Bà hiệu trưởng 20 năm miệt mài với lớp học tình thương

07:00 | 20/11/2013

1,645 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Suốt gần 20 năm nay, một người phụ nữ dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn luôn cặm cụi với một lớp học tình thương, bà suy nghĩ giản dị rằng đó là niềm vui lúc tuổi già của mình.

Tôi tìm đến địa chỉ lớp học tình thương linh hoạt Tân Mai tại ngõ 521 Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) vào một buổi sáng trời se lạnh. Mặc dù thời tiết như vậy, tuy nhiên chúng tôi cảm nhận thật rõ sự ấm áp của tình người lan tỏa từ sự tận tụy của người giáo viên cả đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người.


Nhà giáo Nguyễn Thị Côi, 20 năm vẫn miệt mài với lớp học tình thương

Bà  là Nguyễn Thị Côi năm nay 70 tuổi,  từng là hiệu trưởng của trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, nhưng từ khi về hưu bà đã đảm nhận lớp học tình thương với nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ngồi trò chuyện cùng người phụ nữ đáng kính này, chẳng ai nghĩ bà đang ở độ tuổi 70, bởi dáng vóc giản dị, đôi mắt tinh anh, giọng nói trầm ấm, kiến thức truyền đạt cho học sinh luôn được cập nhật liên tục mới mẻ, chính xác nhất.

Tâm sự với chúng tôi về thời điểm xuất phát ý tưởng mở lớp học, bà trải lòng: “Tôi nhìn thấy hoàn cảnh các em rất tội nghiệp, các em đều xuất phát từ những gia đình hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện tới trường. Các em không biết chữ sau này lớn lên càng khổ hơn, chính điều đó mà tôi muốn giúp thật nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ để các em có một cuộc sống tốt đẹp nhất trong tương lai”.

Lớp học tình thương của bà vẫn luôn đều đặn từ sáng thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mặc những hôm trời nắng cũng như trời mưa, cô trò vẫn nỗ lực đến lớp để tiếp thêm nguồn tri thức, nâng cao tầm nhận biết.

Bà đang hướng dẫn cho một học sinh học tiểu học

Lớp học của bà Côi hiện có gần 20 học sinh ở những độ tuổi khác nhau. Có những học sinh 30 tuổi, 20 tuổi, 10 tuổi... mỗi học sinh đều có những hoàn cảnh khác nhau, phần lớn là người khuyết tật, trẻ em bị thiểu năng trí tuệ và để biết đọc, biết viết có em đã phải mất tới khoảng thời gian là 4 năm. Đặc biệt, chỉ những người ở trong nghề mới cảm nhận sâu sắc nhất việc dạy, một học sinh bình thường đã khó, nay lại toàn trẻ em đặc biệt thì khó khăn, vất vả phải ở cấp số nhân.

Không một câu nói nặng lời với các em học sinh, bằng sự kiên nhẫn, thái độ nhẹ nhàng, bà đã giúp đỡ được rất nhiều học trò có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể tìm được công việc từ kết quả học tập, viết lên ước mơ bản thân.

Học sinh Đỗ Thị Ngân (sinh năm 1987) chia sẻ: “Em mới tới lớp học được mấy tháng. Ở lớp, được cô dạy viết chữ, cô dạy tập đọc. Cô giáo dạy nhiệt tình, nên giờ em đã viết được nhiều chữ”.

Quang cảnh lớp học tình thương trong giờ ra chơi

20 năm gắn bó với lớp, cũng là quãng thời gian bà Côi có thêm nhiều niềm vui. Mỗi dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 bà không nhận được nhiều hoa, nhưng tình cảm của cô trò vẫn luôn đẹp như vậy. Sự tận tụy xuất phát từ trái tim vẫn đang lan tỏa khắp lớp học, bà chia sẻ thêm: “Tôi đến lớp học xuất phát từ tình yêu thương với trẻ, cũng để rèn luyện cho mình có một sức khỏe, tránh các loại bệnh tật lão hóa tuổi già”.

Những khó khăn trong công việc dạy học này có lẽ có vô vàn câu chuyện để kể, nhưng khi đề cập đến vấn đề này bà chỉ mỉm cười cùng một câu nói thuyết phục chẳng cần phải kể ra những khó khăn làm gì nữa, bởi ở độ tuổi này vẫn đi dạy được đó mới là điều tuyệt vời và quan trọng nhất. Ngoài ra, bà cũng là một người phụ nữ đảm đang, khi vừa đảm nhiệm tốt công việc xã hội lại chăm lo công việc gia đình, làm tròn bổn phận của một người vợ - người mẹ.

Cuối cùng, kết quả xứng đáng đã đem lại niềm vui sự khích lệ cho bà nhiều nhất, có lẽ là thông tin học sinh của mình đỗ đại học sau những tháng ngày ôn luyện trên lớp miệt mài. Hơn nữa nhiều cựu học sinh nay đã đi làm vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên sức khỏe bà Côi... Mặc dù chỉ là những điều bình dị thôi, nhưng đây là động lực để bà Côi duy trì lớp học trong suốt thời gian gần 20 năm qua và cả những năm tháng sau này.

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc