“Chảy máu chất xám”, bao giờ mới chấm dứt?

06:30 | 03/11/2013

5,070 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm qua, vấn đề “chảy máu chất xám” luôn được quan tâm hàng đầu bởi cho đến nay vẫn chưa có “thuốc cầm”, chưa nói đến thuốc “đặc trị”. Điều này xuất phát từ cơ chế quản lý của Nhà nước đối với chủ nhân của “chất xám” hay do khoa học kỹ thuật lạc hậu?

Đường về gập ghềnh

Trong các buổi tọa đàm, các ngày hội tuyển sinh, du học, đa phần các học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh… khi được hỏi “học xong bạn có trở về để đem những điều mình học ra phục vụ đất nước không, đều nhận được câu trả lời rằng “rất muốn trở về”. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Rất nhiều người, sau những năm tháng sống và học tập ở nước ngoài xong đều ngại hoặc không muốn trở về.

Nhiều du học sinh cho biết, việc “một đi không trở lại” của họ là do cơ chế. Rất nhiều người muốn được đem tài năng của mình ra để phục vụ trong các cơ quan nhà nước, thế nhưng họ không được trọng dụng. Có người vác tấm bằng loại ưu khi tốt nghiệp đại học ở trong nước và vác bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ nước ngoài về đi xin việc, lại nhận được cái lắc đầu, không nhận vì “không có cơ chế đãi ngộ với người “quá xuất sắc”. Vì sao?

Có lẽ một số “sếp” với kiến thức cổ hủ, quan điểm bảo thủ sợ bị nhân viên giỏi vạch mặt sự yếu kém của mình hoặc cũng có lẽ, họ sợ “cái ghế” của mình bị lung lay. Thực tế đã chứng minh, không ít các tỉnh thành, học sinh tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu về cất bằng đi làm công nhân, trong khi đó những chuyên tu, tại chức thì vẫn nghiễm nhiên ngồi rung đùi, uống nước chè, mài đũng quần ở các công sở.

Nhiều du học sinh sau khi học xong đều chưa và không muốn về nước làm việc  (Ảnh minh họa)

Một số nghiên cứu sinh sau khi tu nghiệp ở nước ngoài trở về, muốn được công tác ở cơ sở nhà nước nhưng đều không được ưu tiên. Họ vẫn phải trải qua các bước đơn thuần như những người đi xin việc khác và phải thi biên chế… mới được vào làm chính thức… Thế nên, rất nhiều nghiên cứu sinh, du học sinh khi trở về nước được một thời gian, họ lại quay trở lại đất nước họ được đào tạo để làm việc. Bởi con đường quay trở về của họ gặp đầy chông gai, trắc trở vì thiếu các chế độ đãi ngộ… Trong khi đó, những du học sinh đi học bằng tiền của gia đình, bằng việc kiếm học bổng của các trường, công ty, các tổ chức… muốn trở về, không biết phải “về đâu”.

Nguyễn Thị Thúy, du học sinh tại Đài Bắc, Đài Loan tâm sự: “Em đi học bằng tiền của gia đình. Sau gần 5 năm học tập ở Đài Loan, em rất muốn được trở về để làm việc trong nước. Thế nhưng, trở về, em sẽ làm ở đâu?”. Vì khi cô hỏi bạn bè, ai cũng nói đang thất nghiệp hoặc phải làm những công việc trái ngành. Thúy học được nghề "hot" là nghề quản trị kinh doanh. Ngành này không còn mới mẻ, thế nhưng việc “một bước lên tiên” là điều không thể xảy ra. Cũng giống như việc các cử nhân khi tốt nghiệp đại học trong nước, có thể trở về địa phương làm việc với những cương vị quan trọng là điều rất hiếm, khó xảy ra.

Đã từng có chuyện, người ta để cho các cử nhân, thạc sĩ ngồi chơi xơi nước hàng năm, hoặc làm cái việc mà bản thân họ chưa từng được đào tạo qua, thậm chí là công việc hành chính… chỉ vì họ dám qua mặt sếp, có sáng kiến nọ, ý kiến kia…

Thuốc cầm nào cho “chảy máu chất xám”?

Ngoài các lĩnh vực văn hóa, y tế… lĩnh vực khoa học kỹ thuật luôn là vấn đề bức thiết. Việt Nam đang phấn đấu và cố gắng xây dựng một nền khoa học hiện đại, xứng tầm thế giới, thế nhưng con đường này vẫn còn nhiều gian nan. Do đó, việc trở về của du học sinh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật càng trở nên “mịt mùng”. Bởi trình độ khoa học kỹ thuật của nước ta vẫn còn lạc hậu, yếu kém trong nhiều lĩnh vực. Môi trường khoa học còn bảo thủ, chưa chấp nhận được những thay đổi mới của bên ngoài, kinh phí cho các công trình nghiên cứu còn bó hẹp, thủ tục rườm rà… Thế nên, việc làm còn nhiều hạn chế, nhiều nhà khoa học đành phải ra ngoài mưu sinh, không thể chờ đợi trong “khoắc khoải” những công trình đang “đắp chiếu” được vực dậy…

Anh Nguyễn Minh Đức (Hà Nội) tâm sự: “Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa chuyên ngành vật lý, tôi vác tấm bằng khá đi xin việc ở một viện nghiên cứu. Lương chỉ đủ ăn uống, xăng xe đi lại nhưng tôi vẫn vào làm vì đam mê. Thế nhưng vào làm được gần 1 năm thì tôi đành nộp đơn xin thôi việc, sau đó tìm học bổng đi du học. Bởi vì vào đó, những điều mình biết, mình được học, khi đưa ý kiến, nhận định với sếp đều bị gạt bỏ. Nhiều lần ý kiến là bấy nhiêu lần bị cấp trên ghét bỏ…”. Anh Đức cũng dự tính, anh sẽ sinh sống và làm việc ở nước ngoài đến khi có được ít vốn trong tay, anh sẽ trở về để làm việc độc lập, không lệ thuộc vào ai…

Có cùng quan điểm trên, anh Nguyễn Minh Ngọc, hiện đang làm luận án tiến sĩ ở Đài Loan cho biết: “Sau 6 năm sống ở nước ngoài, đến giờ tôi không muốn trở về. Về làm gì khi mình không được đem tài năng của mình ra cống hiến. Ở bên này, sau mỗi lần chế tạo thành công một thiết bị hay một chi tiết máy nào đó, chúng tôi được trả công xứng đáng. Môi trường làm việc ở đây cũng vô cùng vui vẻ, thoải mái. Chúng tôi có thể trao đổi, thậm chí bảo vệ ý kiến của mình đến cùng mà không sợ bị thù ghét. Cái họ cần là kết quả. Trong khi đó, nếu về nước, ý kiến tôi đưa ra luôn bị bác bỏ, bị từ chối. Lúc nào cũng phải nhìn mặt “sếp” để làm việc, mệt mỏi lắm”.

Thực sự, những năm gần đây, cũng đã có một vài chính sách đãi ngộ người tài, nhưng tiếc rằng chính sách lại không đi vào cuộc sống, thành ra đầu voi đuôi chuột. Chẳng hạn, gia đình vợ con ở Hà Nội chẳng ai mặn mà gì để vào Bạc Liêu hưởng đãi ngộ mấy chục triệu đồng. Chính vì thế mà không mấy người mặn mà với các chế độ đãi ngộ này. Có thể nói, với những du học sinh, nghiên cứu sinh, điều họ cần không phải là các cơ quan nhà nước “trải thảm đỏ” chào đón. Cái họ cần chính là một chế độ đãi ngộ hợp lý và một môi trường thuận lợi để làm việc. Để từ đó họ được cống hiến hết sức mình và được ghi nhận một cách xứng đáng tài năng. Có như thế, tình trạng “chảy máu chất xám” mới được “cầm”.

Cần có chính sách mang tính chất trọng dụng

Tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu khắp các nước đang phát triển trên thế giới. Rất nhiều câu hỏi, làm thế nào để hạn chế tới mức tối đa tình trạng này được đặt ra và đi vào lý giải.

Trao đổi với PV PetroTimes, GS.TSKH Đào Trọng Thi cho biết: “Tình trạng “chảy máu chất xám” (sinh viên, nghiên cứu sinh nước ta ra nước ngoài học, sau đó không trở về) như hiện nay chúng ta không nên lo ngại quá. Bởi lẽ, hiện nay việc thu hút nhân tài của chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém, đặc biệt với vấn đề “chảy máu chất xám”.

Để hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”, theo tôi cần phải làm đồng bộ cả hai khía cạnh. Thứ nhất là giáo dục tinh thần tự nguyện, tham gia xây dựng đất nước với những ứng viên, du học sinh, nghiên cứu sinh đi học tập ở nước ngoài. Khía cạnh này chưa thật hữu hiệu. Cái quan trọng nhất chính là cần có chính sách ưu đãi, động viên, khích lệ những người học tập ở nước ngoài trở về. Để thông qua đó, những người đang học tập và những người đã học tập xong mà không trở về sẽ trở về.

Những chính sách đãi ngộ về vật chất, tôn vinh họ trở về chỉ là một phần, quan trọng chính là tạo cho họ môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội phát triển những điều họ được học tập ở nước ngoài. Có như thế, tình trạng “chảy máu chất xám” mới được hạn chế tối đa. Đây chính là thực hiện chính sách mang tính chất trọng dụng nhân tài".


Thanh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc