại bến xe Mỹ Đình do vi phạm chạy vòng vo, đón khách trái phép.

Để giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, Sở Giao thông Vận tải đưa ra hai phương án để UBND TP xem xét quyết định. Cụ thể, phương án 1: điều chuyển 404 lượt xe/ngày từ bến xe Mỹ Đình đi các bến (như Kế hoạch 735 của Sở GTVT ngày 4/6/2013). Phương án 2: điều chuyển một phần,­­­­ với mục tiêu giảm 300 xe.

Ngoài ra, cả hai phương án đều đề nghị thực hiện điều chuyển 52 phương tiện (tương đương 45 lượt xe/ngày) của 33 doanh nghiệp đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình về các bến xe khác trên địa bàn theo quy hoạch chung, thời gian thực hiện từ ngày 21/7/2013. Các ý kiến tại hội nghị đều cơ bản đồng tình với phương án giảm tải cho bến xe Mỹ Đình là cần thiết.

Thiên Minh