Các trường ngoài công lập "phản ứng" với Bộ GD-ĐT

18:15 | 22/05/2013

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi 5 trường ĐH thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) gửi phương án tuyển sinh riêng lên Bộ GD-ĐT, Ban lãnh đạo Hiệp hội đã tổ chức cuộc họp kiến nghị tất cả các trường NCL tự chủ tuyển sinh vào đợt tuyển sinh sắp tới.

>> 5 trường bị Bộ GD-ĐT cấm tuyển sinh

>> 4 trường đại học xin tuyển sinh riêng

 

Kiến nghị bỏ “3 chung” và điểm sàn

Trong cuộc họp diễn ra vào sáng 22/5, đại diện các trường ĐH, CĐ NCL đã đồng loạt kiến nghị được tự chủ tuyển sinh, không dựa vào kỳ thi ĐH, CĐ “3 chung” và điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Trong vài năm gần đây, việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh của một số trường ĐH, CĐ công lập địa phương và một số trường NCL gặp khá nhiều khó khăn. Không chỉ một số ngành phải tạm dừng vì không tuyển được sinh viên, mà một số trường tuyển được rất ít, sự tồn tại của nhà trường bị đe dọa.

Ông Phan Quang Trung (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) khẳng định: “Nếu tình hình không được cải thiện, thì trong vài năm nữa sẽ có một số trường phải tính đến chuyện đóng cửa”.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Phan Quang Trung: “Do điểm sàn xác định không đúng, dẫn đến cạn kiệt nguồn tuyển. Nếu phổ điểm các môn thi được công khai, thì việc xác định mức độ khó, dễ của đề thi hàng năm cũng như việc xác định điểm sàn có phù hợp hay không sẽ được minh bạch”.

GS Trần Phương (Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ).

 

Phần lớn các đại biểu có mặt trong buổi họp sáng 22/5 đều đồng tình với quan điểm của Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL về vấn đề “3 chung” và điểm sàn.

PGS-TS Bùi Thiện Dụ (Hiệu trưởng trường ĐH Phương Đông) nhấn mạnh: “Ba chung” đã có đóng góp trong một giai đoạn nhất định, nay hoàn cảnh đã khác, có thể kết thúc giai đoạn 3 chung. Bộ GD-ĐT nên dồn 3 chung vào Một chung là thi nghiêm túc khoa học cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Về bản chất, điểm sàn dùng để phân loại số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT để vào ĐH, CĐ. Nó thay đổi tùy theo độ khó của đề thi và barem chấm thi; tuy nhiên, nó không có nhiệm vụ (và cũng không làm được) là xác định chất lượng đầu vào cho ĐH, CĐ”.

GS Trần Phương (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) cho rằng: “Cái khó nhất của các trường NCL chính là tuyển sinh. Trước đây, Bộ GD-ĐT và Chính phủ đã có tiêu chí phấn đấu số lượng sinh viên trường NCL chiếm 40% tổng số sinh viên, nhưng  10 năm nay, chúng ta vẫn chỉ có 15%”.

GS Trần Phương cho rằng, mức học phí và hỗ trợ cho sinh viên ở các trường công lập và NCL phải bằng nhau, bình đẳng để nâng tầm giáo dục ĐH, nâng số lượng sinh viên ĐH lên cho xứng tầm phát triển. Hiện nay, số lượng sinh viên của nước ta đang là 280 sinh viên/1 vạn dân, trong khi đó, ở Thái Lan, con số này là 500 sinh viên/1 vạn dân và ở Hàn Quốc là 700 sinh viên/1 vạn dân.

Theo GS Trần Phương, điểm sàn hiện nay do Bộ GD-ĐT đưa ra là không còn phù hợp và đề nghị bỏ kỳ thi 3 chung, chỉ giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT làm chuẩn để đánh giá chất lượng học sinh. GS khẳng định: “Điểm sàn tạo nên sự bất bình đẳng giữa các trường công lập và NCL, giữa miền núi và đồng bằng. Vì điểm sàn, mỗi năm chúng ta đã đẩy hàng ngàn học sinh ra nước ngoài du học, dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ nặng nề”.

GS.TS Trần Hữu Nghị (hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng).

Cùng quan điểm với các đại biểu, GS.TS Trần Hữu Nghị (hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng) cho rằng: “Trong 3 năm liên tiếp, điểm sàn đều không chính xác. Nếu đợt tuyển sinh năm ngoái, điểm sàn được xác định đúng thì các trường NCL sẽ tuyển được hơn 94.000 sinh viên và không lâm vào tình trạng “đói” người học như hiện nay”.

Ông cũng nhấn mạnh, bộ GD-ĐT nên chuyển sang tuyển sinh đa tiêu chí, bỏ điểm sàn, bỏ 3 chung và chỉ cần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, GS.TS Trần Hữu Nghị đưa ra 3 tiêu chí để xét tuyển, thi tuyển vào trường ĐH: kết quả kỳ thi 3 chung; kết quả 3 năm học THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, các trường có thể tổ chức xét kết quả thi các môn năng khiếu hoặc hạnh kiểm tùy theo yêu cầu của từng trường, từng chuyên ngành.

Đồng thời, một số trường ĐH, CĐ NCL còn kiến nghị tổ chức thi tốt nghiệp 8 môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Trường CĐ ASEAN lên tiếng về kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, bà Trần Kim Phượng (Chủ tịch HĐQT trường CĐ ASEAN) cũng trình bày với Ban lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL về quyết định “ngừng liên kết đào tạo liên thông” của Bộ GD-ĐT.

Bà Trần Kim Phượng (Chủ tịch HĐQT trường CĐ ASEAN).

 

Bà Phượng khẳng định, về nội dung trường CĐ ASEAN tuyển sinh, liên kết đào tạo liên thông ngành Dược với trường Trung cấp Vạn Tường (Tp.HCM) khi “không được cơ quan có thẩm quyền cho phép” là sai thực tế. Theo bà, Nhà trường hiện vẫn đang lưu giữ tất cả văn bản trong suốt thời gian từ tháng 6/2012 về việc xin phép liên kết đào tạo hoặc mở phân hiệu của trường CĐ ASEAN tại TP.HCM với trường Trung cấp Vạn Tường; và sau đó là trường Trung cấp Đại Việt.

Ngày 28/8/2012, Sở GD-ĐT TP/HCM đã có công văn số 2283 đồng ý cho trường CĐ ASEAN và trường Trung cấp Vạn Tường liên kết đào tạo. Sau quá trình xem xét căn xứ quy định của pháp luật, nhu cầu của người học và chủ trương xã hội hóa giáo dục, ngày 7/1/2013, UBND TP.HCM đã quyết định cho phép trường CĐ ASEAN liên kết đào tạo với trường Trung cấp Đại Việt (công văn 108/UBND-VX). Tiếp theo đó, ngày 20/3/2013, Bộ GD-ĐT cho phép trường CĐ ASEAN liên kết đào tạo liên thông với trường Trung cấp Đại Việt (công văn 1087/BGDĐT-GDĐH).

Bà Phượng cho biết thêm: “Tại thời điểm này, Bộ chuẩn bị ban hành Thông tư số 55/2012, nếu không tuyển sinh trước mà chờ xong thủ tục thì sẽ không thể tuyển sinh được”. Do đó, sau khi được Sở GD-ĐT chấp thuận, trường CĐ ASEAN đã tiến hành tuyển sinh tại Trung cấp Vạn Tường và tổ chức học tại cơ sở Trung cấp Đại Việt.

Tuy nhiên, do cơ sở này cách xa hơn 10km nên trường CĐ ASEAN đã cho học viên học tại điểm điểm khác của Trung cấp Đại Việt. Điều này là thiếu sót của Ban giám hiệu trường CĐ ASEAN khi xử lý vượt quá thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đại diện trường CĐ ASEAN cũng cho rằng, việc Văn phòng đại diện phía Nam của Bộ GD-ĐT lập 2 biên bản về vi phạm của  trường CĐ ASEAN chỉ là những chứng cứ về sự vi phạm. Trên thực tế là chưa tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật. 

Hơn nữa, thực chất chưa có quyết định thanh tra và chưa có hoạt động thanh tra, mà chỉ mới căn cứ vào biên bản không có chữ ký của đối tượng vi phạm liên quan là  trường CĐ ASEAN, hồ sơ thanh tra chưa đầy đủ. Vì vậy, bà Phượng cho rằng việc cung cấp nội dung chưa đầy đủ cơ sở và đăng tải Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT trên báo chí gần đây là vội vàng, gây hệ quả xấu cho  trường CĐ ASEAN.

Kết luận buổi họp, GS. Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL) khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với Bộ GD-ĐT và Chính phủ về việc thực hiện điều 34 Luật GD ĐH về tự chủ tuyển sinh và sẽ cố gắng thực hiện ngay trong năm 2013.

Đầu năm 2013, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã có động thái mạnh mẽ hơn là gửi thư “kêu cứu” với Thủ tướng Chính phủ. Phản hồi lại Hiệp hội, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường trình phương án tuyển sinh để Bộ xem xét. Đến nay, đã có một số trường gửi phương án tuyển sinh cho Bộ.

Tuy nhiên, dù chỉ hơn một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ được tổ chức, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ còn đang xem xét, nghiên cứu thêm.

Nhã Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.