Chim cảnh đang bị bỏ quên trong dịch cúm A/H7N9

06:55 | 17/04/2013

3,347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cúm gia cầm H5N1 bùng phát ở một số địa phương, cùng với đó là virus cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan nhanh chóng. Những con chim cũng trở thành một trong những nguồn lây bệnh nhanh nhất. Tuy nhiên, ở Thủ đô Hà Nội, chim cảnh vẫn được bày bán trên nhiều tuyến phố, các quán "cà phê chim" vẫn tấp nập như chưa từng có nỗi sợ về virus H7N9.

>> Bộ Y tế sẽ sớm ban hành phác đồ điều trị cúm A/H7N9

>> Người dân thờ ơ với cúm A/H7N9

Nhiều cửa hàng chuyên bán chim cảnh vẫn nhộn nhịp.

 

Bộ NN-PTNT đã có lệnh cấm việc chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị. Nhưng, đối với chim cảnh hiện vẫn chưa cấm mà chỉ không khuyến khích nuôi tràn lan và nếu nuôi phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Nhưng như thế nào là kiểm soát thì chẳng người nuôi chim nào được biết. Cán bộ địa phương chắc cũng chẳng nắm rõ bởi đến nay chưa có những quy định, chế tài cụ thể cho việc quản lý những con chim cảnh đang được bày bán hay nuôi dưỡng trong các hộ gia đình.

Chim cảnh không được kiểm dịch hay tiêm phòng

Lâu nay, chơi chim cảnh đã trở thành một trong những thú chơi không thể thiếu của nhiều người dân ở Hà Nội và khu vực lân cận. Chỉ cần dạo quanh nhiều tuyến phố, ta không khó để bắt gặp hình ảnh các hộ gia đình treo lồng chim trước cổng nhà mình. Và tất nhiên khi có cầu ắt sẽ có cung, nên, các khu chợ chim cảnh tự phát theo đó cũng phát sinh.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám, tại các chợ Hàng Da, chợ Thành Công A… có khá nhiều cửa hàng bán chim cảnh, gà cảnh dường như không chịu bất cứ sự kiểm tra, quản lý nào.

Chị Thủy, một người kinh doanh chim cảnh trên đường Bưởi cho biết: “Chúng tôi kinh doanh chim cảnh ở đây đã nhiều năm nay nhưng không thấy ai cấm, chỉ thỉnh thoảng cơ quan thú y đến phun thuốc khử trùng. Riêng việc tiêm ngừa cúm gia cầm cho chim thì không được thực hiện. Vì thế, chúng tôi chăm sóc, kinh doanh chim chỉ cho uống thuốc, nhỏ thuốc phòng thôi chứ không được tiêm cúm gia cầm gì cả”.

Những xe chim cảnh bán rong là hình ảnh quen thuộc trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.

 

Tại chợ bán chim cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám - Hà Nội, dù đang là kỳ dịch cúm nhưng vẫn tấp lập kẻ bán, người mua. Chim cảnh bán tại đây được nhập chủ yếu là miền núi phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương v.v, hoặc do chính những người bán tự bẫy được. Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại chim bày bán tại chợ này được chuyển từ miền Nam ra hay từ các tỉnh giáp vùng giáp biên nên không ngoại trừ chim từ Trung Quốc chuyển về.

Anh Quý, chủ một cửa hàng tại đây cho biết, mặc dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, phản ánh nhiều trong mấy ngày qua về dịch cúm. Tuy nhiên cho đến nay cũng chẳng thấy ai đi kiểm dịch chim bao giờ cả. Chim thì do các mối đưa đến giao tận chợ, cũng chẳng rõ là từ đâu, chủ yếu ở Bắc Ninh và mấy tỉnh miền núi phía Bắc.

Ghi nhận tại các điểm chợ chim cảnh trên, chúng tôi đều nhận thấy người mua cũng chỉ lựa chọn mua bằng cảm tính và quan tâm đến mã, sức khỏe, giọng hót chứ hầu như không quan tâm đến việc những con chim được họ mua về nguồn gốc từ  đâu, kiểm dịch như thế nào.

Với những loại chim giá rẻ chuyên dùng để phóng sinh cả người mua lẫn kẻ bán không cầu kỳ về nguồn gốc mẫu mã, chỉ cần còn sống, còn bay là được.

Chim cảnh với nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau tập trung bày bán tại chợ có thể khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch rất cao. Vậy nhưng những ngày này người mua, và người bán tại các chợ chim vẫn chỉ quan tâm và tán với nhau về con chim nào đẹp, con nào hót hay, con nào mã tốt mà chẳng thấy ai nói đến dịch cúm gia cầm, hay cách chống dịch ra sao.

Lãng quên chim cảnh trong phòng dịch cúm

Theo các nhà khoa học, chủng cúm gia cầm H7N9 này bắt đầu từ chim hoang dã. Về bản chất, chủng cúm A/H7N9 có tám đoạn gen, đều có nguồn gốc từ ba loại virus từng làm gia cầm nhiễm bệnh nhiều nơi trên thế giới và được phát hiện trong chim hoang dã ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Chim cảnh, chim nước ở nước ta hầu hết đều có nguồn gốc từ chim hoang.

Nhưng đáng lo hơn là trong điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc nhân tạo còn nhiều khiếm khuyết thì chúng khó tránh khỏi khả năng tự đề kháng với dịch bệnh bị hạn chế, nguy cơ lây nhiễm virút cúm sẽ càng cao.

Mặt khác, các nhà khoa học cho biết do loại virút cúm gia cầm mới H7N9 khi lây nhiễm cho một số gia cầm có thể không gây ra những triệu chứng dễ nhận biết nên khả năng phát hiện còn khó hơn virút H5N1. Điều này rất đáng lo vì chim cảnh sống chung trong cộng đồng, hay chim nước hoang dã bị bắt bán ở chợ hằng ngày vẫn gần gũi bên con người, làm sao biết con nào nhiễm bệnh hay không bệnh để phòng tránh?

Tại Trung Quốc tính đến ngày 14/4, tổng trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 tại đất nước này đã tăng lên con số 51, nhưng đã có 11 người tử vong và còn nhiều người đang trong tình trạng nguy kịch, số ca mắc chủng cúm mới này đã vượt ra ngoài phạm vi các tỉnh phía đông Trung Quốc. 

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không dùng gia cầm chưa rõ nguồn gốc.

 

Trước tình hình bệnh cúm A/H7N9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp để chủ động phòng chống cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người. Thiết nghĩ ngay lúc này, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cần được quan tâm triển khai tại các khu chợ này. Tránh tình trạng, xảy dịch rồi mới lo dập dịch.

Nguyễn Hoan