'Chờ đợi sự thẳng tay của chị Tiến!'

10:46 | 13/11/2014

2,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị An bày tỏ sự bức xúc trước những vụ quan chức Việt Nam bị tố nhận tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Mặc dù Công ty Bio - rad hoạt động ở Việt Nam từ 2005-2010, từ trước khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế (năm 2011) nhưng ĐBQH Nguyễn Thị An vẫn "chờ đợi sự thẳng tay của chị Tiến".

Trong khi nghi án công ty Nhật “lại quả” cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yen chưa kịp lắng dịu thì dư luận trong nước lại dậy sóng với nghi án quan chức ngành y tế nhận hối lộ 2,2 triệu USD.

Nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng, tình trạng các công ty nước ngoài sẵn sàng đưa những khoản tiền khủng cho các quan chức Việt Nam để trúng thầu các công trình, dự án, không phải là hiếm hoi.

Từ nghi án hối lộ triệu đô ngành y: Ở nước ngoài Bộ trưởng sẵn sàng từ chức…

ĐBQH Bùi Thị An nhấn mạnh cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

 

Những ngày gần đây, dư luận Việt Nam chấn động với nghi án về hối lộ quan chức Việt Nam trong lĩnh vực y khoa qua công bố của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Mỹ. Công bố cho biết, trong thời gian từ năm 2005 -2010, công ty thiết bị và nghiên cứu y tế của Mỹ Bio-Rad đã hối lộ số tiền 7,5 triệu USD tại Nga, Thái Lan và Việt Nam và thu về 35 triệu USD tiền lợi nhuận trái phép.

Công ty Bio-Rad bị cáo buộc sử dụng những nhân vật trung gian ở Việt Nam và Thái Lan để giành được các hợp đồng mua bán nhờ những khoản hối lộ và tiền hoa hồng bất hợp pháp qua việc bán các sản phẩm cho các nhà phân phối Việt Nam với giá rẻ. Những nhà phân phối này sẽ cắt phần chiết khấu từ việc bán rẻ để hối lộ.

Theo tài liệu mà SEC công bố, từ năm 2005 đến 2009, đại diện ở Việt Nam của hãng cho phép thực hiện việc hối lộ để được thuận lợi kinh doanh. Trong một email nội bộ, đại diện này nói với nhân viên tài chính ở Singapore rằng việc trả tiền cho bên thứ ba là vi phạm đạo đức kinh doanh của hãng, nhưng Bio-Rad sẽ mất 80% doanh thu nếu không làm như vậy.

Diễn biến mới nhất, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Tổ điều tra làm công tác thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nghi án hối lộ của công ty Bio-Rad. Tổ công tác gồm 10 thành viên do PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Tổ trưởng.

Từ nghi án hối lộ triệu đô ngành y: Ở nước ngoài Bộ trưởng sẵn sàng từ chức…

Liên quan đến nghi án "hối lộ 2,2 triệu USD” , Bộ Y tế cho biết đã phát hiện có 6 công ty có đơn hàng nhập khẩu thiết bị từ Công ty Bio – Rad.

 

Tổ công tác có nhiệm vụ thu thập, thống kê hồ sơ, tài liệu liên quan đến các trang thiết bị, hóa chất sử dụng kèm trang thiết bị, thuốc, vắc-xin, sinh phẩm y tế do công ty Bio-Rad sản xuất, lưu hành và được sử dụng tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009.

Còn nhớ, đầu năm 2014, nhiều tờ báo Nhật Bản đã đồng loạt đưa tin về chủ tịch một hãng tư vấn Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (tương đương 780.000 USD hoặc hơn 16 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại) để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng ngay sau đó đã đánh giá thông tin về việc hối lộ mà báo chí Nhật đưa là rất nghiêm trọng và phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Đầu tháng 5/2014, sau hơn một tháng điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và đối với ông Trần Quốc Đông (Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) và 5 cán bộ của Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty. Các bị can bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trao đổi với PetroTimes, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc trước những vụ quan chức Việt Nam bị tố nhận tiền “bôi trơn” của doanh nghiệp, công ty nước ngoài. Bà An cho hay, hiện nay vấn đề quan chức nhận “lại quả” rất tinh vi và khó kiểm soát. Bởi lẽ chúng ta kiểm soát tài sản của quan chức, cán bộ qua tiền mặt. Trong khi đó hối lộ có nhiều cách, đơn cử như người ta tài trợ cho cán bộ Việt Nam đi nước ngoài du lịch nhưng lấy lý do là đi dự hội thảo thì làm sao phát hiện đó có phải hối lộ không?.

Cũng theo Bà An, chúng ta đã có Luật Đấu thầu nhưng việc thực thi chưa hiệu quả. “Từ những vụ việc lùm xùm trên, chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành những điều luật cụ thể trong Luật Đấu thầu để kiểm soát chặt chẽ những tiêu cực trên”, bà An cho hay.

Mặc dù Công ty Bio - rad hoạt động ở Việt Nam từ 2005-2010, từ trước khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế (năm 2011) nhưng ĐBQH Nguyễn Thị An vẫn "chờ đợi sự thẳng tay của chị Tiến".

“Ví dụ như vụ chủ tịch một hãng tư vấn Nhật Bản thừa nhận hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã rất cương quyết trong việc này và xử lý, thậm chí mạnh tay “trảm tướng” trong ngành đường sắt, từ đó vụ việc mới được phanh phui, xử lý. Chúng tôi vẫn đang chờ Bộ trưởng Y tế hành động mạnh mẽ để từ đó “truy tận gốc” cán bộ sai phạm”, ĐBQH Bùi Thị An nhấn mạnh.

Thảo Phượng