Bi cảnh nữ thương binh đơn thân trong căn nhà dột nát

07:00 | 07/08/2013

693 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 20 năm qua, nữ thương binh hạng 4/4, đơn thân, nay đã 65 tuổi vẫn ở trong căn hộ dột nát chừng hơn 10m2, không nhà vệ sinh ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Bà Thái Xuân Lai - nữ thương binh đơn thân, cán bộ hưu trí của ngành Hàng không, trú tại căn hộ tầng 2, số nhà 52, ngõ 176 Nguyễn Sơn. Long Biên, Hà Nội.

Là con của một liệt sĩ, chị gái một liệt sĩ, bà sống đơn thân trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp nghiêm trọng, ọp ẹp, thậm chí không có nhà vệ sinh. Dù đã nhiều năm qua bà muốn sửa mà bà chẳng thể sửa sang lại được vì gia đình bên dưới ngăn cản, đâm đơn kiện, chính quyền đến đình chỉ thi công.

Hai nhà chung đất, chung cột, nên bà chẳng thể sửa được nếu chủ căn hộ bên dưới không đồng ý khiến cuộc sống độc thân của bà càng khó khăn.

“Bao năm xin sửa căn nhà dột nát chẳng được. Tôi thật có lỗi với vong linh cha và em của mình vì không sửa sang được căn nhà tử tế hơn làm nơi thờ phụng, tưởng nhớ đến người đã khuất”, bà Lai nghẹn ngào chia sẻ.

Căn hộ “tổ chim” nơi bà đang ở quá dột nát, chỗ ngủ cũng chỉ là tấm phản nhỏ bằng một chiếc ghế dài kê sát góc nhà.

Lối vào nhà bà Thái Xuân Lai ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên, khá kì lạ, bởi cầu thang dẫn lên nhà chỉ rộng chừng hơn 70cm, ăn theo sang thửa đất bên cạnh, với khoảng 14-15 bậc xoáy thẳng theo chiếc cột, chỉ vừa đủ cho một người có dáng thấp bé “chui” từ tầng 1 lên căn hộ tầng 2.

Chỗ ban công trước cửa là khoảng không duy nhất của căn nhà cũng chỉ rộng chừng hơn 1m2 được ghép bằng mấy thanh gỗ, thủng lỗ chỗ, khi có người bước chân lại rung lên bần bật.

Bên trong căn hộ rộng chừng hơn 10m2, các vách tường, tấm trần mỏng chống nóng đều đã ẩm mốc vì thấm nước, khắp nhà lỉnh kỉnh xoong, chậu để hứng nước mưa.

Nhà dột nát, bà Lai chẳng dám treo gì lên tường, tấm bằng Tổ quốc ghi công của cha và em trai cũng không được đặt lên ban thờ, còn giấy tờ bà cất trong túi xách hoặc đem gửi người thân. 

Nhà chật chội nên bà Lai thu xếp mọi thứ ở mức chiếm ít diện tích nhất có thể để còn dành lối đi lại và chỗ nấu nướng. Khổ nhất là không có chỗ tắm giặt, vệ sinh nên hàng ngày bà phải đến nhờ nhà người quen hoặc dùng bô.

Nhiều hôm người mệt mỏi, bà cũng muốn nghỉ ngơi ở nhà, nhưng lại thấy trời sắp có mưa gió, bà sợ, phải đi tìm chỗ trú nhờ hay tới chùa nương nhờ cửa Phật.

 

 

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc